Tương lai đang hình thành ngay trước mắt chúng ta

Tương lai đang dần hình thành ngay trước mắt chúng ta và con người sẽ phải học cách đón nhận, thích ứng với những bước tiến đang đến như vũ bão này.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động sâu sắc đến các doanh nghiệp, các chính phủ và người dân.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động sâu sắc đến các doanh nghiệp, các chính phủ và người dân.

Theo TS Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, xét về phạm vi, mức độ và tính phức tạp, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra không giống với bất kỳ điều gì mà con người từng trải qua. Sẽ có những thay đổi sâu sắc đến mức chưa bao giờ trong lịch sử lại có một thời điểm con người đứng trước cùng lúc nhiều cơ hội lẫn rủi ro như thế.

Ba cuộc cách mạng công nghiệp mà thế giới đã trải qua là: Cuộc cách mạng công nghiệp thứ nhất sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hoá sản xuất. Cuộc cách mạng công nghiệp lần hai sử dụng năng lượng điện để tạo nên nền sản xuất quy mô lớn. Cuộc cách mạng công nghiệp thứ ba bắt đầu từ khoảng nửa sau thế kỷ 20 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hoá sản xuất.

Ngày nay, một cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư đang diễn ra trên nền tảng của cuộc cách mạng thứ ba, với một loạt công nghệ giúp xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, số hóa và sinh học, nói cách khác là sự kết hợp giữa thế giới thực, thế giới ảo và thế giới sinh vật.

Cuộc cách mạng công nghiêp lần thứ tư (hay còn gọi là cách mạng công nghiệp 4.0) mà tâm điểm là sự phát triển của internet, trí tuệ nhân tạo, công nghệ in 3D, tự động hóa, năng lượng tái tạo… đang nâng cao chất lượng và giá trị cuộc sống của con người hơn bao giờ hết. Sự thay đổi này không phải là một ý định, hay một chủ thuyết nào đó, mà là một tất yếu, mang tính phổ quát toàn cầu, không chỉ là cơ hội mà còn mang lại những thách thức.

Đơn cử như lĩnh vực lao động, việc làm, trong cuộc cách mạng này, người máy với trí tuệ nhân tạo siêu việt sẽ có thể thay thế con người trong rất nhiều lĩnh vực. Việc thay thế có thể dẫn đến mức độ cạnh tranh gay gắt từ lao động phổ thông đến hầu hết những  lĩnh vực cao hơn, từ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ đến hành chính công, y tế, giáo dục…, thậm chí ngay cả trong đời sống, hôn nhân và gia đình.

Tại châu Âu, Nghị viện châu Âu (EP) đang tính đến việc đưa ra các quy định về robot, tiến tới tạo dựng một bộ luật về lĩnh vực này. Các nghị sĩ châu Âu đang rất lo lắng việc sử dụng đại trà người máy sẽ gây những hậu quả tiêu cực lên thị trường việc làm. Theo dự thảo nghị quyết, một kỷ nguyên mới sẽ được mở ra, trong đó người máy hiện đại, thông minh có thể tạo nên một cuộc cách mạng công nghiệp và có nguy cơ ảnh hưởng đến tất cả các tầng lớp xã hội.

Trong tương lai, năng lực, chứ không phải nguồn vốn, sẽ trở thành nhân tố cốt lõi của nền sản xuất; cũng khi đó, không cần phải "con vua" hay "con sãi" gì, cái quý giá nhất chính là năng lực, bởi nếu không có năng lực thì cạnh tranh với robot đã là rất khó khăn rồi và hầu như là sẽ bị thua. Cùng với đó, giá trị của sản phẩm được quyết định không phải bởi lao động đơn giản hay lao động tự nhiên, mà bởi hàm lượng tri thức kết tinh trong đó.  

Tương lai đang dần hình thành ngay trước mắt chúng ta và con người sẽ phải học cách đón nhận, thích ứng với những bước tiến đang đến như vũ bão này. Điều này đã có những bài học nhãn tiền. Nokia, thương hiệu điện thoại hàng đầu trong những năm 1990, nhất định không thể ngờ được sự bùng nổ của công nghệ hiện đại lại nhanh chóng đẩy mình xuống vực sâu đến vậy. Điều rất đáng tiếc với bản thân Nokia là một bài học đáng giá cho cả thế giới.

Tương tự như vậy là những lĩnh vực kinh doanh đang gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hàng triệu lao động, việc làm. Chúng ta đã chứng kiến rất lĩnh vực từng rất có lợi thế đã đánh mất lợi thế đó, đi liền với đó là lợi thế của hàng loạt các lĩnh vực mới và đến lượt mình, ngay những lĩnh vực mới này cũng sẽ nhanh chóng mất đi lợi thế để dành chỗ cho những gì mới hơn, tốt đẹp hơn.

Trong bối cảnh mới, mọi chủ thể phải chủ động đưa tư duy của mình thoát khỏi lối mòn với những ý tưởng, đặt lại những đặt câu hỏi, việc suy nghĩ lại các chiến lược, các mô hình kinh doanh cho đến các quyết định đầu tư vào đào tạo nhân lực hay các hoạt động nghiên cứu phát triển.

Từ khi nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã liên tục nhắc tới cuộc cách mạng này khi làm việc với các bộ ngành, địa phương, đơn vị. “Dù phải đối mặt với nhiều thách thức to lớn, Việt Nam quyết không bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Thời gian không chờ đợi; cơ hội không tự đến. Phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn trong thời đại kỹ thuật số, nếu không, chúng ta sẽ đánh mất thời cơ, vận hội của quốc gia, dân tộc", Thủ tướng phát biểu.

Đẩy mạnh cải cách sâu rộng, thực hiện Chính phủ kiến tạo, minh bạch và liêm chính, phụng sự, phục vụ nhân dân bằng đường lối chính sách đúng đắn và quyết tâm thực hiện cho bằng được, nói đi đôi với làm, “tìm người tài chứ không tìm người nhà” … chính là thông điệp mạnh mẽ mà Chính phủ Việt Nam phát đi để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này.

Lê Xuân Hiền
Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương
Thành viên Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư