Từ 2017: 100% người dân Đà Nẵng sẽ được sử dụng thực phẩm sạch?

VietTimes -- Chiều 30/11, UBND TP Đà Nẵng đã công bố Quyết đinh phê duyệt Đề án Quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng" trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2020. 
Đà Nẵng sẽ siết chặt thực phẩm trên địa bàn
Đà Nẵng sẽ siết chặt thực phẩm trên địa bàn

Theo đó, đến năm 2020, Đà Nẵng sẽ quy hoạch tổng thể về ATTP từ sản xuất đến tiêu dùng được triển khai, hệ thống kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập và phát huy hiệu quả, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe vfa quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế của TP Đà Nẵng.

Cụ thể, hoàn thiện Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh ATTP các cấp, 100% cán bộ làm công tác ATTP cấp thành phố, quận huyện, phường xã được cập nhật kiến thức quản lý, chuyên môn về ATTP...
Đặc biệt, từ năm 2017 trở đi, 100% người quản lý, 100% người sản xuất, người chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và 100% người tiêu dùng có kiến thức và thực hành đúng về ATTP.

Bên cạnh đó, Đề án sẽ xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản, thực phẩn an toàn, thúc đẩy áp dụng rộng rãi mô hình VietGap và phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn. Các cơ quan chức năng Đà Nẵng sẽ kiểm soát chặt chẽ hàng hóa lưu thông phân phối trong phạm vi thành phố; ngăn chặn việc kinh doanh thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ; Thiết lập hệ thống thông tin giám sát đối với các sản phẩm nông nghiệp, phục vụ công tác quản lý tại các địa phương; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ... thực hiện các quy định đảm bảo ATTP; Không để xảy ra ngộ độc thực phẩm cấp tính từ 30 người trở lên mắc phải, giảm số vụ ngộ độc thực phẩm nhỏ lẻ, 100% vụ ngộ độc thực phẩm được điều tra và xử lý kịp thời,..

Đà nẵng, ATTP, thực phẩm, sạch, siết chặt, VietTimes
Chiều 30/11, UBND TP Đà Nẵng đã công bố Quyết đinh phê duyệt Đề án Quản lý an toàn thực phẩm theo quy trình từ sản xuất đến tiêu dùng" trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2020.

Theo ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TPP Đà Nẵng: "Để người dân được sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn, ngoài việc vào cuộc của các cơ quan chức năng các cấp từ sở ban ngành quận huyện. Cần có sự phối hợp của người dân, cũng như các đơn vị sản xuất, kinh doanh trong việc nâng cao ý thức cũng như kiểm soát đối với thực trạng công tác đảm bảo ATTP".

Đồng quan điểm với đại diện Sở Công thương Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng nhấn mạnh: "Quan điểm chúng tôi là đã kinh doanh là phải đảm bảo, nếu không đảm bảo thì không cho kinh doanh. Vì sức khỏe của người dân Đà Nẵng, chúng tôi cương quyết sẽ thực hiện".

Trước đó, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Quyết định 35/2016/QĐ-UBND Quy định quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) của UBND TP Đà Nẵng. Theo đó, từ ngày 1/1/2017, tất cả sản phẩm nông lâm thủy sản đã qua chế biến không bao gói sẵn; các sản phẩm rau, trái cây, thủy sản nhập vào tiêu thụ tại các chợ trên địa bàn TP Đà Nẵng sẽ được kiểm tra, cung cấp thông tin về nguồn gốc, xuất xứ.
Theo đó, chủ hàng, chủ phương tiện nhập, vận chuyển sản phẩm phải phải chấp hành việc kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và tự chịu trách nhiệm về hàng hóa kinh doanh của mình.

Sau khi quyết định có hiệu lực, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, mua bán không thực hiện đúng theo quy định trên, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đà nẵng, ATTP, thực phẩm, sạch, siết chặt, VietTimes
Từ 2017, 100% người dân Đà Nẵng sẽ được sử dụng thực phẩm sạch ?

Nếu hàng hóa có hoá đơn chứng từ mua bán nhưng không ghi đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm hoặc mua trực tiếp của nông dân, ngư dân không có hóa đơn chứng từ thì phải lập bảng kê khai về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm theo biểu mẫu Quy định này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kê khai; Nếu nội dung kê khai không đúng sự thật mà hàng hóa đó bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm quy định về ATTP làm ảnh hưởng, thiệt hại đến tổ chức, cá nhân khác thì chủ hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định.

Đối với chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển, phải thực hiện cung cấp hóa đơn chứng từ hoặc thực hiện kê khai về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm cho Ban quản lý chợ trước khi đưa hàng hoá xuống khỏi phương tiện vận chuyển để tiêu thụ. Thậm chí buộc phải đưa hàng hóa ra khỏi TP Đà Nẵng; hoặc không được phép tiếp tục kinh doanh tại chợ.

Để công tác kiểm tra, giám sát ATTP có hiệu quả, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng yêu cầu Ban quản lý các chợ, các ngành chức năng thực hiện tiếp nhận, kiểm tra thông tin về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa theo quy định để làm cơ sở cho phép chủ hàng hoặc chủ phương tiện vận chuyển, chủ tàu cá được đưa hàng xuống khỏi phương tiện vận chuyển, tàu cá để tiêu thụ; lưu trữ, tổng hợp thông tin kê khai hàng hóa nhập vào chợ, cảng cá hằng ngày để làm cơ sở cho cơ quan chức năng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ và xử lý vi phạm ATTP theo quy định.