Truy nguồn gốc thịt heo từ smartphone: Chuyên gia nước ngoài sẽ kiểm tra trước

VietTimes -- Trong việc đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc thịt heo của dự án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm”, TP. HCM cho biết sẽ mời các chuyên gia nước ngoài kiểm tra, tư vấn trước khi chương trình chạy chính thức
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Ngày 18-11, Sở Công Thương TP.HCM đã tổ chức tập huấn cho các hệ thống phân phối tham gia chương trình “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo”.

Đây là bước chạy đà triển khai chương trình “Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo”: sử dụng điện thoại thông minh hoặc qua các máy dò trực tiếp để tìm ra nguồn gốc thịt heo sẽ chính thức hoạt động từ ngày 10-12 tới đây người.

Theo đó, ngoài việc tiếp tục tập huấn cho nhiều đối tượng, từ ngày 5 đến 9/12 thành phố sẽ mời chuyên gia nước ngoài vào để giúp kiểm tra, tư vấn trước khi chương trình chạy chính thức.

Dự án sẽ xây dựng dây chuyền giám sát việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo từ cổng trang trại chăn nuôi khi bắt đầu xuất chuồng đến các cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại và chợ lẻ. Đến nay, việc chuẩn bị của các bên tương đối tốt. Riêng thương lái hoạt động tự do nên việc tiếp cận để vận động tham gia còn gặp khó khăn.

Hưởng ứng chương trình này, đến nay các cơ quan chức năng đã nhận được đăng ký của gần 1.000 trang trại, có sản lượng cung ứng lên tới 10.000 con heo/ngày; có 17 cơ sở giết mổ ở bốn địa phương TP.HCM, Đồng Nai, Long An và Bình Dương đăng ký; hệ thống phân phối gồm bốn chợ lẻ là Bến Thành, Thái Bình, An Đông và Hòa Bình với 76 sạp đăng ký. Đặc biệt, toàn bộ các hệ thống phân phối hiện đại lớn đã đăng ký tham gia với 338 điểm bán.

Theo nhận định của cơ quan chức năng, nếu chỉ kiểm soát tốt tại hai chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền thì đã kiểm soát được 80% lượng thịt vào TP. Nhưng nếu kiểm soát tốt hơn nữa sẽ kiểm soát được thêm 12%-15%. Như vậy tổng cộng hơn 90% heo đã được truy xuất nguồn gốc.

Dự án “Mô hình chợ thí điểm an toàn thực phẩm” thực hiện dựa trên sự ứng dụng công nghệ có tên TE-FOOD. Theo đó, mỗi con heo khi nuôi tại chuồng trại sẽ được đeo 2 vòng nhận diện ở chân sau. Những chiếc vòng này được sản xuất theo công nghệ khắc laser tại Malaysia, có khả năng chịu nhiệt, chịu lực cao, chống giả mạo và không thể tháo ra lắp lại. Tổng chi phí để áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc cho một con heo từ “trang trại đến bàn ăn” chỉ có 9.800 đồng.

Heo sau khi được giết mổ sẽ được dán tem đủ tiêu chuẩn. Căn cứ theo tem này, người tiêu dùng có thể truy xuất được nguồn gốc heo từ ngày giờ mổ, nơi mổ, cán bộ kiểm dịch và địa chỉ trại nuôi...

Các chuyên gia công nghệ thông tin đã lập trình một app (ứng dụng) miễn phí trên điện thoại di động để mọi người có thể tải về và dễ dàng sử dụng mọi lúc mọi nơi. Ứng dụng này sẽ kèm theo bản đồ các điểm phân phối thịt an toàn.