Trung Quốc tạm ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên do Mỹ gây sức ép?

VietTimes -- Trung Quốc áp thêm biện pháp trừng phạt mạnh với Triều Tiên ngay sau khi Tân Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson yêu cầu Trung Quốc "sử dụng tất cả mọi biện pháp có thể" để ngăn chặn các hành động của Triều Tiên.
Ngày 17 tháng 2 năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị G20. Ảnh: South China Morning Post
Ngày 17 tháng 2 năm 2017, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson gặp gỡ Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị G20. Ảnh: South China Morning Post

Trung Quốc “bắn tín hiệu” với Mỹ

Trên trang thông tin chính thức ngày 18 tháng 2, Bộ Thương Mại Trung Quốc tuyên bố, để thực hiện nghị quyết số 2321 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong năm nay, Trung Quốc tạm thời chấm dứt nhập khẩu than của Triều Tiên kể từ ngày 19 tháng 2 đến ngày 31 tháng 12 năm 2017. Đây được cho là phản ứng mới nhất của Trung Quốc đối với vụ phóng tên lửa của Triều Tiên diễn ra vào ngày 12 tháng 2 vừa qua.

Có tin cho biết, ngay sau ngày Triều Tiên phóng tên lửa một ngày (ngày 13 tháng 2), ở cảng Ôn Châu, Trung Quốc đã trả lại một lô than gầy trị giá 1 triệu USD của Triều Tiên, nguyên nhân là “lượng chứa thủy ngân vượt chuẩn”.

Việc Trung Quốc ngừng nhập khẩu than của Triều Tiên được báo giới quốc tế cho là một “tiến triển quan trọng”. Theo báo Anh, anh trai nhà lãnh đạo Triều Tiên là Kim Jong-nam bị ám sát có thể là một trong những nguyên nhân làm cho Trung Quốc gia tăng mức độ gây sức ép lên Triều Tiên.

Than đá là sản phẩm xuất khẩu quan trọng nhất của Triều Tiên, hơn nữa hầu như toàn bộ được bán cho Trung Quốc, thu nhập từ xuất khẩu than đá là trụ cột quan trọng của kinh tế Triều Tiên.

Theo hãng AFP Pháp, Trung Quốc ngừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên đồng nghĩa với việc họ đã tăng cường trừng phạt sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa, khiến cho Triều Tiên mất đi một nguồn thu nhập quan trọng – nguồn thu nhập này hàng năm trên 1 tỷ USD.

Ngày 12 tháng 2 năm 2017, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2. Ảnh: Cankao
Ngày 12 tháng 2 năm 2017, Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2. Ảnh: Cankao

Theo một nhà nghiên cứu từ Đại học Dongguk Hàn Quốc: “Sau khi Triều Tiên phóng tên lửa và ông Kim Jong-nam bị ám sát gần đây, Trung Quốc có thể muốn phát đi một lời cảnh cáo”.

Mỹ cũng đang gia tăng sức ép. Ngày 17 tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã lần đầu tiên gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị, kêu gọi Bắc Kinh “sử dụng tất cả mọi biện pháp có thể” để ngăn chặn các hành vi “phá hoại ổn định” của Triều Tiên.

Trong cuộc gặp này, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc chủ trương tái khởi động hội đàm 6 bên về vấn đề Triều Tiên, cho rằng cần phá vỡ vòng tròn luẩn quẩn giữa thử hạt nhân và trừng phạt trong vấn đề Triều Tiên.

Theo tờ Nikkei Shimbun Nhật Bản ngày 19 tháng 2, Trung Quốc quyết định dừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên nhằm thúc đẩy chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thái độ tích cực trong vấn đề Triều Tiên.

Bởi vì, Trung Quốc cho rằng nếu muốn ngăn chặn Triều Tiên phát triển hạt nhân và tên lửa thì sự tiếp xúc trực tiếp giữa Mỹ và Triều Tiên là không thể thiếu. Mặc dù Trung Quốc muốn tập trung các nước, thúc đẩy tái khởi động đàm phán 6 bên, nhưng hiện hầu như không có triển vọng.

Trên thực tế, Trung Quốc chấm dứt nhập khẩu than đá từ Triều Tiên cũng sẽ gây ảnh hưởng nhất định đến kinh tế Trung Quốc. Mặc dù vậy, Trung Quốc cũng muốn tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc. Việc tạm dừng nhập khẩu này là một tín hiệu mà Trung Quốc muốn “bắn” tới Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Ngày 19 tháng 2, người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản đã bày tỏ hoan nghênh đối với quyết định này của Trung Quốc. Hành động này của Trung Quốc nhằm tăng cường trừng phạt đối với Bình Nhưỡng để ngăn chặn họ thúc đẩy chương trình phát triển hạt nhân và tên lửa.

Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda. Ảnh: Getty Images
Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda. Ảnh: Getty Images

Phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản Koichi Hagiuda ngày 19 tháng 2 cho  biết: “Mối đe dọa của Triều Tiên tăng lớn, họ phát triển tên lửa là một trong những mối đe dọa. Quyết định của Trung Quốc là đáng vui mừng”.

Ông Koichi Hagiuda nhấn mạnh: “Chúng ta cần gia tăng mức độ gây sức ép, thúc đẩy Triều Tiên nhận thức được rằng cách làm của họ sẽ chỉ làm cho nước này tiếp tục bị cô lập trong cộng đồng quốc tế”.

Không liên quan đến việc ông Kim Jong-nam bị ám sát

Dư luận phương Tây có quan điểm cho rằng Trung Quốc quyết định ngừng nhập khẩu than đá từ Triều Tiên có liên quan đến ông Kim Jong-nam bị ám sát ở Malaysia vừa qua.

Nhưng, theo nhà nghiên cứu Cao Hạo Vinh, Trung tâm nghiên cứu các vấn đề thế giới của Tân Hoa xã, Trung Quốc, mặc dù quyết định của Trung Quốc được đưa ra ngay sau khi có tin ông Kim Jong-nam bị ám sát, song đây đơn thuần chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Ai là hung thủ hiện vẫn còn chưa biết.

Theo Cao Hạo Vinh, trước đó, Trung Quốc luôn thực hiện nghị quyết của Liên hợp quốc, tạm dừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên cũng hoàn toàn không phải là quyết định lâm thời.

Cao Hạo Vinh nhấn mạnh, ngừng nhập than từ Triều Tiên không chỉ là hành động cụ thể cho thấy Trung Quốc kiên quyết thực hiện nghị quyết trừng phạt Triều Tiên của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, mà còn là biểu hiện cụ thể cho thấy Trung Quốc là "nước lớn có trách nhiệm".

Sau khi có nghị quyết 2321 của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc có vài lần áp dụng các hành động cụ thể để thực hiện nghị quyết, bao gồm năm 2016 cấm nhập khẩu các sản phẩm khoáng sản như vàng, bạc của Triều Tiên; đầu năm 2017 cấm xuất khẩu cho Triều Tiên các vật liệu, thiết bị và phần mềm liên quan đến hạt nhân và tên lửa.

Ông Kim Jong-nam được cho là bị ám sát ở Malaysia. Ảnh: Sina
Ông Kim Jong-nam được cho là bị ám sát ở Malaysia. Ảnh: Sina

Lần này, Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu than đá của Triều Tiên là hành động mới nhất để thực hiện nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc. Thông qua đây, Trung Quốc muốn bác bỏ những lên án “thiếu trách nhiệm” từ các nước như Mỹ, Hàn Quốc.

Mặc dù thực hiện nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, nhưng Trung Quốc cũng không muốn đóng cánh cửa đối thoại. Bởi vì, giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên bằng đối thoại cũng là một nội dung quan trọng của nghị quyết.