Trung Quốc, Mỹ đều “sốc” vì tổng thống Philippines

Sau chuyến công du Trung Quốc, với phát ngôn “chia tay với Mỹ” gây chấn động, trong buổi họp báo tối 21/10/2016, tổng thống Philippines giải thích Manila không hề có ý định cắt đứt quan hệ với Hoa Kỳ, nhưng kiên quyết khẳng định đường lối ngoại giao độc lập với Washington.
Ông Duterte liên tục gây sốc với những phát ngôn và hành động khó lường
Ông Duterte liên tục gây sốc với những phát ngôn và hành động khó lường

Theo Reuters, phát biểu trước báo giới tại thành phố quê hương Davao, tổng thống Rodrigo Duterte nói rõ hoàn toàn không có chuyện Philippines “cắt đứt quan hệ ngoại giao” với Mỹ và “việc duy trì quan hệ với Mỹ là điều tốt nhất cho người Philippines.

Ông Duterte nói: “Không, không phải là cắt đứt quan hệ. Khi nói tới cắt đứt quan hệ, là cắt đứt bang giao. Tôi không thể làm điều đó. Vì sao? Vì duy trì mối quan hệ đó sẽ tốt nhất cho lợi ích của đất nước tôi. Vì lẽ gì? Vì có rất nhiều người Philippines ở Mỹ, hoặc người Mỹ có tổ tiên là người Philippines. Vì lý do gì à? Vì nhân dân nước tôi chưa sẵn sàng chấp nhận giải pháp đó. "Nói thoát ly là ý tôi muốn nói tới sự thoát ly của chính sách ngoại giao. Cho tới khi trở thành tổng thống, chúng ta luôn luôn theo đuôi bất cứ khi nào người Mỹ ra dấu.”

Ông Duterte đi thăm Trung Quốc để dự một diễn đàn kinh tế ở Bắc Kinh. Tại đây ông tuyên bố “ly khai” với nước Mỹ cả về phương diện kinh tế lẫn quân sự, nhưng không giải thích rõ rệt ông có ý định làm gì và bao giờ.

Theo báo Philippines Inquirer, tổng thống Philippines giải thích lời tuyên bố “chia tay với Mỹ” tại Trung Quốc cần được đặt trong văn cảnh, và điều này có nghĩa là “chia tay về chính sách đối ngoại” với Mỹ. Ông Duterte cho biết thêm: “Trong quá khứ chính quyền Manila thường xuyên theo đuôi nước Mỹ”, còn hiện tại, ông quyết định chọn một hướng đi khác.

Ông Duterte giải thích về tuyên bố của mình sau chuyến thăm Trung Quốc
Ông Duterte giải thích về tuyên bố của mình sau chuyến thăm Trung Quốc

Liên quan đến Hiệp định Tăng cường Hợp tác Quốc phòng Mỹ-Philippines có hiệu lực từ tháng 1/2016, tổng thống Philippines cho biết có thể có thay đổi, tuy nhiên ông Duterte nhấn mạnh ông sẽ tham vấn giới quân sự, giới cảnh sát và toàn dân”.

Nhà Trắng ngay lập có tức có phản ứng sau lời giải thích tối 21/10 của tổng thống Philippines. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hoan nghênh việc ông Duterte đổi giọng, bởi một thái độ như vậy “phù hợp hơn với quan hệ đồng minh 70 năm giữa Mỹ và Philippines”.

Tạp chí Anh The Economist bình luận về sự kiện Philippines đang ngả vào vong tay Trung Quốc, từ đồng minh thân thiết nhất của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á, Philippines dưới thời tổng thống Duterte «như một quả xoài chín» rụng vào giỏ của Trung Quốc.

Xích lại gần Bắc Kinh và tuyên bố «nghỉ chơi với Mỹ», tổng thống Philippines đã bắt công luận quốc tế chú ý đến, nhưng liệu rằng ông Rodrigo Duterte còn muốn đi tới đâu?

Theo The Economist, dưới thời tổng thống Benigno Aquino, Philippines từng can đảm đọ sức với người khổng lồ Trung Quốc về Biển Đông nhưng đã phải trả giá đắt. Giờ đây, ông Duterte nhận thấy rằng Philippines cần phát triển cơ sở hạ tầng cần, cần có vốn đầu tư Trung Quốc để mở mang, cần xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Với sự đảo chiều chính sách của ông Duterte, Mỹ nhận thấy rằng họ đã trông đợi quá nhiều vào đồng minh châu Á này. Cũng có thể là với ông Duterte, Washington ý thức được rằng các chính khách Philippines không hẳn thần phục Mỹ như mong đợi.

The Economist nhìn nhận tới nay, Bắc Kinh chưa quân sự hóa bãi đá Scarborough vì muốn lôi kéo Manila vào quỹ đạo của mình. Nhưng để thực sự để Philippines ngả vào vòng tay Trung Quốc thì đấy lại là chuyện khác, vì công luận Philippines sẽ không dễ dàng chấp nhận để Bắc Kinh yêu sách chủ quyền ngang ngược đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

Tờ báo Anh kết luận, Mỹ nên kiên nhẫn chờ đợi, sớm muộn gì Manila cũng sẽ lại «trở về với quan điểm cũ», và khi đó đôi bên lại tiếp tục hợp tác như không có gì xảy ra.