Trung Quốc "học bài" Liên Xô để đánh tàu sân bay Mỹ

Trung Quốc không có cả các tàu tuần dương tên lửa, lẫn các tàu ngầm hạt nhân mang các tên lửa hành trình hạng nặng. Số lượng các máy bay ném bom tầm xa mang tên lửa hiện có trong hạm đội Trung Quốc là không đáng kể.

 

Tên lửa diệt tàu sân bay DF-21 của Trung Quốc
Tên lửa diệt tàu sân bay DF-21 của Trung Quốc

Xây dựng tiềm lực tác chiến chống các cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ ngày càng quan trọng đối với Trung Quốc trong bối cảnh đối đầu với Mỹ trong khu vực. Liên Xô đã xây dựng chiến lược gì để chống tàu sân bay Mỹ?

Hạm đội Liên Xô đã đưa khả năng tác chiến chống tàu sân bay của mình lên đến mức độ hoàn thiện nhất định và đã hoàn toàn có thể hy vọng tiêu diệt được ít nhất là vài cụm tàu sân bay xung kích của Mỹ. Thành phần then chốt của lực lượng chống tàu sân bay Mỹ là các sư đoàn máy bay ném bom Tu-22М2 và Tu-22М3 trang bị tên lửa hành trình Kh-22.

Các máy bay này là đỉnh cao phát triển của máy bay hải quân mang tên lửa của Liên Xô. Tuy nhiên, xét từ góc độ sự hoạch định của Liên Xô, chiến dịch tiêu diệt một cụm tàu sân bay xung kích đã đòi hỏi đồng thời sử dụng ít nhất một sư đoàn máy bay hải quân trang bị tên lửa. Một sư đoàn như vậy có gần 90 máy bay.

Số lượng này là lớn hơn nhiều tổng số máy bay ném bom H-6 trong toàn bộ lực lượng không quân hải quân Trung Quốc và tương đương tổng số H-6 trong cả quân đội Trung Quốc.

Tu-22М3 (RIA Novosti)
Tu-22М3 (RIA Novosti)

Liên Xô đã tính đến sự cần thiết tác chiến đồng thời với 6 cụm tàu sân bay xung kích. Tuy nhiên, Liên Xô đã chỉ thành lập được 4 sư đoàn máy bay ném bom hải quân trang bị tên lửa được biên chế các máy bay Tu-22 và Tu-16. Lực lượng còn thiếu sẽ do Không quân Tầm xa của Không quân Liên Xô cung cấp.

Tu-22М3 (RIA Novosti)
Tu-22М3 (RIA Novosti)

Liên Xô đã dự kiến tổn thất là rất lớn kể cả khi sử dụng thành công một sư đoàn máy bay ném bom hải quân. Họ đã trù tính sẽ mất gần một nửa lực lượng của sư đoàn; chẳng hạn, một số máy bay làm nhiệm vụ trinh sát cuối cùng mục tiêu và bảo đảm chỉ thị mục tiêu chính xác cho các tên lửa chắc chắn bị tiêu diệt cùng các phi hành đoàn của mình ở giai đoạn lên kế hoạch tiến công.

Tu-16 (RIA Novosti)
Tu-16 (RIA Novosti)

Thành công của cuộc tấn công phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trước hết là vào việc nhận được các dữ liệu tin cậy về vị trí mục tiêu. Các nhiệm vụ này đã được giải quyết nhờ các máy bay trinh sát Tu-95RTs và hệ thống vệ tinh chỉ thị mục tiêu Legenda. Tuy nhiên, các máy bay trinh sát rất dễ bị tổn thương, còn hệ thống vệ tinh thì làm việc không đủ tin cậy. Bởi vậy, trong thời bình, đi sau mỗi cụm tàu sân bay xung kích Mỹ là một tàu chiến mặt nước của Liên Xô (chẳng hạn là tàu khu trục) theo dõi bằng mắt cụm tàu sân bay và liên tục truyền về các tọa độ của đối phương. Một khi chiến sự nổ ra, tàu này trước khi chắc chắn bị tiêu diệt sẽ kupj gây ra cho tàu sân bay tổn thất tối đa. Tuy vậy, cũng không ai thực sự trông đợi vào sự thành công. Sau khi truyền được về các tọa độ chính xác của tàu sân bay, sứ mệnh chủ yếu của con tàu này được xem là đã hoàn thành.

Tu-95RTs (airwar.ru)
Tu-95RTs (airwar.ru)

Liên Xô đã trù tính điều phối các hoạt động của không quân hải quân trên tàu sân bay với các cuộc tấn công vào tàu sân bay bằng các tàu tuần dương tên lửa và tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa hành trình hạng nặng. Tổng hợp lại, điều đó đã tạo ra sự tin tưởng khá cao về khả năng vượt qua hệ thống phòng ngự của tàu sân bay và tiêu diệt được nó. Trong khi đó, cả các tàu tuần dương tên lửa và đặc biệt là các tàu ngầm hạt nhân cũng thuộc vào những loại vũ khí cực kỳ đắt tiền. Tóm lại, các biện pháp phi đối xứng của Liên Xô chống tàu sân bay Mỹ có lẽ không rẻ hơn nhiều bản thân các tàu sân bay.

Đồng thời, điều quan trọng là việc đóng các tàu sân bay Liên Xô và đưa chúng đạt được khả năng chiến đấu như của Mỹ sẽ đòi hỏi nhiều chục năm tích lũy kinh nghiệm. Chiến lược của Liên Xô đã cho phép dựa tối đa vào các công nghệ và đội ngũ cán bộ đã có sẵn trong hạm đội và Không quân Liên Xô.

Tàu sân bay Tblisi (RIA Novosti)
Tàu sân bay Tblisi (RIA Novosti)

Các lực lượng của Trung Quốc dùng để kiểm chế khả năng can thiệp tiềm tàng của Mỹ vào các cuộc xung đột có thể ở châu Á, mặc dù có chút tương đồng về chiến lược, nhưng không mấy giống các lực lượng của Liên Xô. Trung Quốc không có cả các tàu tuần dương tên lửa, lẫn các tàu ngầm hạt nhân mang các tên lửa hành trình hạng nặng. Số lượng các máy bay ném bom tầm xa mang tên lửa hiện có trong hạm đội Trung Quốc là không đáng kể.

Lực lượng xung kích của không quân hải quân Trung Quốc phần nhiều gồm các máy bay tiêm kích chiến thuật và máy bay ném bom trang bị các tên lửa chống hạm khá nhẹ.

Nhiệm vụ của các lực lượng này có lẽ hạn chế ở trong chuỗi đảo thứ nhất và vùng biển quanh Đài Loan, điều đó không đòi hỏi phải xây dựng một lực lượng lớn máy bay ném bom chiến lược hạng nặng. Trung Quốc đã có một loại vũ khí mới là tên lửa đường đạn chống hạm, nhưng khả năng thực tế của nó vẫn còn là điều bí ẩn. Hạm đội Trung Quốc cũng được tích cực tăng cường các tàu ngầm điện-diesel.

Mỹ đang huy động những nguồn lực lớn để đối phó với chiến lược của Trung Quốc. Một trong những kết quả sẽ là sự gia tăng khả năng của các hệ thống phòng không của các binh đoàn tàu chiến Mỹ. Mỹ cũng đang xem xét việc phong tỏa các tuyến đường biển chiến lược như một chiến lược hiệu quả đối phó với Trung Quốc.

Việc đưa các lực lượng chống tàu sân bay của Trung Quốc lên đến quy mô như của Liên Xô là cực kỳ tốn kém và có lẽ sẽ không cho phép Trung Quốc phát triển hạm đội tàu sân bay của họ. Còn việc trông cậy vào hệ thống duy nhất là các tên lửa đường đạn chống hạm như là giải pháp cho tất cả các vấn đề là quá nguy hiểm. Có lẽ, ở giai đoạn nhất định, hải quân Trung Quốc sẽ phải có sự lựa chọn chiến lược con đường phát triển để không rơi vào cái bẫy mà Hải quân Liên Xô đã rơi vào.

Theo VND