Trung Quốc đang tìm cách khôi phục không gian chiến lược ở Biển Đông

VietTimes -- Tình hình Biển Đông gần đây lại “nóng” lên với việc Trung Quốc khoanh vùng cấm để diễn tập quân sự ở một khu vực rộng lớn và việc tuyên bố PLA tiến hành tập trận quy mô lớn ở vùng ven biển đông nam gần Đài Loan. Trang tin độc lập Đa Chiều ngày 17/7 đã đăng bài viết của tác giả Hà Tư (He Si), cho rằng Trung Quốc đang khôi phục lại không gian chiến lược của họ ở Biển Đông.
Tàu chiến Trung Quốc bám đuôi khi tàu chiến Mỹ thực thi hành động "tự do hàng hải" trên Biển Đông
Tàu chiến Trung Quốc bám đuôi khi tàu chiến Mỹ thực thi hành động "tự do hàng hải" trên Biển Đông

Bài báo viết, theo tin tức được công bố trên trang web chính thức của Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 14/7, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) gần đây tổ chức các cuộc tập trận trên không và trên biển ở ven biển phía đông nam Trung Quốc. Mặc dù Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố rằng cuộc tập trận là một sự sắp xếp có tính định kỳ, nhưng giới phân tích bên ngoài đã gắn nó với việc  Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy vụ bán vũ khí cho Đài Loan lần thứ 4 trong nhiệm kỳ của ông ta. Đồng thời, Bắc Kinh đã có hành động khá hiếm thấy  khi tuyên bố sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

Tình hình căng thẳng ở eo biển Đài Loan không phải là hướng duy nhất của sự đọ sức gần đây giữa Trung Quốc và Mỹ. Trên hướng Biển Đông, Bắc Kinh gần đây cũng đã đáp trả áp lực của Mỹ, bao gồm vụ thử tên lửa chống hạm của Bắc Kinh ở Biển Đông, triển khai máy bay chiến đấu J-10A hiện đại trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm giữ trái phép.

Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo về vụ diễn tập lớn ở vùng ven biển đông nam đáp lại việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan
Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông báo về vụ diễn tập lớn ở vùng ven biển đông nam đáp lại việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan

Cho dù đó là vấn đề eo biển Đài Loan hay vấn đề Biển Đông, đây đều là những “lợi ích cốt lõi” của Bắc Kinh theo quan điểm của họ. Hải quân PLA đã đột phá chuỗi đảo thứ nhất một cách thường xuyên hơn và khôi phục không gian chiến lược của họ trên cơ sở sức mạnh quân sự đang gia tăng.

Bắc Kinh khôi phục không gian chiến lược trên hướng Biển Đông

Tác giả bài báo cho rằng, Mỹ không có lợi ích thực sự ở Biển Đông. Mục đích thực của sự can thiệp của Mỹ vào các vấn đề Biển Đông về cơ bản là để ngăn chặn sự trỗi dậy của Bắc Kinh và siết chặt không gian sinh tồn của Bắc Kinh. Để phản công, Bắc Kinh đã thẳng thừng đáp trả bằng cách phóng thử tên lửa đạn đạo.   Một số tên lửa chống hạm “Sát thủ tàu sân bay” DF-21D (có tin là tên lửa đạn đạo DF-26) đã được thử nghiệm. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang nâng cấp việc bố trí quân lực trên các đảo, bãi ở Biển Đông. Theo hình ảnh được chụp bởi các vệ tinh của Israel, Bắc Kinh đã triển khai một số máy bay chiến đấu J-10A trên đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Theo phân tích, đây là lần đầu tiên các máy bay chiến đấu loại J-10 được triển khai trên đảo Phú Lâm. Sự “thể hiện năng lực” gần đây của Bắc Kinh được đưa ra dựa trên sức mạnh của hải quân ngày càng gia tăng.

Máy bay J-10 của Trung Quốc bố trí tại sân bay Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Máy bay J-10 của Trung Quốc bố trí tại sân bay Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Trong bài báo “Các chuyên gia quân sự diễn giải các cuộc diễu hành quân sự: hải quân Trung Quốc đã vượt qua chuỗi đảo đầu tiên nhưng vẫn có những sở đoản”, trang tin Đa Chiều đã đề cập đến sự phát triển nhanh chóng của hải quân Trung Quốc sau khi bước vào Thế kỷ 21, đặc biệt là trong 5-10 năm gần đây: các tàu chiến chủ lực tiên tiến được thay thế hàng loạt, như tàu khu trục vạn tấn lớp Type 055, tàu ngầm hạt nhân, tàu sân bay Liêu Ninh...đều là vũ khí và trang bị chiến lược.

Các trang thiết bị này đã giúp cho hải quân Trung Quốc từ gần bờ tiến ra biển sâu, tới biển xa để thực thi nhiệm vụ hộ tống, bảo vệ lợi ích của Trung Quốc ở nước ngoài trong phạm vi rộng lớn hơn. Việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông là một phần của kế hoạch này. Đồng thời, biên đội tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc cũng bắt đầu vượt qua eo biển Đài Loan ngày càng thường xuyên hơn, tiến hành các chuyến đi vòng quanh đảo Đài Loan; đây cũng là một phần của mục tiêu dài hạn này. Được chèo chống bởi các lực lượng hải quân, Bắc Kinh tất nhiên muốn lấy lại không gian chiến lược ở Biển Đông, đẩy Mỹ bật khỏi Biển Đông hoặc làm mất khả năng can thiệp vào Biển Đông của Mỹ.

Tàu sân bay Mỹ hiện diện trên Biển Đông ngày càng thường xuyên hơn
Tàu sân bay Mỹ hiện diện trên Biển Đông ngày càng thường xuyên hơn

Thách thức chứ không phải kẻ thù, Trung – Mỹ “đấu chứ không phá”

Tuy nhiên, những cuộc tỷ thí ngày càng phô trương bề ngoài và khốc liệt này thực ra chỉ là một mặt trên bàn đàm phán Trung - Mỹ. Trong chính quyền Donald Trump của Mỹ, vấn đề Biển Đông không phải là sự tính toán chủ yếu lúc này và trọng tâm chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc hiện nay là giải quyết cuộc chiến thương mại, động tác trên Biển Đông chỉ là cánh sườn của hướng chủ công.

Trên thực tế, vào lúc Trung Quốc và Mỹ leo thang cuộc đấu xung quanh cuộc chiến thương mại, các nhà lãnh đạo hàng đầu của hai quân đội Trung – Mỹ gần đây đã nhấn mạnh “tác dụng giữ ổn định của mối quan hệ giữa hai quân đội trong quan hệ giữa hai nước”. Ngày 10 tháng 7, sau khi Trung Quốc tiến hành vụ phóng thử tên lửa ở Biển Đông, Đô đốc Richardson, Bộ trưởng Hải quân Mỹ đã tổ chức một cuộc họp qua truyền hình với Trung tướng Hải quân Trung Quốc Thẩm Kim Long (Shen Jinlong) để thảo luận về biện pháp giảm thiểu rủi ro ở Biển Đông.

Đại tướng Mark Milley, Tham mưu trưởng Lục quân hiện tại, người sẽ trở thành chỉ huy cấp cao nhất của quân đội Mỹ vào mùa Thu năm 2019, khi phát biểu trong phiên điều trần đề cử tại Ủy ban Quân lực Thượng nghị viện đã xác định Trung Quốc là “thách thức về an ninh chủ yếu nhất của Mỹ trong vòng từ 50 đến 100 năm tới”, nhưng “không phải là kẻ thù”.

Tướng Mark Milley: Trung Quốc là “thách thức về an ninh chủ yếu nhất của Mỹ trong vòng từ 50 đến 100 năm tới”, nhưng “không phải là kẻ thù”.

Tướng Mark Milley: Trung Quốc là “thách thức về an ninh chủ yếu nhất của Mỹ trong vòng từ 50 đến 100 năm tới”, nhưng “không phải là kẻ thù”.

 Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, giữa Trung Quốc và Mỹ luôn duy trì trạng thái “đấu nhưng không phá” trong  mối quan hệ tương hỗ của họ.  Cho dù mối quan hệ này sa xuống đến đáy trong một khoảng thời gian ngắn do một số sự kiện cực đoan bất ngờ, nhưng nó sẽ được phục hồi sớm. Điều này cũng quyết định rằng: cho dù hai bên có bất cứ hành động nào trong vấn đề Đài Loan hay vấn đề Biển Đông, thì trên thực tế, quan hệ hai nước Trung – Mỹ cuối cùng vẫn sẽ là “đấu chứ không bị phá vỡ”.