Trung Quốc đang chuẩn bị chiến tranh nhân dân

VietTimes -- Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đã kêu gọi đất nước chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc “chiến tranh nhân dân trên biển”. Đụng độ vũ trang hoàn toàn có khả năng xảy ra. Manila, Hà Nội và Washington không được coi tuyên bố của ông Thường chỉ là lời hăm dọa, chuyên gia MỹJames Holmes cảnh báo .
Đã trót châm lửa dân tộc chủ nghĩa cực đoan, lãnh đạo Trung Quốc rất khó xuống thang
Đã trót châm lửa dân tộc chủ nghĩa cực đoan, lãnh đạo Trung Quốc rất khó xuống thang

Tòa án The Hague đã giữ nguyên cách diễn giải đơn giản của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), cho rằng tuyên bố của Trung Quốc về cái gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” bao phủ 80 -90% diện tích Biển Đông là nhảm nhí. Nói cách khác, một quốc gia ven biển mạnh không thể đơn giản cứ tranh giành quyền kiểm soát nhiều vùng biển thuộc về các nước láng giềng yếu hơn và biến chúng thành của mình.

Hoặc dù ở mức độ nào thì quốc gia đó cũng không thể làm như vậy mà vẫn rêu rao là hợp pháp được. Nước đó có thể chiếm được các vùng biển thông qua xâm lược, ép buộc sau khi đã hiện diện quân sự liên tục. Do thế, những người bảo vệ tự do hàng hải phải chú ý đến lời kêu gọi của tướng Thường Vạn Toàn. Các nước Đông Nam Á và các nước đồng minh phải nhìn nhận những tuyên bố đó thật nghiêm túc, suy tính kỹ càng về nguy cơ chiến tranh trên Biển Đông.

Đó là điểm đầu tiên của một cuộc chiến tranh nhân dân trên biển. Đụng độ vũ trang hoàn toàn có khả năng xảy ra. Các chính khách và các chỉ huy quân đội ở Manila, Hà Nội và Washington không được coi tuyên bố của ông Thường chỉ là lời hăm dọa.

Quả thực, không chắc là Trung Quốc có thể tuân theo phán quyết của tòa vào thời điểm này không, kể cả khi lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc muốn tuân thủ đi chăng nữa. Hãy nghĩ về hình ảnh về sự khuất phục sẽ diễn ra như thế nào ở trong nước. Trong hai thập kỷ, Trung Quốc đã đầu tư hoang phí vào lực lượng hải quân khổng lồ cũng như các lực lượng hỗ trợ hải quân với các loại hỏa lực đóng căn cứ trên đất liền bao gồm các máy bay chiến đấu, tên lửa chống tàu, chiến hạm tầm ngắn, tàu tuần tra cao tốc và tàu ngầm diesel.

Các lãnh đạo Trung Quốc đã mị dân bằng việc rêu rao cách họ sẽ sử dụng các lực lượng biển để sửa chữa các sai lầm lịch sử và trở thành một cường quốc biển. Và bây giờ thì họ rơi vào thế trót đâm lao phải theo lao. Thật ngớ ngẩn để ràng buộc thể diện quốc gia của Trung Quốc và vấn đề chủ quyền với tuyên bố lố bịch về cái gọi là “quyền sở hữu các quần đảo và vùng biển”. Nhưng giới lãnh đạo Trung Quốc đã làm như vậy. Và họ tái diễn điều đó nhiều lần, công khai và trong những điều khoản không thể nhượng bộ được. Thông qua những lời nói, họ đã đốt lên ngọn lửa tâm lý dân tộc chủ nghĩa trong khi tự cột mình vào đó. Họ đã tạo nên một chu trình nguy hại với việc làm trỗi dậy những kỳ vọng của công chúng.

Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa
Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa

Việc phá vỡ chu trình đó gần như là không thể. Nếu Trung Quốc nhượng bộ những tuyên bố chủ quyền trên biển hiện nay, những người dân Trung Quốc sẽ đánh giá tầng lớp lãnh đạo bằng những tiêu chuẩn do chính giới lãnh đạo đề ra. Lãnh đạo Trung Quốc sẽ phải chịu sự lên án, bị coi là những kẻ yếu đuối, những người giao nộp phần lãnh thổ thiêng liêng, không rửa được mối nhục hàng thế kỷ của Trung Quốc (cho dù Trung Quốc đã trỗi dậy trở thành một cường quốc) và khiến các nhà luật gia quốc tế và những nước láng giềng yếu hơn được hỗ trợ bởi siêu cường nào đó (ở đây là Mỹ) coi thường ý chí của Trung Quốc.

Không lãnh đạo nào muốn bị coi là kẻ yếu đuối. Điều đó hết sức nguy hiểm ở Trung Quốc. Vì là thể diện ngoại giao, rất khó để các nhà đàm phán hay những thủ lĩnh chính trị rút lui khỏi những lời cam kết công khai. Đã hứa thì phải làm. Không làm được thì sẽ tự đánh mất uy tín và chuốc lấy thảm họa.

Giống như các lãnh đạo bình thường khác, Trung Quốc muốn thực hiện ý đồ của mình mà không để xảy ra chiến tranh. Do đó, chiến tranh có thể là sự lựa chọn tồi tệ nhất mà các lãnh đạo Trung Quốc buộc phải quyết định. Chính họ đã tự đấy mình vào tình trạng nguy hiểm này.

Những yếu tố đó dẫn tới điểm thứ hai. Xét đoán những lời lẽ của ông Thường, có thể thấy chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ” dĩ nhiên đã được Trung Quốc thực thi. Chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ” là việc triển khai lực lượng hải cảnh Trung Quốc và các lực lượng phi quân sự khác để bảo vệ vùng biển mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền. Nó mô tả yêu sách chủ quyền ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông như một thực tế hiển nhiên và thách đố các đối thủ không cân sức dám làm gì để đảo ngược thực tế đó.

Không bị phản đối, chủ quyền trên thực tế của Trung Quốc, gần như là độc quyền trong việc sử dụng vũ lực trong đường biên giới trên bản đồ, sẽ trở nên vững chãi theo thời gian. Một khi nó trở thành điều bình thường thì nó sẽ phá hủy tính hợp pháp bấy lâu nay vẫn được đề cao giữa các quốc gia ven biển.

Hải quân Trung Quốc tập trận đổ bộ
Hải quân Trung Quốc tập trận đổ bộ
Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc có kế hoạch chế tạo thêm một vài tàu sân bay nội địa
Ngoài tàu sân bay Liêu Ninh, Trung Quốc có kế hoạch chế tạo thêm một vài tàu sân bay nội địa

Tòa án quốc tế đã giáng một đòn mạnh vào cách tiếp cận của Trung Quốc, làm sụp đổ những lời biện hộ dựa trên luật pháp của nước này với chính sách ngoại giao “cây gậy nhỏ”. Phán quyết của tòa án làm rõ lực lượng hải quân của Trung Quốc hoạt động trong vùng được coi là vùng đặc quyền kinh tế của Philippines chính là đối tượng đi xâm chiếm chứ không phải là lực lượng chính danh gì hết.

Nếu Trung Quốc không thể thực hiện được mục đích của mình bằng đội tàu vỏ trắng của lực lượng hải cảnh, chúng có thể nhường chỗ cho biện pháp quân sự. Các quốc gia có chủ quyền triển khai các lực lượng thực thi pháp luật bảo vệ những gì đúng là thuộc quyền của họ. Họ triển khai lực lượng quân sự để chiến đấu bảo vệ những thứ còn đang tranh chấp. Lời nói hiếu chiến của ông Thường ngụ ý rằng Trung Quốc đã từ bỏ cách tiếp cận mềm và đã ngầm thừa nhận vùng biển Đông Nam Á là khu vực tranh chấp.

(còn tiếp)

* Bài viết trên National Interest của tác giả James Holmes - giáo sư về chiến lược tại Trường Hải chiến Mỹ và là đồng tác giả của cuốn "Ngôi sao đỏ ở Thái Bình Dương".