Triều Tiên "ngoạ hổ tàng long" khiến Mỹ bó tay?

VietTimes -- Mọi phương án quân sự đều có rủi ro rất cao và không thể dự đoán về mức độ, thậm chí có thể gây ra bi kịch to lớn khó có thể tin nổi với việc dẫn đến một cuộc chiến tranh vô cùng thê thảm.
Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ảnh: FTchinese
Tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Ảnh: FTchinese

Tờ Financial Times Anh ngày 6/7 cho rằng việc Triều Tiên phóng thử tên lửa đạn đạo tầm xa đã tăng mạnh rủi ro ở bán đảo Triều Tiên, nhưng các chuyên gia cho rằng muốn đồng thời giải quyết mối đe dọa không ngừng tăng lên từ Triều Tiên và đảm bảo cho Seoul không bị báo thù, phương án quân sự của Mỹ là có hạn.

Tướng Mike Mullen, người từng làm Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama cho rằng: "con đường khả thi” duy nhất giải quyết tình hình Triều Tiên chính là Mỹ hợp tác với Trung Quốc, bởi vì các biện pháp quân sự mà Mỹ có thể áp dụng đều có rủi ro rất lớn.

Năm 2006, khi Triều Tiên chuẩn bị phóng một tên lửa đạn đạo tầm xa, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry và ông Ashton Carter – người sau này làm Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Barack Obama đã kêu gọi Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush áp dụng tấn công kiểu phẫu thuật “đánh đòn phủ đầu”, tiêu diệt quả tên lửa đó.

Mặc dù Lầu Năm Góc có kế hoạch phát động tấn công tiềm tàng đối với Triều Tiên, nhưng đa số chuyên gia cho rằng hiện nay Mỹ đã có ít sự lựa chọn hơn. Trước đây, cho dù chỉ tiến hành tấn công hạn chế đối với chính quyền Kim Jong-un, thì đã có rủi ro tương đối lớn. Sự tiến bộ của Triều Tiên trong những năm gần đây đã làm gia tăng loại rủi ro này.

Tướng Mike Mullen nói: “Đầu óc chúng ta nóng lên là không cần thiết. Có phương án quân sự, nhưng vấn đề là sẽ có hậu quả gì. Quan trọng không phải là chúng ta có tiến hành tấn công hiệu quả hay không, mà là Kim Jong-un sẽ làm như thế nào?”.

Tướng Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ảnh: Huffington Post
Tướng Mike Mullen, cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Ảnh: Huffington Post

Theo tướng Mike Mullen có rất nhiều rủi ro, từ việc Triều Tiên phát động tấn công thông thường đối với Hàn Quốc đến Kim Jong-un có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm vào Hàn Quốc.

Tướng Mike Mullen nói: “Mỗi phương án (của Mỹ) đều có rủi ro rất cao, ai cũng không biết sẽ cao đến mức nào, đặc biệt là Triều Tiên có một nhà lãnh đạo không thể dự đoán như vậy”.

Vào đầu năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã ám chỉ về những rủi ro này. Khi đó, ông cho biết bất cứ phương án giải quyết quân sự nào đều sẽ “gây ra bi kịch to lớn khó có thể tin nổi”. Sau đó, ông còn cho rằng “đó sẽ là một cuộc chiến tranh vô cùng thê thảm kể từ chiến tranh Triều Tiên năm 1953 đến nay”.

Đô đốc nghỉ hưu William Fallon, người từng làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ vào năm 2006 cho rằng Mỹ không có sự lựa chọn tốt. “Có một số người phải chăng cho rằng nếu chúng ta áp dụng phương án quân sự nào đó thì Kim Jong-un sẽ từ bỏ vũ khí của ông ta? Trường hợp này sẽ không xảy ra”.

William Fallon cho rằng: “Tin tức tình báo về Iran của chúng ta tốt hơn nhiều, nhưng rõ ràng là khi đó tấn công quân sự cũng hoàn toàn không phải là một phương án khả thi”.

Theo William Fallon, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un giấu tên lửa trong các công sự dưới lòng đất ở các khu vực trên toàn quốc của Triều Tiên. Điều này làm cho chúng khó bị dò tìm hơn. Việc kiểm soát được tất cả các địa điểm có khả năng trước khi Triều Tiên có thể tiến hành báo thù là không thực tế. Hiện nay, Triều Tiên còn đang nghiên cứu tên lửa nhiên liệu rắn, do đó khó có thể tiến hành cảnh báo sớm.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người khó dự đoán. Ảnh: Daily Express
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người khó dự đoán. Ảnh: Daily Express

Một sĩ quan tình báo quân sự từng phụ trách phát hiện các mục tiêu của Triều Tiên dưới thời Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho rằng ngày càng khó phát hiện ra kho vũ khí của Triều Tiên. “Khi đó xác định danh sách mục tiêu là một cơn ác mộng, hiện nay đã trở nên gay go hơn”. Tất cả đều được giấu ở đường hầm trong núi, rất khó tìm được mục tiêu.

Bruce Bennett, chuyên gia về vấn đề quân sự Triều Tiên của Công ty RAND Mỹ cho rằng Triều Tiên đã triển khai tới 6.000 hệ thống pháo tầm bắn có thể vươn tới Seoul ở khu vực phi quân sự.

Bruce Bennett nói: “Mặc dù họ chỉ khởi động một bộ phận nhỏ đối với Seoul thì cũng có thể tiến hành hủy diệt nghiêm trọng. Hiện nay, Triều Tiên đã sở hữu vũ khí hạt nhân, vì vậy một lo ngại mới là Triều Tiên có thể phóng tên lửa đạn đạo lắp đầu đạn hạt nhân hoặc vũ khí hóa học”.

Lầu Năm Góc cũng đối mặt với nhiệm vụ khó khăn hơn, bởi vì việc phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới nhất của Triều Tiên đã sử dụng xe phóng cơ động. Điều này làm cho hoạt động phóng khó trinh sát hơn. Triều Tiên đã tiến hành hai vụ thử tên lửa nhiên liệu rắn, thời gian triển khai ngắn hơn nhiều.

Nhà phân tích Bruce Klingner từng làm cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cho rằng từ cuộc diễn tập mô phỏng tác chiến trước đây có thể thấy nếu bán đảo Triều Tiên xảy ra chiến tranh, Mỹ và đồng minh luôn giành chiến thắng, nhưng “cái giá phải trả là vài trăm nghìn người bị thương vong”.

Ông Bruce Klingner nhấn mạnh, do Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, hậu quả chiến tranh sẽ nghiêm trọng hơn. Danh sách không kích càng dài, khả năng nổ ra chiến tranh toàn diện càng lớn.