Triều Tiên đe dọa biến tàu sân bay, tàu ngầm Mỹ thành đống sắt vụn

VietTimes -- Triều Tiên cứng rắn tuyên bố: "Bất kể là tàu sân bay động cơ hạt nhân hay tàu ngầm động cơ hạt nhân, trước quân đội không thể chiến thắng lấy răn đe hạt nhân tự vệ làm trung tâm của chúng tôi, đều sẽ biến thành một đống sắt vụn".
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ. Ảnh: Sina
Tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Carl Vinson, Hạm đội 3, Hải quân Mỹ. Ảnh: Sina

Tờ Tin tức Tham khảo Trung Quốc ngày 1/5 dẫn các nguồn tin cho hay quan chức Mỹ và Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận chung giữa Mỹ - Hàn kéo dài 2 tháng đã kết thúc vào cuối tuần. Cuộc tập trận mang tên Foal Eagle thường xuyên bị Triều Tiên lên án là tiến hành "diễn thử chiến tranh".
Hết sức ép này đến sức ép khác
Tiếp tục phô trương sức mạnh, ngày 29/4, tàu sân bay USS Carl Vinson đã đến vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên và bắt đầu tổ chức tập trận chung với hải quân Hàn Quốc. Hải quân Hàn Quốc từ chối cho biết cuộc tập trận này sẽ kết thúc vào lúc nào.
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên ngày 29/4 cho rằng điều tàu sân bay USS Carl Vinson là một hành vi "điên cuồng chiến tranh", mục đích là gây ra "cuộc chiến tranh hạt nhân cực kỳ nguy hiểm".
Ngoài ra, theo hãng tin Yonhap Hàn Quốc ngày 30/4, thông tin từ quân đội Hàn Quốc cho biết cuộc tập trận chung thường niên Foal Eagle giữa Hàn Quốc và Mỹ cùng ngày đã kết thúc. Lực lượng quân Mỹ tham gia diễn tập đến từ ngoài bán đảo Triều Tiên sẽ lần lượt rút rỏi Hàn Quốc và quay trở về căn cứ.
Ngày 1/3, Hàn Quốc và Mỹ chính thức khởi động cuộc tập trận dã chiến Foal Eagle năm 2017, thời gian diễn ra 2 tháng, quân đội Mỹ điều 10.000 binh sĩ tham gia diễn tập. Tổng cộng huy động tới 300.000 binh sĩ tham gia cuộc tập trận này, bao gồm cả quân đội Hàn Quốc, quy mô tập trận lớn nhất trong lịch sử.
Điều đáng chú ý là Mỹ điều nhiều loại vũ khí chiến lược tham gia cuộc tập trận lần này, cụ thể gồm có tàu sân bay USS Carl Vinson, máy bay ném bom chiến lược B-1B, máy bay chiến đấu tàng hình F-35.
Trong thời gian tập trận của năm nay, Triều Tiên không ngừng tiến hành các động thái cứng rắn, bao gồm phóng tên lửa đạn đạo và đe dọa chiến tranh.

Tàu ngầm động cơ hạt nhân USS Michigan hải quân Mỹ. Ảnh: The Sun
Tàu ngầm động cơ hạt nhân USS Michigan hải quân Mỹ. Ảnh: The Sun

Theo phân tích, mặc dù cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ đã kết thúc vào ngày 30/4, nhưng Triều Tiên vẫn có khả năng phát động một đợt thách thức mới.
Hơn nữa, tàu sân bay Mỹ ngày 29/4 mới đến Hàn Quốc để đối phó với "mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên". Vì vậy, tình hình căng thẳng của bán đảo Triều Tiên vẫn sẽ tiếp tục.
Một lãnh đạo quân đội Hàn Quốc cho biết trong tương lai Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục duy trì lực lượng phòng vệ vững chắc để ứng phó với các hành vi "khiêu khích" từ Triều Tiên.
Triều Tiên đe dọa bắn chìm tàu ngầm hạt nhân Mỹ
Hãng tin KCNA Triều Tiên ngày 30/4 đã lần đầu tiên đưa tin về tàu sân bay Mỹ tham gia tập trận với Hàn Quốc. Theo KCNA, tàu sân bay USS Carl Vinson Mỹ đã "được đưa vào" một cuộc tập trận "khoe khoang vũ lực" của Mỹ và Hàn Quốc ở biển Nhật Bản vào ngày 29/4.
Bài báo viết: "Chủ nghĩa đế quốc Mỹ và con buôn chiến tranh do họ thao túng (Hàn Quốc) tuyên bố cuộc tập trận lần này là một cuộc diễn tập cảnh báo liên quan đến dò tìm, theo dõi và đánh chặn tên lửa Triều Tiên". Bài báo không đưa ra bình luận về tàu sân bay.
Trong thời điểm tình hình bán đảo Triều Tiên rất căng thẳng, Mỹ đã triển khai một chiếc tàu ngầm hạt nhân và một cụm tấn công tàu sân bay ở vùng biển Hàn Quốc. Ngày 30/4, Triều Tiên còn tuyên bố muốn bắn chìm tàu ngầm Mỹ.
Trang tin tuyên truyền Uriminzokkiri Triều Tiên tuyên bố: "Tàu ngầm USS Michigan nếu tiến thêm một bước về phía trước thì sẽ đối mặt với số phận bi thảm - trở thành con ma dưới nước, đừng mong còn có thể xuất hiện trên mặt nước".
Trang tin này tuyên bố: "Tàu ngầm này triển khai khẩn cấp ở vùng biển lân cận bán đảo Triều Tiên, thời cơ thống nhất với cụm tấn công tàu sân bay, ý đồ là tiếp tục tăng cường mối đe dọa đối với nước cộng hòa chúng ta".

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung Foal Eagle 2017. Ảnh: AFP
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung Foal Eagle 2017. Ảnh: AFP

Ngày 25/4, tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình USS Michigan đã đến cảng Busan, Hàn Quốc. 4 ngày sau, nó ra khơi. Được biết, tàu ngầm lớp Ohio này đang tiến hành các cuộc tập trận khác nhau.
Triều Tiên cảnh cáo: "Bất kể là tàu sân bay động cơ hạt nhân hay tàu ngầm động cơ hạt nhân, trước quân đội không thể chiến thắng lấy răn đe hạt nhân tự vệ làm trung tâm của chúng tôi, đều sẽ biến thành một đống sắt vụn".
Theo tờ Mainichi Shimbun Nhật Bản ngày 30/4, sáng sớm ngày 29/4, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo từ khu vực Pukchang, tỉnh South Pyongan. Đây vừa là một phần của công tác phát triển và cải tiến nhiều loại tên lửa đạn đạo của Triều Tiên từ năm 2016 đến nay, vừa thể hiện ý đồ đối phó với sức ép của Mỹ.
Trong các ngày 5/4 và 16/4, Triều Tiên đã phóng tên lửa ở khu vực phía đông biển Nhật Bản. Trong khi đó, lần này Triều Tiên lại phóng tên lửa từ trong đất liền. Được biết, Triều Tiên phóng từ trong đất liền là do họ đã tính tới công nghệ của tên lửa cải tiến, đồng thời nhằm thể hiện tính cơ động.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chuyển động
Theo báo chí Nhật Bản ngày 30/4, Chính phủ Nhật Bản đã điều tàu chiến lớn nhất Izumo đến bảo vệ một chiếc tàu tiếp tế Mỹ thực hiện nhiệm vụ chi viện cho Hạm đội Thái Bình Dương quân đội Mỹ. Hiện nay, do vấn đề Triều Tiên, tình hình căng thẳng của khu vực này đang leo thang.
Đây là lần đầu tiên Nhật Bản triển khai tàu chiến để hộ tống tàu chiến Mỹ kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu mở rộng phạm vi hoạt động của Lực lượng Phòng vệ vào năm 2015 đến nay. Hiện nay, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vẫn bị kiềm chế bởi Hiến pháp hòa bình.

Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung Foal Eagle 2017. Ảnh: AP
Quân đội Mỹ và Hàn Quốc tiến hành tập trận chung Foal Eagle 2017. Ảnh: AP

Chiếc tàu tiếp tế này của quân đội Mỹ sẽ tiến hành chi viện cho hạm đội quân Mỹ ở Thái Bình Dương, bao gồm tàu sân bay USS Carl Vinson - tàu này giữ cảnh giới cao độ đối với hoạt động phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Hãng tin Kyodo Nhật Bản ngày 30/4 dẫn nguồn tin từ chính phủ nước này cho hay trong thời điểm tình hình bán đảo Triều Tiên căng thẳng leo thang, Nhật Bản đã công bố mệnh lệnh đầu tiên kể từ khi thực hiện Luật An ninh mới năm 2016 đến nay, sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tàu chiến Mỹ.
Nguồn tin này cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản bà Tomomi Inada đã hạ lệnh điều tàu sân bay trực thăng Izumo của Lực lượng Phòng vệ Biển bắt đầu tiến hành hộ tống cho một chiếc tàu tiếp tế của hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương.
Theo nguồn tin này, tàu Izumo rời căn cứ Yokosuka ở phía tây nam Tokyo từ sáng sớm ngày 1/5, tiến đến vùng biển lân cận bán đảo Boso, tỉnh Chiba, phía đông Tokyo để tập kết với tàu tiếp tế quân đội Mỹ. Sau đó, tàu tiếp tế Mỹ được hộ tống đến khu vực Shikoku ở phía tây Nhật Bản.
Dự tính chiếc tàu này sẽ tiến hành tiếp tế cho tàu chiến Mỹ đang đề phòng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo ở duyên hải Nhật Bản. Tàu này sẽ còn tiến hành tiếp tế cho các tàu chiến trong cụm tấn công tàu sân bay USS Carl Vinson.

Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Sina
Tàu sân bay trực thăng Izumo Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản. Ảnh: Sina

Để tăng cường vị thế trong an ninh toàn cầu, tháng 3/2016, Nhật Bản thực hiện Luật An ninh mới, chức trách của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản được mở rộng, tiến hành hộ tống cho tàu nước khác là một trong những chức trách mới.
Trước đó, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản bị cấm tiến hành bảo vệ quân đội đồng minh, bởi vì sử dụng vũ lực chỉ giới hạn ở mục đích tự vệ.