Trẻ em phải có tuổi thơ tươi vui, tương lai tốt đẹp

Tại lễ kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, tối 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Các thế hệ người Việt Nam luôn nâng niu, dành dụm cho con, cho cháu những gì tốt đẹp nhất.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, tối 20/12. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm Việt Nam phê chuẩn Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, tối 20/12. Ảnh: VGP/Đình Nam

Theo Phó Thủ tướng, Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em là văn kiện đậm tính nhân văn thể hiện tầm nhìn “trẻ em hôm nay thế giới ngày mai” và mong ước “dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất” của toàn nhân loại.

Với truyền thống, đạo lý của dân tộc và đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam, cùng ước mong và niềm tin vào tương lai hòa bình, tự do, hạnh phúc của thế hệ mai sau, Việt Nam vinh dự là quốc gia đầu tiên ở châu Á phê chuẩn Công ước.

“Trong muôn vàn thiếu thốn, các thế hệ người Việt Nam luôn nâng niu, dành dụm cho con, cho cháu những gì tốt đẹp nhất. Nhiều khi là rất nhỏ bé, đơn sơ nhưng đầy ắp tình yêu thương”, Phó Thủ tướng cho biết.

Pháp luật, chính sách của Nhà nước cùng muôn vàn hoạt động của cả cộng đồng nhằm bảo vệ các quyền cơ bản của trẻ em theo Công ước đã giúp trẻ em Việt Nam được chăm sóc, bảo vệ, giáo dục, phát triển ngày càng tốt hơn.

Những số liệu thống kê, phân tích đánh giá của các tổ chức quốc tế cho thấy các chỉ số phát triển con người, chăm sóc và bảo vệ trẻ em ở Việt Nam tốt hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cùng với các đại biểu, đại diện của trẻ em tại buổi lễ cùng chia sẻ nỗi trăn trở khi không ít trẻ em vẫn sống trong nghèo đói, là nạn nhân của bạo hành, phân biệt đối xử, của tệ nạn cùng nhiều hành động khác đang xâm phạm nghiêm trọng các quyền cơ bản, đã cướp đi cơ hội được phát triển của các em. Điều đó không chỉ xảy ra đối với trẻ em nghèo khó, thiếu thốn, thất học, ốm đau không được chăm sóc... mà ngay cả trẻ em được sống trong điều kiện tươm tất, được học hành, được cưng chiều...

Trên thế giới, hiểm họa từ bệnh dịch, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, chiến tranh... khiến nhiều người dân, nhiều trẻ em phải sống trong đói nghèo cùng cực, thậm chí bị đe dọa cướp đi mạng sống.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Một thế giới hòa bình, không có chiến tranh, không còn đói nghèo, công bằng và tràn ngập tình nhân ái là ước vọng của loài người. Khát vọng chính đáng ấy chỉ có thể sớm thành hiện thực nếu tất cả các dân tộc, tất cả mọi người cùng chung tay với đầy đủ trách nhiệm và sự thực tâm.

Nhắc đến hình ảnh tuyệt vời của trẻ em với những trò đùa tinh nghịch, nụ cười hồn nhiên, và cả sự đau xót, day dứt khi trẻ em là nạn nhân của đói nghèo, chiến tranh... Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kêu gọi: Mỗi người hãy nhớ về tuổi thơ và cùng nguyện làm tất cả để trẻ em có một tuổi thơ tươi vui, một tương lai tốt đẹp nhất.

Và mỗi người lớn, bằng hành vi của mình, cần là tấm gương cho con trẻ noi theo trong cuộc sống hàng ngày, để vượt khó học giỏi, là người trung thực, hiếu thảo, nhân ái, trở thành công dân mẫu mực, tuân thủ pháp luật, phát triển hướng tới chân - thiện - mĩ.

“Người lớn là tấm gương để trẻ em noi theo và trẻ em cũng là tấm gương để chúng ta soi lại mình. Một ánh mắt trong trẻo, một câu nói hồn nhiên của trẻ nhiều khi làm lòng ta trong sáng ra, hành động của ta đúng đắn hơn; yêu đời, tin tưởng và trách nhiệm với tương lai”, Phó Thủ tướng nhắn nhủ.

Ảnh: VGP/Đình Nam
Ảnh: VGP/Đình Nam

Sau 25 năm tham gia Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em, Việt Nam đã đạt được những kết quả to lớn về chăm sóc sức khỏe, giáo dục; bảo vệ và hướng tới xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho mọi trẻ em; từng bước thúc đẩy thực hiện quyền được tham gia của trẻ em.

Các chính sách, chương trình, kế hoạch cấp quốc gia đều hướng đến xây dựng một môi trường sống an toàn, lành mạnh và thân thiện với trẻ em, phát triển trẻ em toàn diện, hình thành một thế hệ trẻ Việt Nam, lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu của đất nước giai đoạn hội nhập và phát triển

Ba chương trình hành động quốc gia vì trẻ em cho các giai đoạn 10 năm đã được xây dựng và triển khai thực hiện.

Trong giai đoạn 1991-2000 Việt Nam dành ưu tiên cho các mục tiêu chăm só sức khỏe và giáo dục trẻ em. Nhờ đó, đã có ít nhất 90% trẻ em được tiêm đầy đủ 6 loại vaccine, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Ngân sách Nhà nước đầu tư cho giáo dục tăng 14 lần, xóa dần khoảng cách chênh lệch về đầu tư giáo dục giữa trẻ em gái và trẻ em trai. Trong năm 2000, Việt Nam đã thanh toán xong bệnh bại liệt và hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học.

Chương trình Hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 20010-2010 đặt trọng tâm giải quyết tình trạng trẻ em lang thang, lao động sớm, trẻ em bị xâm hại tình dục. Trong giai đoạn này đời sống, văn hóa, tinh thần của trẻ em được quan tâm đầu tư, cải thiện với nhiều mô hình như: Dành sân chơi cho trẻ tại khu dân cư, 1 triệu ngôi nhà an toàn cho trẻ vùng sông nước...

Giai đoạn 2011-2020, công tác bảo vệ trẻ em được thực hiện trên cơ sở củng cố và phát triển hệ thống pháp luật về bảo vệ trẻ em và dịch vụ bảo vệ trẻ em nhằm hạn chế tình trạng trẻ em bị xao nhãng, xâm hại, bạo lực, mua bán, đồng thời chăm sóc đầy đủ hơn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Theo VGP