“Trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài bất hợp lý, nhưng không thể dẹp vì chủ đầu tư rất rắn”

Chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng thừa nhận trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội bài là bất hợp lý nhưng không thể dẹp vì thay đổi chính sách.Đã có những cuộc họp rất căng thẳng giữa bộ, thành phố và nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư rất rắn.
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng

“Trạm thu phí này, Bộ GTVT và Thành phố Hà Nội cũng nhiều lần đề nghị nhưng nhà đầu tư không đồng ý. Thực tế đã có những cuộc họp rất căng thẳng giữa bộ, thành phố và nhà đầu tư, nhưng nhà đầu tư rất rắn”, Bộ trưởng Thăng chia sẻ.

Vậy trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài sẽ phải xử lý như thế nào để người dân khỏi bức xúc thưa Bộ trưởng?

Trạm thu phí này đã được đầu tư từ những năm 2000. Thời điểm đó đã mời gọi nhà đầu tư vào, giờ không thể vì thay đổi chính sách mà dẹp nhà đầu tư được, phải có đàm phán. Có đàm phán thì phải có thỏa thuận cả hai bên và có tiền để mua lại. Chứ có phải là mua lại ngay được.

Biết là bất hợp lý nhưng bây giờ phải đàm phán với nhà đầu tư và họ không đồng ý. Giả sử nhà đầu tư đồng ý thì có tiền để mua lại không?

Đây là vấn đề lịch sử. Trước đây chúng ta kêu gọi nhà đầu tư, đến lúc thay đổi chính sách dẹp người ta đi làm sao được. Tiền vay ngân hàng trả làm sao?

Có nghĩa là chúng ta phải chấp nhận vì không có tiền mua lại trạm thu phí, thưa Bộ trưởng?

Trước hết là mình đàm phán với nhà đầu tư có được không. Thứ hai là phải có tiền mua lại trạm đấy, mà thực tế là trả lại tiền cho nhà đầu tư. Trước đây nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư và bây giờ trả lại cho họ.

Vấn đề này cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giữ nguyên trạm vì thời hạn thu phí cũng gần hết hạn rồi.

Đây là vấn đề lịch sử, không thể làm cách mạng mà đập hết cái cũ để xây cái mới được. Phải chấp nhận những tồn tại trong thời gian chuyển giai đoạn. Sự thay đổi chính sách cho tiên tiến hơn thì phải có thời gian để xử lý những cái cũ, như vậy mới thỏa đáng.

Bộ trưởng có nói tại họp báo Chính phủ mới đây về việc nhiều trạm thu phí BOT không đúng quy định?

Tôi chưa bao giờ nói không đúng cả. Trong quy định khoảng cách đặt trạm BOT là 70km. Đối với những trạm không đủ khoảng cách 70km thì phải như thế nào và phải có thỏa thuận với Ủy ban nhân dân địa phương trước khi quyết định đặt trạm.

Thực tế, việc đặt một số trạm không đủ 70km không phải là sai nhưng nó có lý do. Có một loại là đủ 70km nhưng nếu đặt đúng 70km thì vào giữa thành phố, khu dân cư. Với trạm này đã có thỏa thuận địa phương và đồng ý lùi một tý về khoảng cách. Về tổng thể thì khoảng cách vẫn đủ 70km nhưng nếu đẩy ra ngoài nội đô thì nó chỉ còn khoảng cách là 60 - 65km, vì nếu thêm 10km nữa thì vào giữa thành phố.

Loại thứ 2 là đầu tư một cục thì không đủ. Ví như đường cao tốc Hải phòng - Hạ Long chỉ có 25km thì lấy đâu ra cho đủ 70km, trong khi vẫn phải đầu tư vì giảm được 80km.

Liệu có chuyện nhà đầu tư tự thỏa thuận với địa phương trong việc đặt trạm không theo quy định không, thưa Bộ trưởng?

Không có chuyện tự nhà đầu tư thỏa thuận. Cái này là tổng thể, đã có từ khi chủ trương, khi triển khai dự án BOT thì có đặt trạm thu phí.

Theo Bộ trưởng trạm thu phí hiện nay đặt có dày quá không?

Thứ nhất đường cao tốc không phụ thuộc vào trạm thu phí. Anh đi bao nhiêu km tính bấy nhiêu. Nên trên đường cao tốc không có tính theo 70km.

Thứ 2, những con đường độc đạo thì 70km là phù hợp.

Đối với những nơi có trạm thu phí dày, ví như ở Quảng Nam, thì phải xử lý thế nào, thưa Bộ trưởng?

Riêng đối với Quảng Nam, chủ trương của Chính phủ và Quốc hội là có đường cao tốc song hành với đương Quốc lộ 1 thì không mở rộng. Nhưng tỉnh Quảng Nam có nhu cầu mở rộng vì có nhiều khu công nghiệp gắn trên đương quốc lộ cũ cho nên báo cáo Chính phủ xin phép đầu tư.

Trường hợp đầu tư phát sinh thì không đủ ngân sách, trái phiếu chính phủ không thể báo cáo Quốc hội để phát hành thêm nên buộc phải đầu tư BOT. Với hình thức BOT thì cự li 70km không thể đảm bảo được.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Bizlive