Tổng thống Ukraine thề “lấy lại” Crimea trong năm 2016

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko nói rằng ông hy vọng Kiev vào cuối năm nay sẽ giành lại quyền kiểm soát đối với vùng đất miền đông “bị chiếm đóng”, cùng bán đảo Crimea.
Tổng thống Poroshenko phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/1. Ảnh: Kyiv Post
Tổng thống Poroshenko phát biểu tại cuộc họp báo ngày 14/1. Ảnh: Kyiv Post

Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Kiev ngày 14/1, tức một ngày sau khi vòng đàm phán hòa bình mới chính thức diễn ra ở Minsk (Belarus), ông Poroshenko nhìn nhận chẳng có gì là quá huyễn hoặc về một kết cục như thế. 

Vấn đề chính yếu là Ukraine cần phải có một kế hoạch hành động bảo đảm rằng các điều khoản của hiệp định ngừng bắn phải được tuân thủ triệt để. Xung đột ở Donbass (gồm Luhansk và Donetsk) bùng phát từ 4/2014 đến nay đã làm hơn 9.000 người thiệt mạng, 2,2 triệu người phải ly tán, chạy nạn.

Theo Tổng thống Ukraine, một cách thức khả dĩ để đẩy nhanh việc “giải phóng” Crimea là khởi động các vòng đàm phán mà ông mô tả là theo thể thức “Geneva cộng”, với sự tham dự của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và có thể có sự tham dự của các nước ký kết Bản ghi nhớ Budapest. Người đứng đầu Ukraine cũng nói rằng, Kiev sẵn sàng nối lại việc cấp điện cho Crimea, với điều kiện bán đảo này “là của người Ukraine”. 

Về tình hình tại Donbass, ông Poroshenko tin tưởng rằng chính phủ sẽ “khôi phục chủ quyền” ở vùng lãnh thổ miền Đông này ngay trong năm 2016. Ông cam kết sẽ sử dụng tất cả các công cụ pháp lý, các cuộc đàm phán quốc tế để đạt cho được mục tiêu này, trong bối cảnh “kẻ thù” không còn duy trì được đà tiếp diễn phản công. 

Liên quan đến Nga, Tổng thống Ukraine tuyên bố thời kỳ phụ thuộc vào khí đốt Nga đã chấm dứt. “Hệ thống năng lượng của chúng ta đã kết nối với châu Âu. Ukraine hiện nhập khí đốt từ EU nhiều gấp đôi so với từ Nga”, ông Poroshenko phát biểu. 

* Bản ghi nhớ Budapest được ký năm 1994 giữa đại diện của Nga, Mỹ, Ukraine và có sự chứng kiến của Anh. Văn bản này quy định rõ Anh, Nga và Mỹ sẽ không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực đối với sự toàn vẹn lãnh thổ cũng như sự độc lập về chính trị của Ukraine sau khi Kiev bàn giao lại cho Nga toàn bộ số vũ khí hạt nhân có từ thời Liên bang Xô Viết. Các nước cũng cam kết không dùng sức mạnh kinh tế chèn ép Ukraine để đạt được quyền lợi riêng.

Hoài Thanh - Theo Kyiv Post, Tin tức