Tổng thống U Htin Kyaw và chiếc máy tính đầu tiên của Myanmar

Vài giờ sau khi ông U Htin Kyaw được đề cử làm ứng viên hàng đầu của đảng NLD ra tranh cử tổng thống ngày 10/3, các nhà báo khắp thế giới đã tích cực tìm kiếm thông tin về cuộc đời ông.
Máy tính trung ương có tên ICL 1902S do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy tính Quốc tế sản xuất. (Nguồn: Frontier Myanmar)
Máy tính trung ương có tên ICL 1902S do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy tính Quốc tế sản xuất. (Nguồn: Frontier Myanmar)

Chỉ sau khi các nhà báo phát hiện ông từng là tài xế cho bà Aung San Suu Kyi, và đưa tin sai rằng ông từng học ngành kinh tế ở Oxford, thậm chí còn nhầm ông với một nhà vận động chính trị cũng tên là U Htin Kyaw, đảng NLD mới quyết định đăng tiểu sử của ông lên Facebook.

Theo trang Frontier Myanmar, tiểu sử này chủ yếu tập trung vào quá trình học tập và sự nghiệp phục vụ dân sự dài hơi của ông. Trong đó, có một giai đoạn đáng chú ý từ năm 1971-1975, ông đã học ngành khoa học máy tính ở một số nơi, trong đó có Viện Khoa học máy tính Đại học London (nay đã không còn tồn tại) trước khi làm việc tại Bộ Công nghiệp.

Tổng thống Myanmar là một trong những sinh viên đầu tiên học tại Trung tâm Máy tính các trường đại học (UCC), được thành lập theo dự án do chương trình phát triển Liên hợp quốc tài trợ và UNESCO thực hiện.

Dự án đã dẫn đến sự ra đời chiếc máy tính đầu tiên của Myanmar - một máy tính trung ương có tên ICL 1902S do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy tính Quốc tế sản xuất và đã thu hút rất nhiều chuyên gia máy tính tới Myanmar tham quan ngắn ngày và dài ngày.

Tại thời điểm mà bộ vi xử lý và máy tính cá nhân vẫn còn là một giấc mơ, UCC và ICL 1902S đã đặt nền móng cho sự phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông Myanmar bắt đầu cất cánh.

Mặc dù có tầm quan trọng như vậy, câu chuyện về chiếc máy tính đầu tiên của Myanmar, bao gồm cả chuyện về những người đã làm ra nó, cũng như những người như ông Htin Kyaw đã được đào tạo để vận hành nó - lại nhận được khá ít sự quan tâm, khi chỉ có một vài bài viết trên mạng.

Giấc mơ kéo dài một thập kỷ

Chiến dịch chế tạo chiếc máy tính đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn và tính kiên trì. Những người ủng hộ dự án này đầu tiên gần như đều là những người đã tiếp xúc với máy tính khi đi du học. Họ đã phải chờ gần 10 năm trước khi ICL 1902S được lắp đặt ở Yangon.

Nhu cầu máy tính đã bắt đầu từ Viện Kinh tế từ những năm 1960. Dự án đã nắm bắt được tinh thần lạc quan của giai đoạn đầu thời thủ tướng Ne Win và thu hút rất nhiều người tài năng từ khắp các trường đại học ở Yangon.

Tổng thống U Htin Kyaw và chiếc máy tính đầu tiên của Myanmar ảnh 1

Hồi đó, việc xử lý thông tin được thực hiện bằng những tấm bìa đục lỗ và máy ghi âm, tiền thân của máy tính. Chỉ một vài ban ngành chính phủ có quyền tiếp cận những công cụ này, bao gồm Sở đường sắt Myanmar, Ban Kinh tế và Thống kê Trung ương, và Văn phòng hồ sơ Tatmadaw.

Người lãnh đạo dự án là tiến sỹ Chit Swe. Là trưởng khoa toán học của viện kinh tế, ông đã trở về Myanmar năm 1964 sau khi có bằng tiến sỹ toán học của Đại học Liverpool.

Khi còn ở nước ngoài, ông đã chứng kiến máy tính có thể hỗ trợ các nghiên cứu học thuật như thế nào và tin rằng Myanmar cần tham gia cuộc cách mạng công nghệ thông tin nếu không muốn bị tụt hậu. Chiến dịch của ông đã được Bộ giáo dục ủng hộ, và ông bắt đầu quá trình dài hơi nhằm xin hỗ trợ từ Liên hợp quốc.

Một nhân vật chủ chốt nữa là U Soe Paing. Ông đã được chọn nhận học bổng chính phủ và tới học tại Đại học Stanford.

Trong quá trình học tập để lấy bằng cử nhân rồi thạc sỹ về kỹ thuật điện tử, Soe Paing đã thấy bạn bè mình in tài liệu từ máy tính của trường đại học.

Tò mò, ông đã tham gia một số khóa học lập trình và xử lý thông tin, và tình nguyện làm người điều hành trung tâm máy tính của trường.

"Chúng tôi không biết Stanford là [cái tên đi đầu về máy tính]-chúng tôi chỉ nhận ra điều đó khi tới đó rồi quay trở về", ông chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ Frontier tại nhà ở Mayangone.

Khi Soe Paing trở về nước vào tháng 10/1963, ông phát hiện ra nơi làm việc mới của mình, Viện công nghệ Yangon vẫn đang đóng cửa sau các cuộc biểu tình của sinh viên một năm trước.

"Trong khi viện đóng cửa, những người từng ra nước ngoài phải giảng bài cho các đồng nghiệp. Vậy là tôi nói với họ về máy tính và lập trình, và một trong số các thầy hướng dẫn đã kể chuyện của tôi cho tiến sỹ Chit Swe nghe," ông cho biết.

Vài tuần sau, Chit Swe liên lạc với Soe Paing  và mời ông tham gia nhóm dự án. "Tôi nói đồng ý một cách dễ dàng. Từ lúc đó, tôi đã tham gia dự án xây dựng chiếc máy tính đầu tiên ở Myanmar," Soe Paing chia sẻ.

Soe Paing tiếp tục làm việc tại Viện công nghệ Rangoon, và từ năm 1966, ông bắt đầu tuyển mộ các sinh viên sáng giá vào dự án máy tính. Tuy nhiên, dự án mất nhiều thời gian hơn dự kiến, và nhiều sinh viên đã nhận làm việc cho những nơi khác.

Theo ông cho biết, sự chậm trễ là do "thủ tục hành chính", trong đó có cả thói quan liêu của Liên hợp quốc.

Sheldon Bacchus, một chuyên gia nước ngoài, người đã dành một năm làm việc với dự án (1973-1974) cho biết sự quan liêu ở cả Liên hợp quốc và chính phủ Myanmar đã làm chậm tiến độ.

Ngoài ra còn có sự cạnh tranh giữa các tổ chức học thuật - cụ thể là Viện Công nghệ và Viện Kinh tế - để xem chiếc máy tính mới sẽ được đặt ở đâu.

"Những người liên quan rất đáng được ca ngợi khi những vấn đề này đã được đàm phán và giải quyết - mặc dù mất tới gần 10 năm!" - ông nhận định.

Công việc vào guồng

Vào cuối thập niên 1960, các cuộc đàm phán với Liên hiệp quốc đã bắt đầu có diễn biến khả quan. Năm 1970, một hợp đồng lớn đã được ký kết và dự án Trung tâm máy tính của các trường Đại học được công bố ngay vào năm sau.

Được thành lập trực thuộc Sở Giáo dục bậc cao, UCC được thiết kế không chỉ để trở thành nơi đặt máy tính và các thiết bị liên quan mà còn để phát triển nguồn các nhà lập trình và khai thác được đào tạo bài bản. Dự án cũng dự kiến sẽ đào tạo các nhân viên chính phủ và thực hiện các dự án thí điểm ở nhiều lĩnh vực.

Tổng thống U Htin Kyaw và chiếc máy tính đầu tiên của Myanmar ảnh 2Ông U Soe Paing. (Nguồn: frontiermyanmar.net)

Vào năm 1970, Chit Swe đã đến Paris với UNESCO để chọn thương hiệu máy tính. Hai lựa chọn được chốt cuối cùng là IBM và ICL. ICL đã đưa ra thỏa thuận tốt hơn cho Myanmar: công ty đồng ý nâng cấp mẫu máy tính 1902A của mình để có một tùy chọn đặc biệt (được mô tả bằng chữ S đằng sau dòng số 1902) có bộ xử lý dấu phẩy động, giúp cải thiện hiệu năng khi tính toán.

Các cuộc thảo luận cũng được tổ chức với các kiến trúc sư từ Tập đoàn thiết kế Peoples Works về việc xây dựng tòa nhà UCC mới.  Một cấu trúc ba tầng trong khuôn viên trường đại học Hlaing đã được để xuất, với máy tính đặt ở tầng 1, các văn phòng ở tầng 2 và thư viện cùng giảng đường ở tầng 3.

Soe Paing đã quay lại Stanford để xin lời khuyên về thiết kế tòa nhà cùng U Ko Ko Lay, một kỹ sư kết cấu sau này góp phần không nhỏ cho thành công của dự án . Hai người trước đây cũng từng là nhân viên điều hánh bán thời gian tại trung tâm máy tính Stanford.

Việc tuyển dụng và đào tạo đã bắt đầu một cách nghiêm túc Từ năm 1970, các công chức được chọn để chỉ đạo dự án đều được gửi ra nước ngoài, sang Anh, Mỹ, Australia, Nhật Bản và những nơi khác để học hỏi kinh nghiệm.

Lứa nhân viên đầu tiên trong đó có ông Htin Kyaw đã được tuyển dụng một năm sau đó. Khi Htin Kyaw đang học ở Viện Khoa học Máy tính ở London, Soe Paing và một thành viên khác là U Aung Zaw đã được cử tới Đại học Southampton.

Đại học California tại Santa Cruz, đơn vị đã ký hợp đồng hỗ trợ dự án cũng bắt đầu gửi chuyên gia tới Yangon.

Chuyên gia nước ngoài cùng lãnh đạo dự án là ông Harry Huskey, một giáo sư thuộc Khoa Khoa học máy tính của trường đại học California. Ông là một nhà tiên phong nổi tiếng quốc tế về máy tính và từng giúp phát triển máy tính điện tử đầu tiên có tên ENIAC khi đang làm việc ở Đại học Pennsylvania.

Cuối cùng, thứ tất cả mọi người chờ đợi cũng đã đến: Chiếc máy tính ICL 1902S đã được chuyển đến vào tháng 12 năm 1972 và được đưa tới phòng máy tính với điều hòa và nguồn cấp điện tiên tiến để bắt đầu quá trình cài đặt.

Các cuộc kiểm tra nghiệm thu cho ICL 1902S và các thiết bị môi trường đã bắt đầu vào ngày 25/2/1973 và chính thức hoàn thành vào ngày 8/3/1973.

Gần 40 năm sau khi Hoa Kỳ lần đầu tiên đưa người lên mặt trăng, Myanmar đã có chiếc máy tính vận hành đầu tiên.

UCC: Những người giỏi và thông minh nhất

U Thein Oo là một sinh viên trẻ đã tốt nghiệp ngành kế toán. Năm 1971, ông nhận được một cuộc gọi mời tham gia Trung tâm máy tính các trường đại học.

Giám đốc của trung tâm mới, Chit Swe là bạn của tiến sỹ Khin Maung Kyi, người chịu trách nhiệm tại Viện Kinh tế ở Yangon, nơi Thein Oo  đang làm việc. Dường như họ đã thảo luận xem những thành viên nào trong khoa sẽ là những ứng viên tốt nhất được đào tạo sử dụng máy tính.

Tại thời điểm đó, Thein Oo biết rất ít về máy tính hay UCC, nhưng vẫn nắm lấy cơ hội của mình.

"Thành thật mà nói, họ bảo tôi họ sẽ gửi tôi ra nước ngoài, sang Anh để học về công nghệ thông tin. Tôi muốn đi và nghiên cứu ở Anh, nên tôi đã nói 'được thôi'," ông chia sẻ với tờ Frontier.

Ban đầu ông thấy mọi việc rất khó khăn. Tòa nhà UCC vẫn chưa hoàn thành, nên một văn phòng tạm đã được lập ở hội trường Mandalay thuộc khuôn viên Đại học khoa học và nghệ thuật Yangon.

Ở đó, các sinh viên thuộc lĩnh vực mới này đã học lập trình qua những bài giảng từ các chuyên gia trong nước và quốc tế. Nhưng Thein Oo nói rằng không lâu sau khi bắt đầu nghiên cứu, ông dần nhìn thấy những khả năng.

Sau khi nghỉ làm công chức vào cuối những năm 1980, Thein Oo  cuối cùng cũng thành lập công ty ICT của mình là Ace Data Systems và phát triển phần mềm kế toán đầu tiên dành riêng cho thị trường Myanmar vào năm 1992.

Hiện nay ông cũng là chủ tịch của Công ty Trách nhiệm hữu hạn phát triển ICT Myanmar, cơ quan đã phát triển khu kinh doanh MICT Park hồi đầu những năm 2000. "Tôi nhận ra rằng công nghệ thông tin cũng có thể được áp dụng trong nghề nghiệp của mình. Tại thời điểm đó, tôi cũng quan tâm đến nghề kế toán, nên tôi nhận thấy công nghệ thông tin cũng có thể dùng trong kế toán được," ông chia sẻ.

UCC có một vị trí đặc biệt trong hệ thống giáo dục đại học của Myanmar. Trung tâm đã nhận những sinh viên xuất sắc nhất từ các trường đại học và các ngành học rồi trang bị cho họ các kỹ năng liên quan đến máy tính.

Các sinh viên và trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các chuyên gia nước ngoài và tiếp cận các nghiên cứu nước ngoài tại thời điểm Myanmar vẫn còn bế quan tỏa cảng nhất với thế giới bên ngoài. 'Khi mọi người hỏi, 'Anh từ đâu tới?' Chúng tôi có thể trả lời rằng "Tôi đến từ UCC." Chúng tôi rất tự hào vì điều đó," Thein Oo nhớ lại.

Tháng 8 năm 1973, Bacchus từ Santa Cruz đã đến để nhận nhiệm vụ 1 năm tại Myanmar Khi đó, ông là người Mỹ xa xứ duy nhất ở Myanmar không làm việc ở Đại sứ quán Mỹ.

Trước khi đến, Bacchus đã là quyền giám đốc trung tâm máy tính của Santa Cruz trong khi Huskey quản lý việc lắp đặt các hệ thống máy tính trên thế giới theo các hợp đồng của UNESCO - không chỉ ở Myanmar mà còn ở Ấn Độ và Nigeria. Khi Huskey quay trở lại California, ông đã hỏi Bacchus có hứng thú với việc tới Myanmar để đào tạo các nhân viên chính phủ tại đó sử dụng công nghệ máy tính không.

"Câu trả lời của tôi tất nhiên là có" Bacchus chia sẻ với tở Frontier trong email.

Ông cho biết dự án máy tính được lập ra bởi Liên Hợp Quốc đã khởi động một chương trình toàn cầu nhằm khuyến khích điều tra dân số. Myanmar chưa hề có một cuộc điều tra dân số nào từ năm 1941, và đa phần dữ liệu về dân số cũng đã thất lạc trong Thế chiến II.

"Bằng cách sử dụng củ cà rốt thay vì cây gậy, Liên hợp quốc hứa sẽ tài trợ các chương trình máy tính nếu các quốc gia tham gia chương trình điều tra dân số", ông cho biết. Tuy nhiên, Soe Paing lại kể lại sự kiện này theo cách khác. Ông nói rằng UNESCO chưa bao giờ muốn dùng máy tính trong điều tra dân số, nhưng chính phủ Myanmar thì khăng khăng muốn làm như vậy.

Tổng thống U Htin Kyaw và chiếc máy tính đầu tiên của Myanmar ảnh 3

Tính toán số liệu

Cuộc điều tra dân số được tiến hành vào tháng 4 năm 1973 là đợt ứng dụng thực tế lớn đầu tiên của ICL 1902S. Có hai nhiệm vụ chính - nhập dữ liệu và xác nhận, và lập bảng biểu - và cần tới 2 năm để hoàn thành hai công việc này.

Các hoạt động chuẩn bị đã bắt đầu vào năm 1973, với việc đào tạo lập trình viên, thiết kế phần mềm, và chuẩn bị bộ nhớ, ổ đĩa và đầu đọc thẻ dự phòng theo yêu cầu.

Việc nhập dữ liệu bắt đầu vào tháng 5-1974 tại trụ sở Cơ quan điều tra dân số trên đường Mahabandoola với hơn 100 máy đục thẻ thuê của IBM. Tại UCC, thời gian truy cập máy tính được chia thành ba ca, với các ca tối và ca đêm  từ 4 giờ chiều đến 8h sáng dành riêng cho xử lý dữ liệu điều tra dân số.

Với khoảng cách dài giữa các cuộc điều tra, Soe Paing cho biết việc ước lượng thời gian và sức người mà ICL 1902S đã tiết kiệm là không dễ. "Tuy nhiên, chúng tôi có thể thực hiện nhiều cuộc kiểm tra hơn về tính hợp lệ và nhất quán của dữ liệu. Việc lập bảng biểu vì thế cũng nhanh hơn và công phu hơn" "Một lợi thế khác là có thể lập nhiều bảng hơn, và thực hiện nhiều nghiên cứu hơn từ các dữ liệu đã lưu trữ."

Nhưng điều tra dân số chỉ là một trong nhiều nhiệm vụ sử dụng máy tính. Trong khi ban đầu chương trình được dự định như một công cụ đào tạo nhằm giới thiệu công nghệ máy tính - UCC đã đưa ra các chương trình bằng cấp đại học và thạc sỹ vào năm 1973 - và chính phủ cùng những người ở UCC ngày càng nhìn thấy những khả năng thực tế.

Soe Paing cho biết nhiều cơ quan chính phủ đã bắt đầu sử dụng ICL 1902S để xử lý dữ liệu, bao gồm cả Cục Đường sắt Myanmar, Tổ chức thống kê Trung ương- thậm chí là cả đảng Chương trình Xã hội Myanmar.

Thông thường, Bacchus sẽ dành các buổi sáng để phát triển các ứng dụng máy tính nhằm hỗ trợ các hoạt động chính phủ, bao gồm lập ngân sách, lên lịch các quy trình công nghiệp, quản lý tài nguyên nông nghiệp và thăm dò địa chất. 

"Sử dụng những ứng dụng này làm tài liệu nghiên cứu trường hợp, vào các buổi chiều, tôi sẽ dạy các lớp sau đại học về công nghệ máy tính, phân tích hệ thống và lập trình tại Viện Kinh tế Rangoon. Các sinh viên của tôi sẽ tham gia vào từng ứng dụng khi nó được triển khai vận hành trong thời gian 1 năm của dự án," ông cho biết.

Những dự án và các ứng dụng cho ICL 1902S này đã giúp các cán bộ trẻ tiếp xúc với một số nhân vật cao cấp nhất trong chính phủ.

"Thật là phấn khởi. Những quản lý như chúng tôi đã điều hành chương trình khi mới 30 tuổi - các trợ lý của chúng tôi còn trẻ hơn - đồng thời trải nghiệm công nghệ mới với sự ủng hộ tuyệt đối từ Liên Hợp Quốc, ban quản trị đại học và chính phủ," Soe Paing chia sẻ. "Chúng tôi cũng có thể tương tác với những nhà khoa học máy tính nổi tiếng đến tham quan... Bầu không khí đó đã thu hút những tài năng trẻ."

Thein Oo nhớ lại thời gian làm việc với hàng loạt dự án chính phủ, bao gồm khảo sát bệnh sốt rét và bệnh lý bà mẹ, và phát triển các hệ thống kiểm toán và kế hoạch quản lý nhà máy.

Khi được hỏi dự án nào từng thực hiện khiến ông thấy thú vị nhất, Thein Oo đã trả lời: "Tất cả các dự án này đều thú vị! Chúng tôi đã đưa công nghệ thông tin đến Myanmar.”

"Chúng tôi đã có cơ hội để làm việc với các dự án cấp quốc gia, mặc dù chúng tôi đã vẫn còn rất trẻ, chỉ mới 20 tuổi. Chúng tôi đã làm việc với những tổ chức cấp cao như Ngân hàng Trung ương... Là những chuyên gia trẻ, chúng tôi có nhiều cơ hội gặp những người giữ chức vụ cao và làm việc với họ.

"Tôi nghĩ họ cũng thấy vui và hành phúc. ICT là một sự mới mẻ với tất cả mọi người. Họ cũng muốn biết những gì họ có thể đạt được với nó."


Di sản của UCC

Trong một bài thuyết trình nghiên cứu tại một Hội nghị chuyên đề của Liên đoàn Quốc tế về Điều khiển Tự động tại Italy năm 1979, Bacchus đã nói rằng vấn đề chính của chương trình UCC chính là thành công của nó: các sinh viên phàn nàn rằng họ rất vất vả để tiếp cận chiếc máy tính bởi nhu cầu sử dụng quá cao.

Tại thời điểm đó, ICL 1902S đã được sử dụng để phát triển các hệ thống dự báo thủy triều, bể chứa xăng dầu và phân tích đường ống, phân tích dòng tải điện và  mạng lưới, xây dựng và phân tích cấu trúc, phân tích tài nguyên rừng, và xác định năng suất cây trồng nhờ các đập thủy lợi.

"Những khó khăn hiện tại mà người dùng máy tính của trung tâm cảm nhận được liên quan tới thành công của dự án hơn là thất bại," Bacchus viết.

UCC đã xem xét mua chiếc máy tính tiếp theo. Theo lời khuyên của Huskey, người vẫn tiếp tục đến thăm UCC mỗi năm, trung tâm đã mua một máy tính mini là PDP 11/70, do Tập đoàn Thiết bị Số sản xuất với quỹ tài trợ bổ sung từ UNESCO và UNDP.

Theo Soe Paing, vào khoảng thời gian này, chính phủ đã quyết định chia tách các chức năng của UCC bằng cách thành lập một Trung tâm Máy tính Quốc gia mới để xử lý các ứng dụng của cơ quan chính phủ. Chính phủ một lần nữa tìm kiếm nguồn tài trợ từ Liên hợp quốc.

Mặc dù vậy một đoàn đại biểu Liên hợp quốc dẫn đầu bởi Gunnar Bergren, một cố vấn máy tính liên khu vực thuộc Văn phòng Thống kê Liên hợp quốc đã từ chối lời thỉnh cầu này - một dấu hiệu cho thấy sự suy thoái khả năng và chức năng chính phủ trong nửa sau của thời đại xã hội chủ nghĩa.

"Nhiệm vụ đã kết thúc mà không có bất kỳ thỏa thuận nào từ các bên. Ông Bergren đã có vài chuyến thăm nữa, nhưng không đạt được thỏa thuận nào. Sau một thời gian, chính phủ đã dừng đồng ý cấp phép cho các chuyến thăm của ông Bergren."

Sau đó, chính phủ đã quyết định tiến hành một mình, mặc dù vẫn có sự giúp đỡ của Huskey, người vẫn tiếp tục đến thăm trung tâm. Lần mua máy tính tiếp theo do Soe Paing quyết định, họ đã mua một máy vi tính Cromenco có bộ vi xử lý Z80 và bộ nhớ 64kb cùng ổ đĩa mềm 8 inch hai mặt.

Những chiếc máy tính này sau đó được dùng tại nhiều cơ quan chính phủ, và cuối cùng bị thay thế bởi các thiết bị tương thích của IBM. Vào tháng 3 năm 1988, UCC được sáp nhập vào Viện Khoa học Máy tính và Công nghệ mới thành lập.

Dù vậy, di sản của trung tâm vẫn tiếp tục tồn tại đến ngày nay qua những cựu sinh viên như Thein Oo. Bên cạnh hoạt động kinh doanh thành công của mình, ông cũng đã tổ chức hội nghị cấp cao trong Hiệp hội các chuyên gia máy tính Myanmar và Liên đoàn máy tính Myanmar. "Công nghệ thông tin và truyền thông đã bắt đầu với UCC," ông nói. "UCC chính là điểm khởi đầu. Nó đã xây dựng năng lực cho mọi người, đó cũng là lý do nó được thành lập."

Soe Paing cũng đồng tính và nói rằng trong khi ICL 1902S đã khiến mọi người "mê" máy tính, "những hoạt động của UCC mới đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông ở Myanmar."

"Môi trường ở UCC rất tốt. Không khí ở đó rất năng động,"ông nói. "Cái chính là chúng tôi có thể thực sự khuyến khích sinh viên, và họ cũng có rất nhiều động lực, tới mức sau khi đã hết giờ họ vẫn ở lại kiểm tra mọi thứ tới đêm thay vì về nhà - họ sẽ ngủ lại trung tâm luôn."

Với Soe Paing, đó cũng là khởi đầu của sự gắn kết cả đời với máy tính của ông. Sau khi rời Myanmar năm 1980, ông đã đi khắp thế giới với tư cách tư vấn viên của Liên hợp quốc. "Tôi cảm thấy rất may mắn rằng tôi đã có một vị trí để thực hiện dự án này, và tôi vẫn thấy tự hào khi được làm dự án đó và tạo ra văn hóa máy tính ở Myanmar.

"Chúng tôi đã hoàn tất phần việc của mình, và tôi nghĩ giờ là lúc sử dụng máy tính hiệu quả trong hoạt động chính phủ bởi chúng tôi đã chưa làm được điều đó [cho đến lúc này]... Đã đến lúc dùng máy tính trong chính phủ vì lợi ích của nhân dân."

Và bây giờ chiếc máy tính đầu tiên đó đang ở đâu? Theo Thein Oo và Soe Paing, chiếc máy tính vẫn đang ở trong một phòng lưu trữ ở tòa nhà UCC thuộc khuôn viên Đại học Công nghệ Yangon.

Soe Paing thì cho rằng, với ý nghĩa lịch sử của mình, chiếc máy tính cần được đặt ở một nơi trang trọng hơn. "Nó nên được trưng bày tại sảnh đợi của tòa nhà chính tại MICT Park."

Một chiếc máy tính không như bạn biết

ICL 1902S là một cỗ máy khác xa với máy tính của bạn ở nhà hay ở văn phòng hiện nay. Bộ xử lý 24 bit này có bộ nhớ tương đương 150kb. Chiếc máy tính cùng những phụ kiện của nó chiếm tới một nửa tầng trệt của tòa nhà UCC. Nền phòng đặt máy tính đã được nâng lên, và tất cả các dây cáp đi ngầm dưới đất.

Bỏ qua sự thật là cỗ máy lớn hơn và chậm hơn máy tính hiện nay rất nhiều, điểm khác biệt lớn nhất chính là ở việc nhập dữ liệu. Không phải là bàn phím hay chuột, ICL sử dụng những tấm thẻ đục lỗ mà sau đó được một máy đọc thẻ đọc qua.

Mỗi tấm thẻ đục lỗ có 80 cột và 12 hàng. Mỗi cột được đục lỗ đại diện một ký tự, nghĩa là một tấm thẻ có thể nhập vào 80 ký tự - và một chương trình sẽ cần rất nhiều thẻ.

Để tăng tốc độ xử lý, người dùng sẽ viết chương trình hay dữ liệu của họ trên bảng mã hóa, sau đó đưa chúng cho một người đục lỗ thẻ đã được đào tạo. Dù chỉ phạm phải một lỗi, cũng sẽ phải viết lại cả bảng mã hóa và thẻ. Máy đọc thẻ trên ICL 1902S có thể đọc tới 800 thẻ một phút.

Có một người vận hành máy tính riêng có thể kết nối với máy tính bằng cách dùng máy đánh chữ để chọn phần mềm, ngôn ngữ phần mềm và thay đổi ổ đĩa.

Chiếc máy tính có hai ổ đĩa di động rất lớn (và sau đó còn được bổ sung hai ổ đĩa nữa). "Ổ đĩa khi đó có kích thước bằng một chiếc máy rửa chén", Soe Paing cho biết. "So với bây giờ thì chúng thật buồn cười, bởi những ổ đĩa lớn như vậy chỉ có dung lượng 8 megabyte. Chúng chủ yếu được dùng để lưu trữ tạm thời cũng như dùng cho phần mềm - hầu hết dữ liệu được lưu trên thẻ đục lỗ hoặc trong băng".

Theo Vietnam+