Tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không đã giảm

VietTimes -- Theo số liệu về tỷ lệ chuyến bay bị chậm, huỷ chuyến trong quý I/2017 vừa được Cục Hàng không Việt Nam công bố, số chuyến bay bị hủy của Vietjet Air là 5, trong khi đó con số này đối với Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vasco lần lượt là 98 chuyến, 174 chuyến và 60 chuyến, giảm mạnh so với trước.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Số liệu cho thấy, mặc dù quý 1/2017 là thời gian cao điểm của ngành hàng không Việt Nam, do nhu cầu đi lại của người dân tăng cao trong dịp Tết Âm lịch, nhưng xét chung trên phạm vi toàn ngành, tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không đã giảm đi so với năm trước.

Cụ thể, từ 1/1 đến 15/3, 4 hãng hàng không đang cung cấp dịch vụ vận chuyển  đã thực hiện hơn 55,2 nghìn chuyến bay. Trong số này có 7.059 chuyến bay chậm, chiếm 12,8%, giảm 2,5 điểm và 337 chuyến bay bị huỷ, chiếm 0,6% và giảm 0,5 điểm so với quý trước.

Trong đó, Vietnam Airlines là hãng hàng không thực hiện nhiều chuyến bay nhất với 25.494 chuyến bay. Đây cũng là hãng hàng không có tỷ lệ chậm chuyến thấp nhất với 2.187 chuyến chậm, chiếm 8,6% tổng số chuyến bay của hãng và 98 chuyến hủy, chiếm 0,4%.

Đứng thứ 2 trong danh sách là Vietjet Air thực hiện với 19.015 chuyến bay, trong đó 2.337 chuyến, chiếm 12,3% tổng số chuyến bay của hãng. Đặc biệt, trong giai đoạn cao điểm này, Vietjet Air chỉ bị hủy tổng cộng 5 chuyến bay, thấp hơn hẳn so với các hãng còn lại.

Jetstar Pacific chỉ thực hiện 8.542 chuyến bay nhưng có tới 2.379 chuyến chậm, chiếm 27,9% tổng số chuyến bay của hãng và hủy 174 chuyến. 

Hãng hàng không thực hiện ít chuyến bay nhất là VASCO đã thực hiện 2.200 chuyến bay với 156 chuyến chậm, chiếm 7,1% và 60 chuyến hủy, chiếm 2,7%.

Cũng theo Cục Hàng không VN, số lượng hành khách và hàng hóa thông qua các cảng hàng không tăng mạnh, đạt 22 triệu khách, tăng 16,1%; số lượng hàng hóa đạt 296 nghìn tấn, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lý giải nguyên nhân gây chậm và hủy chuyến, theo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, chủ yếu là do máy bay về trễ (chiếm tới 77,5% tỷ trọng các nguyên nhân). Các lý do còn lại đến từ các yếu tố trang thiết bị và dịch vụ tại cảng, quản lý, điều hành bay, thời tiết, hãng hàng không...

Cũng theo Cục Hàng không Việt Nam, công tác bảo đảm an toàn hàng không trong quý I-2017 vẫn tiếp tục được tăng cường,  không có vụ việc lớn gây uy hiếp an toàn hàng không nào xảy ra.