Thương lái Trung Quốc gây rối loạn thị trường hồ tiêu

Thương lái Trung Quốc tới vườn tranh mua hồ tiêu với DN, đẩy giá tăng “nóng” và gây rối loạn thị trường mặt hàng này. Nhiều DN ký hợp đồng XK theo hình thức bán trước không mua được hàng để giao cho khách nước ngoài, nguy cơ sẽ bị phạt nặng.
Thương lái Trung Quốc gây rối loạn thị trường hồ tiêu

Giá tăng ngay từ đầu vụ

Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN (VPA), TGĐ Cty CP Tập đoàn Intimex - cho biết, quy luật của ngành hàng nông sản là vào vụ giá xuống, cuối vụ giá lên nhưng riêng mặt hàng hồ tiêu năm nay lại đi ngược với quy luật này. Trước khi vào vụ thu hoạch hồ tiêu 2015, nhiều nông dân và DN nhận định sai về thị trường nên bán hàng ra với giá chỉ khoảng 160.000 đồng/kg. 

Nhưng ngay khi vào vụ thu hoạch, từ tháng 2/2015 có nhiều thương lái nước ngoài từ Trung Đông và đặc biệt là Trung Quốc nhảy vào thu gom hồ tiêu của nông dân nên giá bắt đầu tăng mạnh lên 170 - 180 nghìn đồng/kg. Giá lên cao, một số DN đã ký hợp đồng với khách hàng nước ngoài buộc phải mua hàng nhưng vẫn không có hàng vì nông dân không chịu bán ra. 

Lúc này những DN nước ngoài đã thu mua được hàng lại bắt đầu bán ra, theo hình thức “nhỏ giọt” nhưng với một mức giá mới cao hơn. Giá hồ tiêu cứ tăng, nông dân trồng tiêu không bán hàng hay nói cách khác là họ “găm hàng” và thị trường lại hình thành một mức giá mới.

Ông Phạm Văn Hiệp - GĐ Cty TNHH thương mại XNK Phú Lợi - than, từ đầu vụ hồ tiêu đến nay, các thương lái Trung Quốc nhảy vào tranh mua, tranh bán đã đẩy giá mặt hàng này tăng chóng mặt. Những năm trước, mỗi tháng DN của ông thu mua được từ 500 - 600 tấn hồ tiêu nhưng từ đầu vụ đến nay chỉ thu mua được khoảng 50% số lượng hàng XK. 

Hiện giá hồ tiêu nội địa đã tăng lên 204- 205 nghìn đồng/kg và vẫn không có chiều hướng giảm. Một điều phi lý là hiện giá hồ tiêu tại thị trường trong nước đang tăng cao hơn thị trường của Ấn Độ (một nước sản xuất và tiêu thụ khá lớn hồ tiêu) từ 80 - 100USD/tấn. Trong khi đó, hồ tiêu của Ấn Độ luôn được thị trường thế giới đánh giá là có chất lượng tốt hơn hồ tiêu của VN - ông Hiệp bức xúc.

Giá cao, rủi ro lớn

Giá hồ tiêu liên tục tăng tác động mạnh đến tâm lý người trồng, khiến cho diện tích trồng mới loại cây này đang phát triển “bùng nổ” ở các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Đắc Nông, Đồng Nai, Bình Phước… Hiện diện tích hồ tiêu trồng mới trong 2 năm 2013 và 2014 lên đến trên 10.000 ha/năm và chưa có dấu hiệu dừng lại. Tính đến hết năm 2014, diện tích hồ tiêu cả nước đã trên 80.000ha. 

Trong khi đó, quy hoạch diện tích trồng cây hồ tiêu của Bộ NNPTNT đến năm 2020 mới là 50.000ha. Cứ đà tăng mạnh về diện tích như hiện nay, chỉ vài năm nữa thôi sản lượng hồ tiêu của VN sẽ đạt 200.000 tấn/năm. Trong khi đó nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu của toàn thế giới chỉ khoảng 260 - 320 nghìn tấn/năm. Tình trạng khủng khoảng thừa mặt hàng hồ tiêu sẽ xảy ra như một số loại cây nông nghiệp khác hiện nay. 

Bên cạnh đó, tâm lý chạy theo năng suất cũng sẽ dẫn đến việc nông dân lạm dụng và sử dụng quá nhiều loại phân vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc trừ sâu làm cho cây hồ tiêu của VN nhanh bị sâu bệnh, chất lượng giảm - một đại diện VPA cảnh báo.

Ông Phan Minh Thông - TGĐ Cty Phúc Sinh, chuyên gia về mặt hàng hồ tiêu - chia sẻ, vấn đề về an toàn thực phẩm (ATTP) của các nước nhập khẩu hồ tiêu hiện nay ngày một khắt khe hơn. Đặc biệt là những thị trường truyền thống của Việt Nam như Châu Âu (EU) và Mỹ. Chính vì vậy, vấn đề về dư lượng thuốc trừ sâu, BVTV trong hạt hồ tiêu của Việt Nam hiện đang là vấn đề “nóng” hơn bao giờ hết.
Ông Hà Huy Thắng - TGĐ Cty CP XNK Petrolimex - cũng cảnh báo, trong năm 2014, có nhiều lô hàng hồ tiêu của VN bị EU kiểm tra và trả về do dư lượng thuốc BVTV và thuốc trừ sâu. Nếu Việt Nam không có biện pháp ngăn chặn và kiểm soát kịp thời, những thị trường khó tính như EU và Mỹ sẽ quay mặt với hồ tiêu của Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu hồ tiêu của Ấn Độ, Brazil.

Trước mắt, bà Nguyễn Mai Oanh - Phó Chủ tịch VPA - cảnh báo, do hiện tượng “găm giữ” hàng trong nông dân và đại lý, có thể trong quý II/2015, một số nhà nhập khẩu hồ tiêu của VN sẽ chuyển một phần sang thu mua hàng của Indonesia và Malaysia.

Theo Lao động