Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đứng áp chót trong ASEAN

Nếu nhìn vào bảng xếp hạng so với các nước trong ASEAN, vị trí thương hiệu Quốc gia Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia.
Vị trí thương hiệu của iệt Nam chỉ cao hơn Campuchia.
Vị trí thương hiệu của iệt Nam chỉ cao hơn Campuchia.

Tại Diễn đàn Thương hiệu quốc gia Việt Nam lần thứ 9 do Bộ Công Thương tổ chức sáng 11/3 tại Hà Nội, đại diện Công ty Brand Finance cho biết, giá trị thương hiệu Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia trong khối các nước ASEAN. Việc giảm giá trị định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam trong năm qua đã khiến cho Thương hiệu Quốc gia Việt Nam bị xếp thứ hạng thấp trong các nước ASEAN. 

Theo Brand Finance, Công ty hàng đầu thế giới về cố vấn và định giá thương hiệu, năm 2015, giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam được định giá là 140 tỷ USD. Như vậy so với năm 2014, giá trị thương hiệu Việt Nam được định giá là 172 tỷ USD, thì năm 2015 giá trị thương hiệu Việt Nam đã giảm 19%.

Tuy nhiên, trên bảng tổng soát giá trị thì vị trí Thương hiệu Quốc gia Việt Nam đã tăng lên một chút từ vị trí thứ 43 lên 49. Song, nếu nhìn vào bảng xếp hạng so với các nước trong ASEAN, thì vị trí thương hiệu Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia.

Việc định giá thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2015 bị giảm đã khiến cho thương hiệu quốc gia Việt Nam còn thua cả hãng sản xuất điện thoại danh tiếng của Mỹ Apple vốn được định giá là 170,3 tỷ USD.

Những chỉ số trên cho thấy, sức mạnh thương hiệu quốc gia Việt Nam chưa cao. Trong đó, các yếu tố còn yếu và hạn chế là chất lượng sản phẩm, vòng đời sản phẩm, xuất nhập khẩu, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp…

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nhựa Bình Minh cho rằng, trong bối cảnh các doanh nghiệp Việt Nam yếu về mọi mặt, nếu bản thân doanh nghiệp không tìm cách thay đổi thì không thể nâng cao được vị thế của mỗi thương hiệu.

“Nếu không có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ để giúp các doanh nghiệp tiếp cận nhanh, chính xác khi tham gia vào các Hiệp định thương mại quốc tế; không có được những biện pháp giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh thì sớm muộn các doanh nghiệp trong nước sẽ không có khả năng để cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài”, ông Ngân khẳng định.

Hiện nay, Chương trình Thương hiệu Quốc gia Việt Nam mới tập trung cho các doanh nghiệp lớn nhưng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng cần được hỗ trợ xây dựng thương hiệu để đẩy mạnh xuất khẩu, bán hàng được với giá tốt hơn, số lượng nhiều hơn.

Việc xây dựng thương hiệu quốc gia gắn với sản phẩm, doanh nghiệp là rất cần thiết. Trong bối cảnh Việt Nam đã và đang  ký kết các Hiệp định thương mại thế hệ mới, đặc biệt là đã tham gia Hiệp định TPP nên việc xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu, hình ảnh quốc gia rất quan trọng và cần thiết. Nếu không có biện pháp cần thiết, xây dựng, quảng bá thương hiệu thì các doanh nghiệp sẽ không tận dụng được cơ hội.

Ông Bùi Huy Sơn, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động thiết thực để hỗ trợ các doanh nghiệp. “Một là nâng cao nhận thức về xây dựng và quảng bá thương hiệu. Hai là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được quảng bá và phát triển thương hiệu của mình tại thị trường trong nước cung như thị trường nước ngoài”, ông Sơn nói.

Đồng thời, Cục Xúc tiến thương mại cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động tập huấn, đào tạo, hỗ trợ chia sẻ thông tin, kết nối với hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, giúp cho các doanh nghiệp thương hiệu quốc gia Việt Nam có điều kiện phát triển và quảng bá thương hiệu của mình.

Theo VOV