“Thùng thuốc súng” Triều Tiên càng nóng, Mỹ càng lợi to?

VietTimes -- Tình hình bán đảo Triều Tiên đang ngày càng nóng lên khiến cả thế giới lo lắng, nhưng theo một số nhà phân tích, hệ thống chính trị Mỹ đang bị “tài phiệt hóa” lại theo đuổi những toan tính khác, đậm chất tiền bạc, và vì thế họ không muốn giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên.
Lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của Triều Tiên
Lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ của Triều Tiên

Vừa qua, trong nội dung trả lời phỏng vấn một số kênh truyền thông của Mỹ cũng như trong bài phát biểu tại Văn phòng của Trung tâm Cater ở Atlanta, Tổng thống thứ 39 của Mỹ, ông Jimmy Cater, người của Đảng Dân chủ, đã đưa ra nhận định khái quát về hệ thống chính trị Mỹ hiện nay, có thể được gói gọn trong mấy chữ “là hệ thống tài phiệt”, hoặc đang được “tài phiệt hóa”.

Cựu Tổng thống Jimmy Cater nhấn mạnh rằng, trong thời gian gần đây, tiền bạc đang đóng vai trò then chốt và ngự trị trong nền chính trị Mỹ và vì thế đã dẫn tới hiện tượng “tài phiệt hóa” và đánh mất giá trị dân chủ. Vì thế, ông Jimmy Cater đưa ra lời kêu gọi: “Hãy nỗ lực vì hòa bình, xúc tiến quyền con người và hãy nói rõ sự thật”. Phải chăng quá trình “tài phiệt hòa” nền chính trị Mỹ đang được đẩy nhanh sau khi tỷ phú Donald Trump bước vào Nhà Trắng?

Nhận định về tình hình liên quan tới chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên, ông Jimmy Cater nói: “Chúng ta phải ngay lập tức phái người tới Bình Nhưỡng, nếu tổng thống không thể tự mình tới đó. Cách thức đối đầu với Triều Tiên trong tình hình hiện nay sẽ không hóa giải được cuộc khủng hoảng. Chừng nào chúng ta chưa nói chuyện với Triều Tiên và không đối xử với họ với thái độ tôn trọng như trong quan hệ giữa con người với con người mà họ cần được như vậy thì, theo tôi, sẽ chẳng có sự tiến bộ nào trong việc giải quyết vấn đề”.

Trước đây, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Cater đã từng là đặc phái viên của chính phủ Mỹ trong quan hệ với Triều Tiên và đã ba lần tới Bình Nhưỡng. Ông đã từng gặp và trao đổi ý kiến với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il và được biết rằng, chính quyền Bình Nhưỡng không muốn phát triển vũ khí hạt nhân, họ cần hòa bình và không bị bên ngoài đe dọa xâm lươc. Theo ông Jimmy Cater, chính vì thế mà Triều Tiên cần và rất muốn ký hiệp ước hòa bình với Mỹ để có thể đảm bảo chắc chắn rằng không bị tấn công [1,2 ].

Quan điểm của cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Cater nhận được sự ủng hộ của không ít người ngay trong chính giới Mỹ. Thí dụ, ông James Clapper, người từng giữ chức Trưởng Cơ quan tình báo của Mỹ tại Hàn Quốc và sau này là Giám đốc Cục tình báo quốc gia Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhận định: "Cách duy nhất để hóa giải chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là thông qua kênh đối thoại, ngoại giao". Hồi tháng 5/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng tuyên bố rằng, ông sẽ "vinh dự" gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un trong hoàn cảnh thích hợp.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng để mở khả năng đàm phán sau vụ thử nghiệm hôm 4/7/2017. Ông phát đi thông điệp rằng có thể đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nếu Mỹ từ bỏ cái mà Bình Nhưỡng gọi là "chính sách thù địch". Trong khi Bình Nhưỡng luôn tìm cách đưa Washington vào các cuộc đàm phán song phương trong suốt nhiều thập kỷ qua thì Washington lại chỉ theo đuổi chủ trương thương lượng thông qua các kênh gián tiếp và không chính thức.

Tổng thống Nga V.Putin và giới lãnh đạo Trung Quốc cũng nhiều lần khẳng định rằng, họ không chấp nhận Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân nhưng cấm vận và đối đầu sẽ không bao giờ đạt được mục đích buộc Triều Tiên phải “đầu hàng”. Theo Matxcơva cũng như Bắc Kinh, kênh đối thoại và ngoại giao là phương thức duy nhất để hóa giải cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa đường đạn của Triều Tiên.

Thế nhưng, một số nhà phân tích cho rằng hệ thống chính trị Mỹ đang bị “tài phiệt hóa” lại theo đuổi những toan tính khác, đậm chất tiền bạc, và vì thế họ không muốn giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên [3,4].

Một là, Mỹ đang sử dụng cuộc khủng hoảng hạt nhân và tên lửa đường đạn để gây sức ép đối với Trung Quốc, buộc Bắc Kinh phải nhân nhượng trong một cuộc chiến tranh thương mại tiềm tàng sau khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Chính ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 đã từng tuyên bố: “Tôi không thể gọi Trung Quốc bằng một tên gọi khác là “kẻ thù” bởi họ đang cướp đoạt tương lai của người Mỹ”. Trong cuộc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên sau khi nhậm chức vào ngày 6/4/2017, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra “lộ trình 100 ngày” để ép Bắc Kinh phải thuyết phục Triều Tiên hủy bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa đường đạn để đổi lấy khả năng “không bị Mỹ trừng phạt về thương mại”.

Nhà lãnh đạo Kim Jong un vui mừng sau khi Triều Tiều phóng thành công tên lửa đạn đạo. Ảnh KCNA công bố ngày 16/9/2017Nhà lãnh đạo Kim Jong un vui mừng sau khi Triều Tiều phóng thành công tên lửa đạn đạo. Ảnh KCNA công bố ngày 16/9/2017
Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo thời gian gần đây và giới quan sát nhận định Bình Nhưỡng đã đạt những bước tiến lớn về công nghệ
Triều Tiên liên tục phóng tên lửa đạn đạo thời gian gần đây và giới quan sát nhận định Bình Nhưỡng đã đạt những bước tiến lớn về công nghệ tên lửa

Hiện nay, ngay cả sau khi Nga và Trung Quốc ủng hộ Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt Triều Tiên do Washington đề xuất, Bộ tài chính Mỹ còn đe dọa Mỹ đang xem xét ngừng các hoạt động thương mại với bất kỳ quốc gia nào giao thương với Triều Tiên.  

Hai là, sử dụng “nguy cơ hạt nhân và tên lửa đường đạn” từ Triều Tiên, Mỹ cam kết sẽ “bảo vệ đồng minh” để buộc Hàn Quốc phải nhân nhượng trong các cuộc đàm phán về hiệp định thương lại tự do Mỹ-Hàn mà đến nay hai bên còn nhiều bất đồng chưa thể hóa giải được và vì thế vẫn chưa thể ký kết.  

Ba là, Mỹ làm to chuyện về “nguy cơ chiến tranh” từ Triều Tiên để ép Hàn Quốc và Nhật Bản phải mua sắm thật nhiều vũ khí, từ đó tạo công ăn việc làm cho tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ.

Bốn là, làm “thui chột” ý chí độc lập dân tộc của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, buộc Hàn Quốc tiếp tục chấp nhập hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ về an ninh. Đồng thời làm phá sản ý tưởng của ông Moon Jae-in từ bỏ dự án xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ Hàn Quốc. Trên thực tế, hệ thống THAAD của Mỹ không phải là nhằm bảo vệ Hàn Quốc trước nguy cơ bị tấn công từ Triều Tiên mà là nhằm vô hiệu hóa tiềm lực tên lửa hạt nhân của Trung Quốc và của Nga bố trí ở Viễn Đông [5]./.

***

Tài liệu tham khảo:

[1] Jimmy Carter: The U.S is now an “oligarchy” in which “unlimited political bribery”. https://theintercept.com/2015/07/30/jimmy-carter-u-s-oligarchy-unlimited-political-bribery/

[2] Jimmy Carter Is Correct That the U.S. Is No Longer a Democracy. http://www.huffingtonpost.com/eric-zuesse/jimmy-carter-is-correct-t_b_7922788.html

[3]Chronology of U.S.-North Korean Nuclear and Missile Diplomacy.https://www.armscontrol.org/factsheets/dprkchron

[4] What are Donald Trump's options for solving the North Korea crisis? https://www.theguardian.com/world/2017/sep/05/north-korea-crisis-donald-trump-options

[5] Why America's THAAD Deployment to South Korea Is Making China Go Crazy. http://nationalinterest.org/blog/the-buzz/why-americas-thaad-deployment-south-korea-making-china-go-19785