Thực hiện pháp luật về CNTT gắn với cải cách hành chính

VietTimes -- “Một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là phải thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử gắn với cải cách hành chính” - Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định.
Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định.
Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, khẳng định.

Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng 99 trên thế giới

Ngay từ những năm 2005 – 2006, trong Tờ trình của Chính phủ và của cơ quan chủ trì soạn thảo Luật công nghệ thông tin, Luật giao dịch điện tử đều nêu rõ xây dựng các luật này nhằm góp phần cải cách hành chính phục vụ xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quốc hội khóa XI đã xem xét thông qua Luật công nghệ thông tin, Luật giao dịch điện tử tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan, các cấp, các ngành nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực.

Tuy nhiên, suốt từ đó đến nay đã hơn 10 năm, Chính phủ chưa triển khai hoạt động kiểm tra, rà soát thực hiện hai luật này. Quốc hội cũng chưa giám sát thực hiện 2 luật này nên việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành còn nhiều bất cập, không đồng bộ, thiếu sự kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cấp, các ngành, các cơ quan nhà nước với nhau, giữa Nhà nước và công dân, doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác lập pháp cũng chưa được đặt ra đúng mức, nên việc rà soát xây dựng pháp luật không tránh khỏi có những quy định của các đạo luật còn chồng chéo, mâu thuẫn nhau rất khó thực hiện trong thực tế cuộc sống.

Đặc biệt việc thiếu kết nối chia sẻ thông tin trên cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử tạo ra những sơ hở của các quy định pháp luật dẫn đến lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước tùy tiện trích tiền của doanh nghiệp đi mua ô tô hoặc tặng cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân gây thất thoát ngân sách nhà nước, làm cho công tác phòng chống tham nhũng đã khó khăn lại càng khó khăn hơn, dẫn đến mất cán bộ và mất niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước chưa rộng khắp ở các cấp, các ngành là một bất lợi lớn. Báo cáo của Liên hợp quốc năm 2014 cho thấy chỉ số phát triển Chính phủ điện tử của Việt Nam xếp hạng 99 trên thế giới, giảm 16 bậc so với năm 2012, đứng thứ 5 trong khối ASEAN. So với các nước trong khu vực Việt Nam có chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến thấp, chỉ đạt 0,41 điểm (thang điểm 1). Vì vậy việc quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn lỏng lẻo, sơ hở, chưa thực sự góp phần cải cách hành chính. Việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, để tham nhũng, lãng phí, vi phạm pháp luật khó bị phát hiện, điều tra truy tố xét xử, thu hồi tài sản khó thực hiện.

Quốc hội phải vào cuộc

Ngày 14/10/2015 Chính phủ ban hành Nghị quyết 36A về Chính phủ điện tử. Tôi nghiên cứu vấn đề này rất sâu trong nhiều năm qua, tôi thấy việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Ví dụ hiện nay hệ thống công nghệ thông tin ở cơ sở cũng như ở các ngành, các cấp, vùng sâu, vùng xa rất yếu kém, lạc hậu, cho nên vấn đề triển khai Chính phủ điện tử từ Trung ương đến địa phương cơ sở rất khó khăn.

Điều đáng nói ở đây là, vấn đề công nghệ thông tin, Luật công nghệ thông tin có quy định phải dành ngân sách nhất định để đầu tư cho công nghệ thông tin để phát triển Chính phủ điện tử, để ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, nhưng chúng ta chưa dành ngân sách cho vấn đề này. Chính vì vậy, làm cho việc xây dựng hạ tầng dùng chung của chúng ta còn khó khăn.

Vừa qua chúng ta mới làm chứng minh thư điện tử, thẻ căn cước cũng như vấn đề hộ tịch, nhưng sự thật mà nói còn rất nhiều những lĩnh vực khác kết nối thông tin chưa được hiệu quả cho nên gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Vấn đề này không thể một mình Chính phủ làm được, Quốc hội phải vào cuộc, phải có sự quan tâm của Quốc hội và các cấp có thẩm quyền. Đặc biệt là vấn đề ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước thì một lực lượng không đáp ứng được yêu cầu sẽ dôi dư, làm cho bộ máy gọn nhẹ hơn, tổ chức sắp xếp khoa học hơn thì chúng ta lại chưa quan tâm.

"Tôi đề nghị một kiến nghị hết sức cấp bách là chúng ta phải giám sát thực hiện pháp luật về công nghệ thông tin, giao dịch điện tử gắn với cải cách hành chính. Nếu chúng ta chỉ giám sát về cải cách tổ chức bộ máy hành chính thì còn chung chung lắm, với tên gọi như thế này thì thực sự chưa sát với thực tế, chưa sát với những bức xúc. Từ công nghệ thông tin dẫn đến cải cách bộ máy hành chính rất tốt", bà Trần Thị Quốc Khánh kiến nghị.