Thủ tướng: Xử lý cán bộ ra văn bản “sửa xe đạp phải xin phép kinh doanh”

Thủ tướng yêu cầu các bộ, địa phương kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân ban hành văn bản quy định về điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền theo kiến nghị trước đó của Bộ Tư pháp.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: TL
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh: TL

Chấn chỉnh việc ban hành văn bản về điều kiện kinh doanh

Tại văn bản 2727/VPCP-PL ngày 21/4/2015, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đúng các quy định của pháp luật về soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tuyệt đối không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

“Các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương khẩn trương tự kiểm tra, xử lý theo quy định. Quy trách nhiệm của tập thể, cá nhân tham mưu soạn thảo, thẩm định, thông qua văn bản có nội dung trái Nghị định 40 và pháp luật về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức để báo cáo Thủ tướng trong quý II/2015”, chỉ đạo nêu rõ.

Trước đó, qua đợt rà soát cuối tháng 1/2015, Bộ Tư pháp cho biết đã thẩm tra gần 530 văn bản được 16 bộ ngành và 52 địa phương ban hành. Qua đó, cơ quan này cũng chỉ ra hàng loạt quy định trái luật, sai thẩm quyền.

Bộ Tư pháp dẫn chứng, các nghề như biểu diễn ca Huế; sửa chữa ôtô, mô tô, xe đạp; kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe điện bốn bánh, hàng hóa bằng xe thô sơ, xe gắn máy... cũng được các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Quảng Bình, Đắk Lắk, Nghệ An tự đặt điều kiện kinh doanh.

Ưu tiên tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất 

Tại phiên họp thường kỳ tháng 4/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng nhìn lại 4 tháng đầu năm 2015, tình hình kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, cải cách hành chính… đều có những chuyển biến và đạt những kết quả tích cực; đà phát triển là tốt; các dự báo về tình hình khá lạc quan.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ mặc dù vậy, chúng ta không được chủ quan, lơ là bởi đất nước đã hội nhập rất sâu vào nền kinh tế thế giới trong khi tình hình diễn biến nhanh và phức tạp nên tác động tức thì tới tình hình trong nước.

Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, mục tiêu đã được đề ra.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các Bộ, ngành địa phương tiếp tục tập trung ưu tiên cho tháo gỡ các khó khăn để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh trên tất cả lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ,… phải rà soát kỹ để thấy xuất hiện khó khăn gì và phải tìm cách xử lý, tháo gỡ kịp thời.

Rà soát lối mở biên giới có đủ điều kiện cho phép xuất khẩu gạo

Chỉ đạo các giải pháp nhằm đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu gạo, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh biên giới, cơ quan liên quan rà soát các lối mở biên giới có đủ điều kiện để cho phép xuất khẩu gạo qua biên giới theo quy định; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với VFA, các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo nắm chắc nhu cầu thị trường trong nước và nước ngoài về số lượng, chủng loại, yêu cầu chất lượng gạo để phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương chỉ đạo, tuyên truyền, hướng dẫn sản xuất cho phù hợp về quy mô, cơ cấu giống, quy trình canh tác, yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Tăng cường thực hiện nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 về việc tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương tăng cường quản lý thu, chống thất thu và xử lý nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu từ nội địa và xuất nhập khẩu ở mức cao nhất để bù cho số giảm thu từ dầu thô, quyết tâm hoàn thành vượt mức nhiệm vụ thu NSNN năm 2015 Quốc hội đã quyết định; đồng thời, tăng cường công tác quản lý chi NSNN, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; không ban hành các chính sách, chế độ mới làm tăng chi NSNN khi chưa có nguồn đảm bảo.

Vi phạm về chi trả dịch vụ môi trường rừng bị phạt tới 50 triệu đồng

Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 157/2013/NĐ-CP ngày 11/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, bổ sung quy định xử phạt vi phạm quy định về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng với mức phạt lên đến 50 triệu đồng.

Điều tra, xử lý hành vi gian lận kinh doanh xăng dầu
Tại văn bản 2813/VPCP-V.I ngày 22/4/2015, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương có kế hoạch điều tra, phát hiện, xử lý các hành vi gian lận trong kinh doanh xăng dầu; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trong tháng 9/2015.

Khẩn trương phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển cây mắc ca; khẩn trương phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca.

Theo Bizlive