Thủ tướng: “Không lấy tiền thuế của dân để xử lý các dự án lỗ“

VietTimes -- Trong lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, Thủ tướng thừa nhận: "Việc sử dụng tài sản công còn rất nhiều lãng phí”. Theo Thủ tướng phải áp dụng nhiều hình thức kiểm soát chặt, chế tài mạnh, thực hiện hình thức khoán.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (17/11)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (17/11)

Đúng 8h30 sáng nay (17/11), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần đầu đăng đàn trả lời các vấn đề thuộc trách nhiệm của Thủ tướng mà Đại biểu Quốc hội quan tâm suốt trong 2 ngày qua.

 

Mở đầu phiên chất vấn, Thủ tướng trình bày báo cáo giải trình trước khi nhận câu hỏi từ đại biểu.

Ông nói: “Chính phủ trân trọng cảm ơn các đại biểu đã thảo luận thẳng thắn tâm huyết và trách nhiệm và thông qua các nghị quyết quan trọng tại kỳ họp này”.

Với quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng khẳng định trong những tháng qua Chính phủ đã nỗ lực để giải quyết nhiều vấn đề nổi cộm, tăng cường kỷ luật kỷ cương, chống lợi ích nhóm, chống tham nhũng, phương châm là nói đi đôi với làm.

Thủ tướng cũng cảm kích và đánh giá cao sự chung tay của xã hội trước việc giúp đỡ đồng bào miền Trung trong trận lũ vừa qua.

Theo dõi toàn văn báo cáo của Thủ tướng tại đây

Mỹ dừng TPP nên Chính phủ chưa trình Quốc hội

Mở đầu phiên chất vấn, Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) bày tỏ sự bất bình của cử tri trước tình trạng kỷ luật, kỷ cương không nghiêm trong thực thi pháp luật. "Thủ tướng có quyết tâm chấn chỉnh thực trạng trên, giải pháp cụ thể thế nào?", ông Học hỏi.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ sẽ quyết liệt xử lý những trường hợp nhũng nhiễu, tiêu cực, loại bỏ cán bộ hư hỏng, thoái hoá, biến chất ra khỏi bộ máy. 

“Cần những biện pháp cụ thể. Chính phủ đã có chủ trương tăng cường kỷ cương. kỷ luật hành chính”, Thủ tướng nói và khẳng định việc đẩy mạnh rèn luyện đạo đức cán bộ, công khai minh bạch và kiểm soát quyền lực, hạn chế thấp nhất tình trạng xin cho, nhất là liên quan tới tài chính, đất đai.... “Tiếp tục cải cách tiền lương, đi liền với tinh giản biên chế là hết sức cần thiết”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Các đại biểu Quốc hội tập trung nghe trả lời chất vấn

Đại biểu Lê Quân (Hà Nội) cho rằng, trong tái cơ cấu nền kinh tế thì tái cơ cấu nợ xấu gặp khó khăn, nỗ lực nhiều nhưng "cục máu đông" vẫn tồn tại. Chính phủ có giải pháp nào xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém? Lo lắng trước tương lai của TPP sau kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, ông Quân cũng đề nghị được biết giải pháp ứng phó của Chính phủ về vấn đề này?

Hồi đáp chất vấn của Đại biểu Quân, Thủ tướng cho biết theo thống kê sổ sách kế toán chưa đầy đủ, chưa gồm nợ trong VAMC, nợ xấu tại các ngân hàng mua lại 0 đồng. Đây là vấn đề bức xúc. Thời gian tới cần có khung thể chế pháp lý cho VAMC; kiểm soát chặt chẽ không phát sinh nợ xấu mới, kiểm soát đặc biệt với ngân hàng 0 đồng và cần giải pháp đồng bộ hơn để nợ xấu minh bạch. “Có thể dùng tiền tươi thóc thật xử lý nợ”, “chúng tôi đang xây dựng một đề án về xử lý nợ xấu”, Thủ tướng cho biết.

Về diễn biến bầu cử Tổng thống Mỹ ảnh hưởng đến Hiệp định TPP như thế nào, người đứng đầu Chính phủ cho hay, VIệt Nam đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết tham gia TPP và sẵn sàng trình Quốc hội khi phù hợp. Mỹ đã tuyên bố dừng TPP nên chưa đủ điều kiện trình Quốc hội vấn đề này. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định, "dù tham gia hay không thì Việt Nam vẫn tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, với nhiều hiệp định thương mại đã và sẽ tham gia”.

Hệ thống viên chức với 2,2 triệu người trong biên chế

Về tinh giản biên chế, Thủ tướng cho biết có hơn 5.000 đơn vị công lập, viên chức trong hệ thống với trên 2,2 triệu người, đây chính là nút thắt trong tinh giản biên chế. Cần đẩy mạnh xã hội hoá các đơn vị sự nghiệp công lập, nhưng bước đi, lộ trình như thế nào thì sau khi đề án của Chính phủ được Ban chấp hành Trung ương thông qua, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Phi Thường về quản lý, sử dụng công sản, Thủ tướng nhìn nhận vấn đề sử dụng tài sản công tại các trụ sở, xe công... còn lãng phí. Chính phủ đã thảo luận và đang xây dựng Luật về vấn đề này. Trước tiên là giải pháp về tiêu chuẩn, định mức theo hướng công khai, khoán kinh phí... Đơn vị nào để lãng phí tài sản công thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.

Sử dụng tài sản công còn lãng phí

Đối với tài sản công lãng phí mà đại biểu Nguyễn Phi Thường nêu, Thủ tướng nói: “Đúng là tôi cũng thừa nhận việc sử dụng tài sản công còn rất nhiều lãng phí”. Theo Thủ tướng phải áp dụng nhiều hình thức kiểm soát chặt, chế tài mạnh, thực hiện hình thức khoán. “Đây là một khâu yếu mà chúng tôi cho rằng phải thực hiện mạnh mẽ hiệu quả hơn trong thời gian tới”. 

Thủ tướng khẳng định: "Không lấy tiền thuế của dân để xử lý các dự án lỗ".

Thủ tướng trả lời đại biểu về tài sản công

Đầu tư cải thiện môi trường kinh doanh

Giải đáp câu hỏi của đại biểu Trần Hoàng Ngân về việc làm thế nào để đạt GDP 2017 tăng 6,7% trong điều kiện đảm bảo ổn định vĩ mô, an toàn nợ công, Thủ tướng cho rằng quy mô nền kinh tế Việt Nam còn thấp, thu nhập bình quân đầu người trên 2.000 USD là còn nhỏ, vấn đề tăng trưởng liên quan nhiều yếu tố như giải quyết việc làm, nợ công. Bối cảnh hiện nay có khó khăn, đặt mục tiêu tăng trưởng 6,7% là thách thức, cần sử dụng nhiều biện pháp về đầu tư, tiêu dùng, chi tiêu Chính phủ, đẩy mạnh xuất khẩu…, nhất là cải thiện môi trường kinh doanh để người dân hăng hái sản xuất.

Thủ tướng cũng khẳng định đường lối kinh tế độc lập, tự chủ, trước hết là không phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác, cụ thể như tiền tệ, năng lượng, lương thực…

Quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo

Trước câu hỏi chất vấn của đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) về phẩm chất, trí tuệ của các thành viên Chính phủ mà Thủ tướng nói: “Năm ngón tay có ngón ngắn ngón dài nhưng cùng chung một bàn tay, cùng hướng về lợi ích của dân. Trong 27 thành viên Chính phủ có rất nhiều đồng chí xuất sắc, có nhiều đồng chí mới nhưng tinh thần đoàn kết rất cao. Cùng quyết tâm xây dựng chính phủ liêm chính và kiến tạo, và hơn ai hết các thành viên Chính phủ phải thể hiện tinh thần đó”.

Trả lời về mối quan hệ với Mỹ - Việt Nam đã có 10 quy chế được đưa ra, Đảng và Nhà nước sẽ kiên trì đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Mỹ trên tinh thần tôn trọng độc lập chủ quyền, đa phương hóa, đa dạng hóa. “Tôi tin quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ thời gian tới sẽ ngày càng tốt đẹp” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Cần cơ chế đủ mạnh để xử lý tham nhũng

Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đặt vấn đề về tuổi thọ các dự án luật quá ngắn. Các dự án luật, nghị định chồng chéo, ví như chồng chéo trong quy định thẩm định bảo quản di tích lịch sử. Các quy định gây khó khăn cho cơ sở. Giải pháp khắc phục? 

Cử tri cho rằng giảm biên chế trong giáo dục chưa thành công. Rồi hiện tượng một lớp 60 học sinh…Thủ tướng cho biết rõ quan điểm của mình? 

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM): Tôi có 1 vấn đề và mong ý kiến Thủ tướng về phòng chống tham nhũng. 

Nên tạo hành lang pháp lý cho người liêm chính nhưng năng lực hạn chế từ chức

Đại biểu Dương Trung Quốc đưa ra hai câu hỏi mà ông nói rất gần với sự quan tâm của Thủ tướng. 

Thứ nhất là hiện tượng phạt nhưng cho tồn tại, biết là làm sai nhưng cơ quan công quyền chỉ thu về khoản phạt khiêm nhường, nhưng tư túi thì rất lớn. Thủ tướng có chia sẻ ý kiến đó của tôi không và nhiệm kỳ này Thủ tướng sẽ làm gì để ngăn chặn việc phạt và cho tồn tại?

Thứ hai vấn đề từ chức, bên cạnh việc nghiêm khắc loại trừ thoái hóa thì cũng tạo hành lang pháp lý để cho những người liêm chính nhưng hạn chế năng lực được từ chức? Thủ tướng có đồng ý với tôi và sẽ có biện pháp gì?

Thủ tướng: “Không lấy tiền thuế của dân để xử lý các dự án lỗ“ ảnh 2
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP.HCM)

Phát biểu của Thủ tướng cho thấy tham nhũng còn nghiêm trọng, lãng phí. Vai trò của báo chí trong phòng chống tham nhũng được đề cao.

Thủ tướng cho biết kết quả phòng chống tham nhũng chưa đạt là do Chính phủ chưa phối hợp hiệu quả với MTTQ và các đoàn thể, nhân dân trong giám sát. Tôi muốn Chính phủ  có cơ chế đủ mạnh, phát huy vai trò của nhân dân đúng tầm hơn. Xin hỏi ý kiến Thủ tướng về vấn đề này?

Văn hoá từ chức là cần thiết

Đại biểu Dương Trung Quốc đưa ra câu hỏi mà ông nói rất gần với sự quan tâm của Thủ tướng. Đó là về vấn đề từ chức, bên cạnh việc nghiêm khắc loại trừ thoái hóa thì cũng tạo hành lang pháp lý để cho những người liêm chính nhưng hạn chế năng lực được từ chức? Thủ tướng có đồng ý với tôi và sẽ có biện pháp gì?

 Hồi đáp chất vấn này, Thủ tướng tiếp thu ý kiến đại biểu và cho biết có những người do sức khoẻ, do hoàn cảnh gia đình, do năng lực mà từ chức thì hoan nghênh. Người đứng đầu Chính phủ khẳng định văn hoá từ chức là cần thiết.

Nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn hẹp

Đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề cập nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu, hạn hán xâm nhập mặn nghiêm trọng. Thủ tướng cho biết, Việt Nam là một trong 5 nước bị ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, Chính phủ đã có chương trình hành động cụ thể giao cho từng ngành, địa phương và đã giành nguồn kinh phí cho chương trình này. Tuy nhiên nguồn lực hạn hẹp, bên cạnh huy động các nguồn vốn nước ngoài như vay ODA, Trung ương và các địa phương đều bố trí ngân sách, nguồn lực xử lý biến đổi khí hậu. “Trong phạm vi của mình, Chính phủ tiếp tục lắng nghe để tiếp tục có hướng cho các giải pháp xử lý biến đổi khí hậu”, Thủ tướng nói.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) bày tỏ bức xúc về trách nhiệm quản lý Nhà nước với các dự án đầu tư từ ngân sách kém hiệu quả. Đây là lỗ hổng lớn của pháp luật khiến hàng chục nghìn tỷ vốn Nhà nước "tan thành mây khói" mà không quy được trách nhiệm cụ thể bộ, ngành nào. "Chính phủ có giải pháp nào tránh được tiêu cực này?", ông Sinh hỏi. Đồng thời cũng yêu cầu giải pháp để "quét" tận gốc tình trạng tham nhũng hiện nay.

Chia sẻ với lo lắng của đại biểu Sinh, Thủ tướng nêu nhiều nhóm biện pháp, trong đó có tiến hành cổ phần hoá, song không phải cổ phần hoá bằng bất cứ giá nào; có những lĩnh vực quan trọng thì nhà nước phải nắm giữ. Đi liền với đó là công khai kiểm toán doanh nghiệp Nhà nước. Hội nghị triển khai công tác cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức ngay sau kỳ họp Quốc hội lần này, sẽ tìm giải pháp hữu hiệu để cổ phần hoá tốt nhất.

Về giải pháp phòng chống tham nhũng, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh sẽ nghiêm trị; điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, tăng cường kiểm soát quyền lực cán bộ... Ông cũng đề cao vai trò của Mặt trận, nhân dân, báo chí.

VN chưa có trung tâm kinh tế - tài chính đúng nghĩa

Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP HCM) phản ánh, trong 63 tỉnh thành Việt Nam chưa có tỉnh, thành nào trở thành trung tâm kinh tế - tài chính đúng nghĩa. Sở Giao dịch chứng khoán là một doanh nghiệp chứ không phải cơ quan quản lý Nhà nước. Dẫn chứng việc Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM đang nắm giữ 88% giá trị vốn hoá, 70% tính thanh khoản của thị trường, dự kiến tới 2020 TP HCM hình thành 500.000 doanh nghiệp, chiếm 50% tổng số doanh nghiệp toàn quốc, ông chất vấn nên đặt Sở chứng khoán quốc gia nằm trong hoặc ngoài TP HCM để phù hợp với kinh tế thị trường. 

Ông Quốc lưu ý, một số trung tâm tài chính Phố Wall của Mỹ đặt tại New York chứ không phải Washington; Trung Quốc đặt tại Thượng Hải chứ không phải Bắc Kinh...

Đồng tình với quan điểm Việt Nam cần một số trung tâm kinh tế - tài chính mang tầm khu vực, Thủ tướng cho rằng, trước hết cần xây dựng Hà Nội, TP HCM trở thành những trung tâm tài chính như vậy. Phải có cơ chế để hình thành những trung tâm này. Đây cũng là việc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và cơ quan liên quan thảo luận, sớm đưa ra cơ chế tạo điều kiện để HN, HCM trở thành trung tâm kinh tế tài chính dịch vụ của cả nước.

Giải đáp chủ trương sáp nhập 2 Sở giao dịch chứng khoán HN và TP HCM vừa qua, Thủ tướng lưu ý, hiện có 2 thị trường là cổ phiếu, trái phiếu. “Ở đâu đi chăng nữa thì căn bản là “bảng điện tử thôi chứ không phải văn phòng”, lãnh đạo Chính phủ nói. Lý giải rõ hơn, Thủ tướng phân tích: việc này nhằm mục tiêu để thị trường giao dịch cổ phiếu tập trung tại TP HCM; còn thị trường trái phiếu sẽ đặt tại Hà Nội do liên quan tới các cơ quan trung ương.

Thời lượng chất vấn dành cho Thủ tướng kết thúc lúc 11h20, với 36 đại biểu nêu câu hỏi, trong đó 7 đại biểu sẽ được Thủ tướng trả lời bằng văn bản.

Đại biểu Quốc hội nghe Thủ tướng báo cáo sáng 17-11