Thủ tướng họp phiên đầu tiên với Tổ tư vấn kinh tế

VietTimes -- Đó là đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những ý kiến của các thành viên Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng trong buổi làm việc đầu tiên vào sáng 29/7.
Buổi làm việc của Tổ tư vấn kinh tế - Ảnh: VGP
Buổi làm việc của Tổ tư vấn kinh tế - Ảnh: VGP

Ngay sau quyết định thành lập Tổ tư vấn kinh tế, sáng 29/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với các thành viên trong tổ gồm nhiều chuyên gia là tiến sỹ đầu ngành trong lĩnh vực kinh tế, Phó Thủ tướng – TS Vương Đình Huệ cùng dự.

Trong buổi làm việc đầu tiên, ngoài việc đánh giá những vấn đề đang tồn tại của nền kinh tế, các chuyên gia tập trung vào giải pháp tăng cường sức khỏe cho nền kinh tế.

Theo TS Vũ Viết Ngoạn – Tổ tưởng Tổ tư vấn, sau khi tập hợp các ý kiến, phân tích đánh giá của các thành viên, Tổ tư vấn nhận định động lực của nền kinh tế trong thời gian tới không thể dựa vào tăng vốn đầu tư khu vực Nhà nước và khai thác tài nguyên. Thay vào đó, muốn đưa nền kinh tế tăng trưởng trên 7% thì cần tập trung vào giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, cải thiện sản lượng tiềm năng của nền kinh tế.

“Nếu không có giải pháp hữu hiệu để hiện thực hóa chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tạo sự chuyển động của cả bộ máy hành chính, sẽ không đạt được những mục tiêu kinh tế chủ yếu của Đại hội XII” – TS Ngoạn nói.

Bên cạnh các chính sách dài hạn, Tổ tư vấn cho rằng, hệ thống chính sách trong ngắn hạn và trung hạn cần giải quyết 2 vấn đề, đó là: tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí cho doanh nghiệp, tăng hiệu quả khu vực kinh tế nhà nước và đổi mới phương thức vận hành bộ máy hành chính, thay vì vận hành bằng “lực kéo của Thủ tướng” thì cần chuyển động mạnh hơn bằng lực đẩy của xã hội.

Đánh giá những ý kiến của Tổ tư vấn kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng những góp ý của Tổ tư vấn hết sức quý báu, có tư duy đổi mới, khoa học. Thủ tướng nhận định “các đồng chí đã báo động với tư cách là những nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực” về những rủi ro, nguy cơ, nhất là những vấn đề lớn đặt ra đối với đất nước. Thủ tướng bày tỏ, nếu chúng ta đi sai đường hoặc dừng lại, kể cả tư duy và cách làm sai, thì sẽ gây hậu quả lớn. Trong đánh giá nền kinh tế, nên nhìn một cách đầy đủ, có mặt sáng, có mặt tối.

Bày tỏ vui mừng trước những ý kiến phân tích toàn diện của Tổ tư vấn, nhất là những vấn đề còn tồn tại trong nền kinh tế, Thủ tướng nói: Khi phát hiện bất cập, biết cách làm thì đất nước sẽ chuyển mình, không phụ lòng tin của nhân dân”. Thủ tướng giao cho VPCP tổng hợp, đề xuất các chủ trương, giải pháp đối với Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng những đóng góp của Tổ tư vấn sẽ là kênh quan trọng để xây dựng các chủ trương, biên pháp trong chỉ đạo, điều hành, nhất là những vấn đề trong lĩnh vực kinh tế. Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu những ý kiến của các thành viên trong tổ với cách làm có thể là gián tiếp hoặc gặp trực tiếp Thủ tướng khi cần thiết.

Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng vừa được thành lập, có 15 thành viên, do TS. Vũ Viết Ngoạn, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia làm Tổ trưởng.

14 thành viên khác của Tổ tư vấn kinh tế bao gồm:

- Ông Bùi Quang Vinh, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Ngọc Anh, Đại học Indiana, Hoa Kỳ; 
- Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright (Fulbright Economics Teaching Program); 
- Tiến sĩ Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; 
- Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương; 
- Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; 
- Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Khương, Phó Giám đốc, Trưởng khoa Tài chính, Học viện Quản lý và quản trị kinh doanh, Cộng hòa Pháp; 
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, Đại học quốc gia Singapore; 
- Tiến sĩ Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh;
- Tiến sĩ Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia; 
- Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; 
- Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam;
- Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Thọ, Đại học Wasada, Nhật Bản; 
- Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Thuấn, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.

Theo Quyết định 1120/QĐ-TTg, Tổ tư vấn có nhiệm vụ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về các chiến lược, kế hoạch, đề án, chính sách phát triển kinh tế trong trung hạn và dài hạn; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm;

Bên cạnh đó, Tổ tư vấn sẽ phải phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược, đề án, chính sách phát triển kinh tế; trên cơ sở đó tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đạt được các mục tiêu đề ra;

Đồng thời, Tổ có nhiệm vụ tư vấn, khuyến nghị với Thủ tướng Chính phủ các giải pháp, biện pháp ứng phó kịp thời với những biến động thất thường của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.

Tổ tư vấn kinh tế sẽ được tham gia ý kiến các báo cáo, đề án lớn về kinh tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.