Tình hình Biển Đông mới nhất ngày hôm nay:

Thông tin về cuộc tập trận phi pháp quy mô lớn Trung Quốc sẽ tiến hành ở Hoàng Sa

VietTimes -- Ngày 30/6, có báo chí nước ngoài tiết lộ, nhiều tàu chiến chủ lực của 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc đã tập kết ở quân cảng Tam Á. 
Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn để thách thức phán quyết của PCA?
Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn để thách thức phán quyết của PCA?

Tờ Tin tức Liên hợp Đài Loan ngày 3/7 cho hay, trước thềm Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) công bố kết quả vụ kiện Biển Đông của Philippines, ngày 1/7, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình lại cứng rắn tuyên bố: 

"Bất cứ nước nào cũng không được trông chờ Trung Quốc sẽ tiến hành đánh đổi lợi ích cốt lõi của mình, không được trông chờ Trung Quốc sẽ nuốt quả đắng với việc bị thiệt hại về (cái gọi là) chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển".

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 3/7 cho biết, cùng ngày, Cục hải sự Tam Á (Hải Nam) công bố cảnh báo đi lại, cho biết từ 8 giờ ngày 5/7 đến 8 giờ ngày 11/7, (Quân đội Trung Quốc) tiến hành hoạt động quân sự (tập trận) tại vùng biển liên quan ở Biển Đông, cấm tàu thuyền đi vào. 

Cảnh báo này cho biết, cuộc diễn tập sẽ tiến hành trong phạm vi trên vùng biển kết nối các điểm (tọa độ): 18-11N 110-27E; 19-32N 111-21E; 18-28N 114-54E; 16-19N 112-51E; 15-57N 111-34E. 

Hãng tin Reuters cho biết nhìn vào các tọa độ trên, cuộc diễn tập này rõ ràng bao trùm lên toàn bộ vùng biển quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam).
 

Từ ngày 8 - 9/5/2016, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: báo Nhân Dân, Trung Quốc. (ảnh dữ liệu)
Từ ngày 8 đến 9/5/2016, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: báo Nhân Dân, Trung Quốc. (ảnh dữ liệu)

Trong khi đó, hãng tin BBC Anh ngày 3/7 cho rằng căn cứ vào tọa độ được phía Trung Quốc công bố, "vùng biển liên quan" của cuộc tập trận này bao gồm vùng biển phía đông đảo Hải Nam (cực nam Trung Quốc) và vùng biển quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam). 

Như vậy, đây là một tập trận bất hợp pháp, rõ ràng xâm phạm chủ quyền của Việt Nam tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.  

Trước đó, ngày 30/6, có báo chí nước ngoài tiết lộ, nhiều tàu chiến chủ lực của 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc đã tập kết ở quân cảng Tam Á. 

Trong những tàu chiến này có tàu khu trục tên lửa số hiệu 115 của Hạm đội Bắc Hải, tàu khu trục tên lửa số hiệu 139 và tàu hộ vệ tên lửa số hiệu 595 của Hạm đội Đông Hải. 

Có nhà phân tích cho rằng do PCA sắp đưa ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông, nếu phát quyết bất lợi cho Trung Quốc, Quân đội Trung Quốc sẽ tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn ở Biển Đông nhằm cái gọi là "tuyên bố chủ quyền". 

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí ngày 30/6, một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết: Đây là cuộc diễn tập thường lệ do Hải quân Trung Quốc tiến hành theo kế hoạch năm. 

Tuy nhiên, theo BBC Anh, do việc sắp xếp thời gian của cuộc tập trận này đúng vào lúc trước khi PCA đưa ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông của Philippines - thời điểm phán quyết là 12/7, vì vậy nó đã gây chú ý đặc biệt.
 
Trên thực tế, Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá ở Biển Đông, do đó mục đích của cuộc tập trận với sự tham gia của tàu chiến 3 hạm đội lớn Hải quân Trung Quốc trong thời điểm này là nhằm răn đe vũ lực ở Biển Đông, lấy hành động vũ lực để đe dọa hành động pháp lý.

Tháng 5/2013, ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn ở Biển Đông. Ảnh tư liệu.
Tháng 5/2013, ba hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn ở Biển Đông. Ảnh tư liệu.

Nhiều nguồn tin trước đây cho biết Trung Quốc đã có rất nhiều hành động bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhất là việc mở rộng đường băng, triển khai máy bay chiến đấu J-11BH và lắp đặt hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Trong tháng 5/2016, biên đội tàu chiến Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc cũng tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn và trong thời gian dài trên Biển Đông, Đông Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương. 

Trong đó có các hoạt động tập trận tổ chức phi pháp ở vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam. 

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động phi pháp, nghiêm túc tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), tuân thủ luật pháp quốc tế trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), từ đó đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông - PV.