Thiết bị của ZTE bị chính phủ, nhà mạng Mỹ từ chối như thế nào?

Không chỉ khuyến cáo các công ty Mỹ ngừng hợp tác với ZTE, Hạ viện Mỹ cũng đề nghị chính phủ Mỹ ngừng sử dụng thiết bị của hãng viễn thông này, sau khi cuộc điều tra kết thúc năm 2012 cho thấy ZTE là mối nguy cho an ninh quốc gia.
Thiết bị của ZTE bị chính phủ, nhà mạng Mỹ từ chối như thế nào?

Chính phủ nghi ngại

Đề nghị này gần như ngay lập tức nhận được sự ủng hộ từ chính phủ. Cuối tháng 3/2013, dự luật phân bổ ngân sách (appropriations bill) Mỹ, được ký thành luật sau đó ít lâu, bao gồm một điều khoản yêu cầu Bộ Tư pháp, Bộ Thương mại, NASA, và NSF phải tiến hành thẩm định về nguy cơ tình báo mạng trước khi mua các hệ thống máy tính và thiết bị công nghệ khác. Một điều khoản trong dự luật cho biết, việc đánh giá phải được phân tích chi tiết, phải nhờ sự giúp đỡ của cả Cục Tình báo liên bang FBI, đồng thời phải bao gồm đánh giá "bất kỳ nguy cơ nào với các hệ thống được sản xuất, lắp ráp bởi các công ty thuộc sở hữu, kiểm soát, hoặc được trợ giá bởi chính phủ Trung Quốc".

Điều khoản này được đưa ra sau khi hàng loạt cơ quan truyền thông Mỹ cũng như các tổ chức chính phủ, phải chịu nhiều cuộc tấn công mạng. Một báo cáo từ cơ quan an ninh Mandiant truy ra rằng, những kẻ tấn công có trụ sở tại Thượng Hải và có liên quan tới Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Những cuộc tấn công này cũng bao gồm có cả hoạt động tình báo qua Internet.

Cuộc chiến về kỹ thuật số lên đến cao trào khi cuối tháng 2/2013, Cơ quan an ninh mạng Manvidant của Mỹ công bố một báo cáo dày 60 trang về các tin tặc Trung Quốc. Báo cáo này đã gây ra một trận chiến dư luận mạnh mẽ trên thế giới. Nó mô tả khá chi tiết về trụ sở hoạt động và chân dung của 3 tin tặc đang làm việc cho một đơn vị quân đội Trung Quốc. Manvidant cho biết họ tìm ra tòa nhà 12 tầng ở Phố Đông, thành phố Thượng Hải là nơi làm việc của  nhóm tin tặc APT1 thuộc đơn vị 61398, quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, một trong nhiều đơn vị chuyên thực hiện các vụ tấn công mạng.

Các tin tặc Trung Quốc xâm nhập mạng lưới máy tính của đối phương thông qua tấn công giả mạo thư điện tử (e-mail), nghĩa là nhân viên của công ty này nhận được một e-mail giả rồi bị lừa click vào đường link hoặc file đính kèm của tin tặc và sau đó bị đánh cắp thông tin trong một thời gian dài. Để hỗ trợ cho lời cáo buộc của mình, Manvidant cho biết họ đã truy ra các địa chỉ IP, các mã số xác định máy tính của nhiều tin tặc  thuộc nhóm APT1. Điều tra của Manvidant cho biết nhóm tin tặc này đã tấn công mạng ít nhất 141 công ty, tổ chức thương mại và các chính phủ trong vòng 6 năm qua. Mỹ là mục tiêu tấn công nhiều nhất với 115 vụ, điển hình là vụ tấn công của các tin tặc Trung Quốc vào website an ninh của hệ thống quân sự và chỉ huy đơn vị hạt nhân của Mỹ hôm 3/10/2012.

Không chỉ dừng lại ở đó, ngày 31/1/2013, Ủy ban mậu dịch quốc tế Mỹ (ITC) công bố tiến hành điều tra đối với thiết bị 3G và 4G của ZTE, nhằm xác định các sản phẩm có vi phạm bản quyền hay không. Theo ITC, ngày 2/1/2013 4 nhà sản xuất thiết bị di động của Mỹ, trong đó có công ty InterDigital nộp đơn lên Ủy ban và đề nghị khởi tố 3 công ty gồm ZTE, Huawei, và Samsung, đánh cắp bản quyền của họ. ZTE bị điều tra có vi phạm điều 337 thuộc Luật thuế quan Mỹ năm 1930 vốn đã được chỉnh sửa nhiều lần. Theo điều luật này, ITC có quyền điều tra các vụ kiện về vi phạm bản quyền hoặc đánh cắp thương hiệu, nếu công ty bị kiện vi phạm, Ủy ban có quyền ra lệnh cấm nhập khẩu và cấm kinh doanh

Nhà mạng tẩy chay

Thiết bị của ZTE bị chính phủ, nhà mạng Mỹ từ chối như thế nào? ảnh 1

Cuối tháng 2/2012, khi các tin đồn về việc nhà mạng Sprint Nextel sắp bị mua lại bởi SoftBank (nhà mạng Nhật), chính phủ Mỹ muốn giám sát việc mua bán thiết bị mạng nhằm loại bỏ, không cho dùng thiết bị của Huawei trong các cơ sở hạ tầng. SoftBank sử dụng thiết bị rất nhiều thiết bị của các công ty Trung Quốc ở nhiều quốc gia nhờ giá bán rẻ, trong khi chính phủ Mỹ xem đây là những công ty gây ra nhiều nguy cơ về an ninh. Theo các nguồn tin giấu tên, Mỹ muốn được thông báo trước khi có bất kỳ hợp đồng mua bán thiết bị nào liên quan đến mạng viễn thông của Sprint. Dù lo ngại vi phạm các quy tắc thương mại, thế nhưng người Mỹ vẫn muốn tiến hành xem xét cẩn trọng các vụ mua bán liên quan đến hạ tầng viễn thông bất kỳ khi nào một công ty nước ngoài muốn mua lại hãng viễn thông tại nước này. 

Để đáp lại, Sprint và Softbank lúc đó đã có những cân nhắc nghiêm túc; và theo Chủ tịch của Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ Mike Rogers of Michigan, chính phủ Mỹ đã nhận được một lời hứa từ cả hai công ty rằng họ sẽ không sử dụng thiết bị từ Trung Quốc. Các thiết bị của các công ty sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc dùng trong nhà mạng Clearwire thậm chí đã bị thay thế (Clearwire là nhà mạng mà thời điểm này Sprint đang chuẩn bị mua lại).

Theo các thống kê, Mỹ đã chi ra tổng cộng khoảng 129 tỷ USD để nhập khẩu sản phẩm công nghệ cao từ Trung Quốc - tính đến thời điểm tháng 5/2012, và những làn sóng tẩy chay của người Mỹ đối với sản phẩm Trung Quốc đã khiến các công ty như ZTE chịu hậu quả nặng nề. 

Theo ICTNews