Thị trường game Việt có thể thay đổi nhờ PS4

Cơ hội sử dụng sản phẩm chính hãng có bảo hành và việc xóa bỏ định kiến về chơi game là những lợi ích ban đầu của việc mở bán thiết bị PlayStation 4 và game của Sony tại Việt Nam.
PS4 mới (Slim) và PS4 Pro được bán tại Việt Nam với giá từ 8,99 triệu.
PS4 mới (Slim) và PS4 Pro được bán tại Việt Nam với giá từ 8,99 triệu.

Play Station 4 (PS4) là dòng thiết bị giải trí cao cấp của Sony, được thiết kế chuyên biệt dành cho game thủ. Ngoài vai trò máy chơi game, sản phẩm cũng được hỗ trợ xem phim, truyền hình trực tuyến và âm nhạc.

Ra mắt từ năm 2013, nhưng phải 3 năm sau, dòng máy chơi game thế hệ thứ 4 của Sony mới chính thức được phân phối tại thị trường trong nước. Nhưng tại châu Á, thời gian qua, doanh số bán PS4 tăng đột biến về số lượng máy được tiêu thụ trong khu vực, vượt hẳn so với hai phiên bản trước đó là PS2 và PS3, chiếm số lượng lớn trên tổng số 40 triệu đơn vị đã tới tay người tiêu dùng (tính đến 5/2016 theo báo cáo của Sony).

Ông Nguyễn Đức Hải, trưởng phòng marketing Sony Việt Nam cũng chia sẻ, hai lợi thế đặc biệt của Việt Nam trong việc phát triển thị trường game là số lượng TV được tiêu thụ mỗi năm khá lớn, với hơn 2 triệu chiếc nhưng phần lớn trong số này lại chỉ được sử dụng để xem phim trong khi chức năng giải trí lại ít được quan tâm. Yếu tố còn lại là Việt Nam hiện có tháp dân số trẻ với số lượng người trong độ tuổi 20-35 lớn nhất khu vực.

Hơn một nửa đầu game ra mắt tại Việt Nam có nội dung thể thao, gia đình.

Hơn một nửa đầu game ra mắt tại Việt Nam có nội dung thể thao, gia đình.

Game thủ Việt phần lớn vẫn đang chơi game trực tuyến, tại nhà hoặc thông qua các quán Internet. Với những hình ảnh về các quán game ẩm thấp, đầy mùi khói thuốc và những câu chửi thề, dư luận xã hội không có nhiều thiện cảm với cộng đồng game thủ. Việc để con cái chơi game, lên mạng bằng máy tính trong phòng riêng một mình cũng chưa thực sự khiến nhiều phụ huynh an tâm. Và các thiết bị chơi game trong phòng khách đang là lựa chọn mới được nhiều gia đình hướng tới. Trong tương lai, việc chơi game có thể được nhìn nhận với góc độ đơn giản giống như xem phim hay nghe nhạc.

"Đa số người có gia đình cho biết họ mua PS4 với mục đích quản lý con cái về không gian, thời lượng chơi game cũng như tạo sự gần gũi giữa các thành viên trong gia đình", ông Hải chia sẻ.

Và trong số gần 30 đầu game sắp được bán ra tại Việt Nam, một nửa trong số này là các trò chơi có nội dung thể thao và gia đình, phù hợp với nhiều đối tượng.

Bên cạnh đó, trước đây, game thủ Việt khó có cơ hội tiếp cận được các nguồn hàng máy PS4 chính hãng và thường lựa chọn mua các thiết bị xách tay từ nước ngoài. Những sản phẩm này có giá giảm hơn hàng chính hãng một vài triệu đồng, do một số thị trường có khuyến mại trong các dịp mua sắm như Black Friday… Còn với đĩa game, giá thường ngang bằng (60 USD) hoặc giảm từ 30 đến 50% với hàng đã qua sử dụng.

Nhưng tới đây, các đĩa game đã phát hành lâu sẽ chỉ còn ở mức giá khoảng 30 USD, ngang với giá bán đĩa game cũ trên thị trường không chính thống. Game thủ sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho việc trải nghiệm của mình. Bên cạnh đó, với các game thủ muốn chơi sớm các game yêu thích, việc có đơn vị phân phối trong nước sẽ làm giảm thời gian phải chờ đợi nếu mua ở nước ngoài, đặc biệt là các bản đóng gói độc quyền (Limited Edition).

Với các game thủ ưa thích dòng máy console, việc có một kênh phân phối chính thức từ máy đến các tựa game là một chuyện đáng để vui mừng. Trước đây, tình trạng mua lại máy và đĩa đã qua sử dụng, thậm chí các máy hack xảy ra khá nhiều nhưng người dùng không được bảo hành, không thể kết nối mạng, hỏng không biết sửa ở đâu, đĩa bán lại thì chất lượng kém. Chơi bằng máy hack cũng có thể bị khóa tài khoản bất cứ lúc nào. "Giờ mọi người sẽ dễ dàng được trải nghiệm game theo cách chuyên nghiệp và an tâm hơn trước rất nhiều", Duy Lâm, một game thủ yêu thích các game thể loại hành động, đối kháng trên console chia sẻ.

Tuy nhiên, khi mua game trực tuyến bằng cách tải nội dung về, người dùng Việt vẫn sẽ phải sử dụng các hình thức thanh toán thông qua thẻ Visa hay Paypal. Hoặc game thủ phải tạo tài khoản rồi mua thẻ PlayStation Network (PSN) trên mạng rồi nạp vào để mua game, với các bước thao tác khá phức tạp.

Điều này không thay đổi cho dù Sony đã mở bán chính thức thiết bị và game tại thị trường Việt. Bởi để làm được điều đó, Sony buộc phải tuân thủ quy định về việc đặt máy chủ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều trò chơi có tính đặc thù riêng sẽ gặp khó khăn trong việc vượt qua các bước kiểm duyệt về nội dung hình ảnh của các cơ quan quản lý. Viễn cảnh có thể mua game bằng các loại thẻ ngân hàng hay dịch vụ thanh toán trong nước vẫn khá xa vời.

"Có một khoảng cách nhất định về độ mở của dịch vụ, nếu để quá rộng sẽ khó kiểm tra quản lý", ông Hải lý giải.

Đại diện của Sony gợi ý cho các game thủ nên sử dụng tài khoản đăng ký trong khu vực, đơn cử như Singapore, với giá cả hợp lý và khả năng tương thích, hỗ trợ thuận lợi hơn.

Theo VnExpress