Thêm hai dự án ODA dính nghi án tham nhũng

Chiều 3-4, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ sẽ kiểm tra lại thông tin về Tập đoàn Louis Berger Group, Inc. (LBG, Mỹ) khi thực hiện hai dự án tại Việt Nam với nguồn vốn do WB tài trợ đã chi trả một khoản tiền hối lộ các quan chức.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cấm cửa vì “tự nhận” hối lộ

Trên website của mình, WB thông tin đã ban hành lệnh cấm hoạt động một năm đối với Tập đoàn LBG vì dính líu đến các hành vi hối lộ trong hai dự án do WB tài trợ tại Việt Nam. Ngoài ra, công ty mẹ của LBG là Tập đoàn Berger Group Holdings cũng bị hạn chế đấu thầu các dự án của WB.

Louis Berger Group được biết đến là một công ty thiết kế kiến trúc và kỹ thuật của Mỹ. Công ty này triển khai các hợp đồng dự án để giúp các nước phát triển hệ thống giao thông thông minh tiên tiến nhất của thế giới. WB cáo buộc khi LBG thực hiện hai dự án ở Việt Nam (có tổng vốn gần 500 triệu USD - NV), gồm dự án phát triển hạ tầng nông thôn cho 33 tỉnh, thành phố và dự án nâng cao cơ sở hạ tầng giao thông Đà Nẵng đã hối lộ một số quan chức Việt Nam (không nêu rõ danh tính), trong khi công ty mẹ là BGH không giám sát hiệu quả hoạt động của LBG.

Trước đó, WB đã yêu cầu LBG tự điều tra nội bộ theo cam kết với WB. Cuộc điều tra nội bộ đã phát hiện một số vi phạm và LBG báo cho WB. Việc điều tra chưa kết thúc thì công ty mẹ BGH đã tình nguyện không tham gia đấu thầu ở bất cứ dự án nào do WB trợ vốn. “Phản ứng của công ty đối với những hành vi sai phạm là bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy công ty có cam kết hoạt động một cách liêm chính hay không” - Leonard Frank McCarthy, Phó Giám đốc quản lý vấn đề liêm chính của WB, nhấn mạnh.

Theo các điều khoản trừng phạt của WB, cả LBG và BGH phải có biện pháp khắc phục hậu quả để giải quyết các hành vi sai trái mà họ đã gây ra. Đồng thời, cả hai phải tiếp cận và thực hiện một chương trình tuân thủ liêm chính một cách hiệu quả được định hướng và hướng dẫn bởi WB.

Từng có “phốt”

Qua tìm hiểu, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên tại Đà Nẵng có tổng mức đầu tư trên 218 triệu USD, từ vốn vay của WB (hơn 152 triệu USD) và vốn đối ứng trong nước (hơn 66 triệu USD). Dự án bắt đầu từ năm 2008 và đến tháng 8-2013 kết thúc.

Cầu Nguyễn Tri Phương nằm trong dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng bị WB ra thông báo dính hối lộ.
Cầu Nguyễn Tri Phương nằm trong dự án đầu tư cơ sở hạ tầng ưu tiên ở Đà Nẵng bị WB ra thông báo dính hối lộ.

Dự án có các hợp phần xây dựng 13 khu nhà ở dành cho người thu nhập thấp, ba khu tái định cư tại các quận Thanh Khê, Liên Chiểu và quận Ngũ Hành Sơn; cải tạo môi trường sông Phú Lộc, đầu tư hơn 17 km cống thoát nước giải quyết ngập úng cho các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, xây Nhà máy xử lý nước thải Hòa Xuân… Ngoài ra, dự án còn đầu tư hai tuyến đường chiến lược là đường Võ Chí Công đi Hòa Quý và đường vành đai phía nam giúp thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững theo định hướng của Đà Nẵng. Hợp phần cuối cùng là tăng cường thể chế trong hoạch định đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo năng lực cho các sở, ban ngành của TP để thực hiện trách nhiệm của mình trong việc quản lý nhà đất, phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, tài chính đô thị.

Trong khi đó, dự án Giao thông nông thôn 3 được thực hiện từ tháng 9-2007 và kết thúc vào giữa năm 2014 có mức đầu tư trên 257 triệu USD, gồm vốn vay WB (hơn 204 triệu USD) và vốn viện trợ không hoàn lại của Vương quốc Anh (gần 54 triệu USD). Sau gần bảy năm thực hiện ở 33 tỉnh, thành từ Bắc đến Nam Trung Bộ dự án đã nâng cấp cải tạo gần 3.300 km đường huyện, xã, bảo trì trên 22.700 km mạng lưới đường huyện. Ở dự án này vào năm 2014, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều sai phạm tại một số khâu quan trọng. Đơn cử, tại Hưng Yên, tư vấn lập dự án khảo sát trước khi có quyết định duyệt kết quả chỉ định thầu và hợp đồng; một số gói thầu bị chậm tiến độ, phải gia hạn thời gian hoàn thành...

Bộ GTVT yêu cầu rà soát vụ Posco lập “quỹ đen”

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ GTVT chiều 3-4, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết chưa có cơ sở đề nghị các cơ quan vào cuộc điều tra thông tin trên báo Hàn Quốc nêu Tập đoàn Posco (Hàn Quốc) đã “dính” vào nghi án tạo quỹ đen trái phép tại dự án cao tốc Việt Nam giai đoạn 2009-2012.

Theo ông Trường, hiện Bộ GTVT chỉ biết được thông tin qua báo chí chứ chưa nhận được thông báo chính thức từ phía Hàn Quốc. Nhưng trước mắt, Bộ GTVT giao Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC) rà soát lại các hợp đồng đã ký với Posco và chờ thông tin chính thức.

Dự án đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai có tổng mức đầu tư 1,2 tỉ USD, được thực hiện bằng vốn ODA. Dự án có tám gói thầu thì Posco trúng thầu ba gói (A1-A3). Theo ông Trường, dự án tuân thủ nghiêm ngặt các thủ tục về quản lý đầu tư và Bộ GTVT không tham gia vào việc thanh quyết toán giữa nhà thầu chính và nhà thầu phụ mà chỉ thanh toán theo khối lượng hoàn thành. Qua đánh giá sơ bộ của Kiểm toán Nhà nước thì các dự án này đều thực hiện đúng quy định.

hứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời báo chí xung quanh các vụ việc được nhiều người quan tâm.hứ trưởng Nguyễn Hồng Trường trả lời báo chí xung quanh các vụ việc được nhiều người quan tâm.

Liên quan đến thông tin phía Nhật yêu cầu Việt Nam phải hoàn trả số tiền trong hối lộ của Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) cho các quan chức đường sắt Việt Nam, ông Trường cho biết hiện Bộ GTVT đang giao cho Ban Quản lý Các dự án đường sắt tiếp tục rà soát lại hợp đồng để nắm rõ số tiền phải hoàn trả và việc hoàn trả là theo thông lệ quốc tế. “Hiện Ban Quản lý Các dự án đường sắt đang làm việc với nhà tài trợ, tư vấn thiết kế để đưa ra con số cuối cùng chứ không giấu giếm. Nhà tài trợ cấp vốn thực hiện dự án. Dự án này đang tạm dừng và phải hoàn lại vốn vay. Khi dự án tiếp tục họ sẽ cho vay lại...” - ông Hồng Trường giải thích.

Đà Nẵng chưa nhận được thông tin

Chiều 3-4, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND Đà Nẵng cho biết chưa nhận được những thông tin chính thức về vụ việc tham nhũng nên chưa thể trả lời. Tuy vậy, ông Thơ cũng thông tin thêm dự án ưu tiên cơ sở hạ tầng Đà Nẵng do Sở GTVT TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Đây là dự án được WB tài trợ và được họ quản lý khá chặt chẽ.

Trong khi đó, ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cho biết dự án này được triển khai khá lâu nên sẽ cho kiểm tra lại các thông tin liên quan đến việc cáo buộc. Liên hệ với ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT TP Đà Nẵng, thì ông nói đang đi công tác nước ngoài nên không thể trao đổi. Được biết thời điểm dự án được thực hiện thì giám đốc Sở GTVT là ông Đặng Việt Dũng và nay ông Dũng là bí thư Quận ủy Hải Châu.

Theo PLTP