Thông tin đặc biệt đáng chú ý về cuộc tập trận phòng thủ tên lửa của Nga -Trung Quốc

VietTimes -- Trong diễn tập, hai bên đưa thông số tên lửa dự định vào hệ thống diễn tập, sau khi chỉ huy đưa ra quyết định, họ đã cho hệ thống diễn tập vận hàn. Điều này đã thể hiện đầy đủ lòng tin và hợp tác quân sự sâu sắc giữa Trung-Nga.
Trung Quốc và Nga lần đầu tiên tổ chức diễn tập phòng thủ tên lửa liên hợp. Nguồn ảnh: Tân Hoa xã/Đa Chiều.
Trung Quốc và Nga lần đầu tiên tổ chức diễn tập phòng thủ tên lửa liên hợp. Nguồn ảnh: Tân Hoa xã/Đa Chiều.

Ứng phó với các cuộc tấn công bất ngờ 

Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 28/5 đưa tin: Bộ Tư lệnh Phòng thủ tên lửa của hai nước Trung Quốc và Nga đã tham gia cuộc diễn tập phòng thủ tên lửa liên hợp mô phỏng trên máy tính, diễn ra trong thời gian 3 ngày. Cuộc diễn tập này bắt đầu từ ngày 26/5, kết thúc vào ngày 28/5. 

Trang tin Sputnik Nga cho hay, các cán bộ tham gia cuộc diễn tập này đến từ Trung tâm chỉ huy phòng thủ tên lửa của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, mục đích chủ yếu của cuộc diễn tập lần này "là hai bên thông qua cùng diễn tập hành động liên hợp triển khai chiến dịch phòng không và phòng thủ tên lửa, nhằm ứng phó với các cuộc tấn công bất ngờ và khiêu khích của tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình nhằm vào lãnh thổ hai nước".

Cuộc diễn tập này tổ chức ở Trung tâm nghiên cứu khoa học Lực lượng phòng thủ bầu trời-vũ trụ (Không quân) Bộ Quốc phòng Nga ở Moscow, không nhằm vào bên thứ ba.

Tham gia diễn tập có Tham mưu trưởng kiêm Phó Tư lệnh thứ nhất Lực lượng Không quân Nga Pavel Kuratchenko và Tham mưu trưởng Không quân Trung Quốc Ma Chấn Quân.

Trong diễn tập, hai bên đưa thông số tên lửa dự định vào hệ thống diễn tập, đồng thời, sau khi cơ quan thủ trưởng đưa ra quyết định, để cho hệ thống diễn tập vận hành, điều này đã thể hiện đầy đủ lòng tin và hợp tác quân sự sâu sắc giữa Trung-Nga.

Lòng tin chiến lược 

Thời báo Hoàn Cầu bình luận rằng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược là một trong những bí mật cao nhất của một nước. Bất kể Trung Quốc hay Nga, chúng đều là những chương trình rất bí mật. Đưa thông số vũ khí bí mật cao như vậy vào hệ thống máy tính của cuộc diễn tập lần này đã thể hiện lòng tin và hợp tác quân sự sâu sắc giữa Trung-Nga. 

Radar Voronezh DM ở Kaliningrad, Nga. Nguồn ảnh: Tin tức Bành Bái, Trung Quốc.
Radar Voronezh DM ở Kaliningrad, Nga. Nguồn ảnh: Tin tức Bành Bái, Trung Quốc.

Sau khi kết thúc diễn tập, hai nước sẽ tổ chức hội nghị, sĩ quan hai nước sẽ tiến hành tham vấn về vấn đề tăng cường khả năng hợp tác quân sự trên lĩnh vực phòng thủ tên lửa.

Trung Quốc và Nga đều có khả năng phòng không, phòng thủ tên lửa. Nga đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Moscow, có khả năng phòng thủ tên lửa chiến lược – đáp trả hạt nhân. Trong khi đó, Trung Quốc đã tổ chức thử nghiệm thành công nhiều lần đánh chặn phòng thủ tên lửa chiến thuật đoạn giữa mặt đất. 

Hai bên thông qua diễn tập liên hợp, tăng cường giao lưu và hợp tác, có thể nâng cao kinh nghiệm giao lưu quân sự song phương, mở rộng lĩnh vực hợp tác quân sự. 

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Doãn Trác cho hay: Diễn tập phòng thủ tên lửa liên quan đến phối hợp ở cấp độ chiến lược. Trung-Nga tổ chức diễn tập lần này đã đạt đến cấp độ này, cho thấy, lòng tin chính trị và quân sự của hai bên đã lên cấp độ rất cao.

Diễn tập chiến lược cần có một trung tâm chỉ huy thống nhất, mở cửa cho nhau trung tâm chỉ huy kiểm soát ở cấp chiến lược. Đây là diễn tập có tính toàn cục, liên kết các hành động cả trên không, mặt đất, trên biển, trên vũ trụ. Mặc dù loại diễn tập này không sử dụng thực binh, nhưng có cấp độ rất cao. 

Tên lửa đẩy Soyuz phóng một vệ tinh EKS. Nguồn ảnh: Tin tức Bành Bái, Trung Quốc.
Tên lửa đẩy Soyuz phóng một vệ tinh EKS. Nguồn ảnh: Tin tức Bành Bái, Trung Quốc.

Theo chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt, Trung Quốc và Nga tổ chức diễn tập phòng thủ tên lửa liên hợp không chỉ giới hạn ở ý nghĩa tượng trưng, mà càng cho thấy Trung Quốc và Nga “hỗ trợ lẫn nhau về chính trị” và "chính nghĩa". 

Lý Kiệt cho rằng, hệ thống máy tính của hai nước khác nhau. Vì vậy, trước hết cần thống nhất việc truyền số liệu, trao đổi thông tin và liên lạc chỉ huy, kiểm soát vào một hệ thống, cần thống nhất về ngôn ngữ, thống nhất về thông tin và thống nhất về cách làm. Điều này cần tiến hành mô phỏng máy tính nhiều lần mới có thể làm quen. 

Đối với ưu thế phòng thủ tên lửa của Nga, Lý Kiệt cho rằng thiết bị cảnh báo sớm đồng bộ, biện pháp đáp trả và trình độ huấn luyện của hệ thống phòng thủ tên lửa Nga đều khá cao, chẳng hạn các tên lửa S-300, S-400, S-500 và A135 với khả năng đánh chặn các tên lửa khác nhau, đã tạo ra mạng lưới phòng thủ nhiều tầng. 

Vệ tinh cảnh báo sớm trên vũ trụ, radar dò tìm tầm xa trên mặt đất và trên biển, máy bay cảnh báo sớm trên không đã tổ chức thành mạng lưới cảnh báo sớm chặt chẽ, dò tìm các mục tiêu theo nhiều chiều. 

Đối với Trung Quốc, mặc dù khả năng cảnh báo sớm đã được cải thiện nhiều, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách với Nga. Nhưng, tàu chiến "Aegis Trung Hoa" có thể triển khai ở tuyến đầu, sử dụng radar tầm xa để dò tìm và theo dõi các dấu vết của tên lửa. Đây là năng lực tạm thời Nga chưa có. 

Các tàu chiến Aegis Mỹ, Nhật thường triển khai ở vùng biển lân cận CHDCND Triều Tiên, đẩy trận địa tác chiến tới tuyến đầu xa nhất. Một khi CHDCND Triều Tiên phóng tên lửa, chúng có thể thu thập hành tung của tên lửa, nếu cần thiết có thể nhanh chóng đánh chặn có hiệu quả.

Đáp trả Mỹ và đồng minh

 Phạm vi dò tìm của radar Sông Đông 2N thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa A135 hiện có của Nga. Nguồn ảnh: Tin tức Bành Bái, Trung Quốc
Phạm vi dò tìm của radar Sông Đông 2N thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa A135 hiện có của Nga. Nguồn ảnh: Tin tức Bành Bái, Trung Quốc

Thời báo Hoàn Cầu cho rằng hợp tác Trung-Nga trong lĩnh vực phòng thủ tên lửa cũng là phản ứng đối với tình hình quốc tế. Moscow và Bắc Kinh đều gia tăng cảnh giác đối với các hành động quân sự do Mỹ triển khai ở "sân sau" của họ.

Cách đây không lâu, Ngoại trưởng hai nước Trung-Nga đã lên tiếng cho rằng, Mỹ lấy vấn đề hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên làm lý do để triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc là không có cơ sở, vượt xa nhu cầu an ninh thực tế của bán đảo Triều Tiên, tạo ra mối đe dọa trực tiếp đối với cân bằng và ổn định chiến lược toàn cầu. 

Gần đây, các quan chức Mỹ và tổ chức liên minh quân sự NATO còn tuyên bố, hệ thống tên lửa triển khai ở khu vực miền nam Romania có thể dùng cho các hành động quân sự, việc kích hoạt những tên lửa này đánh dấu đã tiến đến bước thứ hai "đếm ngược" về hoàn thành hệ thống phòng thủ tên lửa.

Gần 10 năm trước, Washington đã đưa ra chương trình hệ thống phòng thủ tên lửa. Sau đó, ngày 20/5, một căn cứ cuối cùng của Mỹ ở Ba Lan đã được khởi công, một khi hoàn thành vào cuối năm 2018, cái "ô bảo hộ" này sẽ bao trùm từ đảo Greenland đến khu vực quần đảo Azores, phía tây Bồ Đào Nha.

Mỹ kiên trì cho rằng, điều này hoàn toàn không phải nhằm vào Nga, nhưng Moscow coi đây là mối đe dọa an ninh ở "cửa nhà".

Ngoài ra, từ năm 2011 đến nay, Washington luôn theo đuổi chiến lược "xoay trục sang châu Á-Thái Bình Dương". Nhà Trắng cho rằng, đối với lợi ích lâu dài của Washington, không có khu vực nào quan trọng hơn châu Á. 

Nhưng, một số chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, Mỹ tìm cách dựa vào chiến lược này để thúc đẩy “bá quyền”, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc ở châu Á.