Mỹ: TQ "leo thang tranh chấp" khi mở đường bay thương mại đến Hoàng Sa

Ngày 12-3, Bộ Ngoại giao Mỹ mô tả hành động Trung Quốc mở đường bay thương mại ra đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa, Việt Nam) là “đi ngược lại cam kết của khu vực, làm phức tạp và leo thang tranh chấp”.
Hình ảnh chuyến bay ra đá Chữ Thập được truyền thông Trung Quốc tung ra hồi tháng 1-2016 - Ảnh: Xinhua
Hình ảnh chuyến bay ra đá Chữ Thập được truyền thông Trung Quốc tung ra hồi tháng 1-2016 - Ảnh: Xinhua

“Trung Quốc nên tuân theo những cam kết công khai của họ trước đây bằng cách ngưng các hoạt động cải tạo đất và quân sự hóa các tiền đồn trên Biển Đông.Thay vào đó Trung Quốc nên tập trung cho việc đạt một thỏa thuận về cách ứng xử trong khu vực tranh chấp”, Hãng tin Reuters dẫn lời bà Anna Richey-Allen - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ.

Phản ứng của Mỹ nhằm vào thông tin được Hãng tin Tân Hoa xã phát đi ngày 11-3, trong đó tuyên bố Trung Quốc tiếp tục tiến hành các chuyến bay dân sự ra đảo Phú Lâm, thậm chí ra sân bay mới khánh thành trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Hồi tháng 1-2016, truyền thông Trung Quốc từng đăng tin và hình ảnh về các chuyến bay dân sự ra đá Chữ Thập mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam.

Về hành động này của Trung Quốc, ngày 7-1 người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình tuyên bố: “Một lần nữa Việt Nam mạnh mẽ phản đối hành động trên của Trung Quốc. Đây là hành động xâm phạm một cách nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định trong khu vực; đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông".

"Việt Nam kiên quyết yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành động tương tự, không có thêm những hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, tôn trọng các quy định liên quan của luật pháp quốc tế, không có những hành động làm mở rộng và phức tạp hơn tranh chấp", ông Bình nhấn mạnh.

Người phát ngôn của Việt Nam nêu rõ: "Việt Nam khẳng định sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của mình ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế".

Trước đó, hôm 2-1, Việt Nam đã gửi công hàm phản đối tới phía Trung Quốc sau khi nước này lần đầu tiên đưa máy bay ra thử nghiệm sân bay phi pháp trên đá Chữ Thập.

Hồi tháng 2-2016, các quan chức Mỹ và Đài Loan xác nhận Trung Quốc đã triển khai tên lửa đất đối không đến đảo Phú Lâm, đồng thời chỉ trích động thái này đi ngược lại với cam kết không quân sự hóa của Bắc Kinh.

Thông tin đó đã khiến nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, lên tiếng phản ứng mạnh mẽ vì nó thể hiện hành động leo thang quân sự hóa các đảo mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép ở Biển Đông.

Trong một diễn biến khác, Ấn Độ vừa lên tiếng loại trừ khả năng tham gia kế hoạch tuần tra chung Biển Đông được Mỹ đưa ra.

Theo trang VOA, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar tuyên bố: “Ấn Độ chưa từng tham gia vào bất cứ hoạt động tuần tra chung nào; chúng tôi chỉ tham gia diễn tập quân sự chung”.

Phát ngôn viên hải quân Ấn Độ D.K. Sharma nói rõ hơn Ấn Độ chỉ tham gia các nhiệm vụ quân sự dưới sự khởi xướng của Liên Hiệp Quốc.

Giới quan sát nhận định New Delhi muốn tập trung nguồn lực hạn chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và tuy mối quan hệ chiến lược với Mỹ đang phát triển, Ấn Độ cũng dè chừng khả năng tham gia liên minh quân sự với Washington.

Mặc khác, dù New Delhi ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông, có ý kiến cho rằng Ấn Độ muốn giữ vai trò trung lập tại khu vực này do không có liên quan trực tiếp.

Theo Tuổi trẻ