“Khẩu chiến” quyết liệt trước giờ G về “đường lưỡi bò“

VietTimes -- Phát ngôn viên của bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 30/4 đã phản đối tuyên bố của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Anthony Blinken yêu cầu Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye, cho rằng Mỹ không có quyền chỉ trích Trung Quốc.
"Đường lưỡi bò" ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông bị thế giới lên án và tẩy chay
"Đường lưỡi bò" ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông bị thế giới lên án và tẩy chay

Trước đó một ngày, ông Blinken đã tuyên bố rằng Trung Quốc không thể tham gia vào Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển, mà lại bác bỏ các điều khoản của nó, bao gồm điều khoản «hiệu lực bắt buộc của bất kỳ quyết định nào của trọng tài». Vụ kiện mà ông Blinken muốn nhắc đến là việc Philippines kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Thường trực về đường «lưỡi bò».

Theo Xinhua, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cáo buộc, ông Blinken «có thể đã được thông tin không chính xác về bản chất của các tranh chấp Biển Đông và nội dung của Công ước Liên hiệp quốc về luật Biển», hoặc ông ấy «đã không suy xét kỹ khi nói về Trung Quốc».

Trước đó, ông Blinken tuyên bố nếu Trung Quốc phớt lờ phán quyết của tòa sẽ có nguy cơ gây tổn hại nghiêm trọng tới uy tín của nước này, hơn nữa càng thúc đẩy các quốc gia trong khu vực xích gần Mỹ hơn. Phát biểu của ông Blinken được đưa ra sau khi một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đề trình dự luật nhằm tăng cường an ninh với các đồng minh châu Á của Mỹ, cũng như hối thúc hải quân Mỹ tăng tuần tra gần các đảo tranh chấp, AP đưa tin.

Bắc Kinh đã bác bỏ vai trò của tòa. Nhưng trong bối cảnh phải chịu sức ép trước phán quyết được dư luận rộng rãi mong đợi sẽ chống lại Trung Quốc, Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực tìm kiếm đồng minh ở châu Á, châu Âu và châu Phi.

Trung Quốc luôn lặp đi lặp lại luận điệu rằng các tranh chấp hàng hải nên được giải quyết song phương giữa các bên trực tiếp liên quan. Hãng thông tấn nhà nước Xinhua khoe rằng đã có ít nhất hơn chục quốc gia, hầu hết là các nước không yêu sách chủ quyền đối địch Trung Quốc ở Biển Đông , đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về tranh chấp, bao gồm Nga, Ấn Độ, Pakistan, Ba Lan, Belarus và cả quốc gia cũng tuyên bố chủ quyền là Brunei.

Phiên bản phát hành ra  nước ngoài của tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài bình luận ngày 29/4, cáo buộc Mỹ đổ thêm dầu vào căng thẳng và sử dụng tòa án quốc tế như một cái cớ để kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên tờ báo này thừa nhân rằng những đồng minh Trung Quốc tự nhận không có cùng cách nhìn với Trung Quốc về các tranh chấp. “Các quốc gia trên hoàn toàn không nhất thiết ủng hộ chủ quyền và đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Họ chủ yếu ủng hộ cách tiếp cận của Trung Quốc trong việc giải quyết các khác biệt hay tranh chấp và chống lại việc lạm dụng vụ kiện ra tòa trọng tài của Philippines”, Nhân dân Nhật báo viết.

Chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ) phê phán Trung Quốc về việc bác bỏ phán quyết của tòa án quốc tế, cơ chế được Mỹ và EU ủng hộ. “Bắc Kinh thông qua sức mạnh kinh tế ngày càng tăng tin rằng các láng giềng của họ có thể chấp nhận sự thống trị trị hàng hải khu vực của Trung Quốc và nói chung là phải chấp nhận “lợi ích cốt lõi” của nước này. Việc đó đã được chứng tỏ là sai”, bà Glaser nói.

Trong hội nghị tham vấn ngoại giao thường niên với ASEAN tại Singapore mới đây, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã bác bỏ những chỉ trích rằng Trung Quốc đang cố chia rẽ ASEAN bằng cách vận động sự ủng hộ của Campuchia, Lào và Brunei. Lưu nhắc lại điệp khúc rằng tranh chấp không phải vấn đề giữa Trung Quốc và ASEAN.