Hiểm họa từ nhà máy hạt nhân nổi Trung Quốc tính đưa ra Biển Đông

Nhà máy điện hạt nhân nổi có thể khiến Trung Quốc có thêm năng lực thiết lập vùng cấm xâm nhập, hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý trên Biển Đông.
Hình mô phỏng một lò phản ứng hạt nhân trên biển ACPR50S của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN). Ảnh: CGN
Hình mô phỏng một lò phản ứng hạt nhân trên biển ACPR50S của Tập đoàn Năng lượng hạt nhân Trung Quốc (CGN). Ảnh: CGN

Washington Post nhận xét tham vọng thâu tóm phần lớn Biển Đông của Trung Quốc dường như đã tiến thêm một bước nữa với kế hoạch xây dựng nhiều nhà máy điện hạt nhân nổi.

Báo Mỹ đánh giá rằng mặc dù nhà máy điện hạt nhân nổi không phải là ý tưởng mới mẻ, việc sử dụng chúng trên Biển Đông - khu vực đang căng thẳng vì những tuyên bố chủ quyền chồng lấn - sẽ thực sự đáng ngại cả về lý do an ninh và môi trường.

Global Times, phụ bản của cơ quan ngôn luận đảng Cộng sản Trung Quốc People's Daily, nói rằng nước này có kế hoạch xây dựng tới 20 nhà máy điện hạt nhân nổi để cấp điện cho những khu vực hẻo lánh. Những khu vực đó có thể bao gồm các giàn khoan dầu xa bờ cùng đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng và biến thành các tiền đồn quân sự ở Biển Đông trong hai năm qua.

Các nhà máy điện hạt nhân nổi đã được phát triển từ nhiều thập kỷ qua. Tập đoàn Rosatom của Nga đã khởi công các nhà máy điện hạt nhân nổi để sử dụng tại các khu vực xa xôi như Bắc Cực. Những nhà máy này vận hành dựa trên những lò phản ứng hạt nhân nhỏ, cùng loại với lò phản ứng được sử dụng trên các tàu phá băng lớn nhất của Nga.

Các nhà máy điện nổi của Trung Quốc sẽ do Tổng công ty Công nghiệp Đóng tàu Trung Quốc (CSIC) xây dựng. Đây là đơn vị đóng tàu hải quân lớn nhất của nước này, bao gồm cả các tàu ngầm hạt nhân.

Các chuyên gia điện hạt nhân cho biết vẫn còn một số trở ngại về công nghệ để chuyển đổi các thiết bị hạt nhân hải quân, thành các nhà máy phát điện cố định.

"Trung Quốc đã vận hành các tàu ngầm năng lượng hạt nhân trong vài năm, nên đây không phải bước nhảy vọt" khi họ biến những thiết bị đó thành các máy phát điện, Rod Adams, cựu kỹ thuật viên trên một tàu ngầm hạt nhân Mỹ cho biết. Dù vậy, ông Adams cho biết vẫn có "những thách thức rất lớn" trong việc triển khai những lò phản ứng đó trước năm 2020.

Tăng cường sức mạnh quân sự

Nhưng kế hoạch hạt nhân của Trung Quốc đang gây lo ngại cho cả các nhà phân tích an ninh cũng như một số chuyên gia điện hạt nhân. Nhiều hoạt động của Trung Quốc, từ các thỏa thuận xây dựng cảng ở Ấn Độ Dương tới việc xây đảo nhân tạo ồ ạt trên Biển Đông, vừa nhằm phục vụ các mục đích dân sự, nhưng cũng có thể ẩn đằng sau đó sự tăng cường sức mạnh quân sự.

Những năm gần đây, Bắc Kinh đã biến nhiều bãi san hô, đá ngầm thành các đảo nhân tạo, và xây trên đó những đường băng có thể phục vụ cho mục đích quân sự. Tại một số thực thể, Trung Quốc còn triển khai các radar phòng không hiện đại. Việc bổ sung một nguồn điện lớn có thể khiến những hệ thống quân sự như vậy trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều, đem đến cho Trung Quốc năng lực thiết lập một vùng cấm xâm nhập trên biển và trên không quanh các đảo nhân tạo.

Điều này đặc biệt đáng ngại bởi Mỹ đang cố gắng đảm bảo việc tự do đi lại trên Biển Đông, nơi có những tuyến vận tải thương mại nhộn nhịp và quan trọng nhất thế giới.

"Các nhà máy điện hạt nhân nổi sẽ giúp quân đội Trung Quốc có nguồn năng lượng bền vững để thực hiện đầy đủ các hoạt động, từ cảnh báo sớm trên không tới các hệ thống điều khiển hỏa lực tấn công và phòng thủ, hay chống ngầm và nhiều hơn nữa", Patrick Cronin, giám đốc cấp cao Chương trình An ninh châu Á - Thái Bình Dương, tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, cho biết. Đặc biệt, các hệ thống radar phòng không có thể hưởng lợi lớn từ việc có thêm nguồn điện, bởi khi đó tầm bao phủ của radar sẽ mở rộng.

Cronin và các chuyên gia an ninh khác nhấn mạnh rằng việc triển khai lò phản ứng hạt nhân nổi cũng có thể giúp Trung Quốc có thêm biện pháp để bảo vệ trước bất kỳ cuộc tấn công nào có thể xảy ra, từ phía Mỹ hay quân đội các nước khác trong khu vực, vì nguy cơ xảy ra thảm họa hạt nhân trên biển.

Đây là điều đặc biệt đáng báo động, bởi nhiều chuyên gia lo ngại Bắc Kinh sẽ cố gắng áp đặt một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) quanh các thực thể nước này chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, giống như cách nước này tuyên bố ADIZ trên biển Hoa Đông năm 2013.

Nhiều nhà phân tích an ninh lo rằng Trung Quốc sẽ tuyên bố lập ADIZ trên Biển Đông nhằm đáp trả một phán quyết bất lợi cho nước này từ Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) của Liên Hợp Quốc, tại Hà Lan - cơ quan đang xử vụ Philippines kiện yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc. PCA dự kiến đưa ra phán quyết trước mùa hè năm nay và hầu hết chuyên gia luật nhận định PCA sẽ tuyên bố hầu hết các hoạt động gần đây của Trung Quốc trong khu vực là bất hợp pháp.

Bộ ngoại giao Mỹ nói rằng họ biết đến thông tin từ báo giới Trung Quốc về các lò phản ứng nổi. "Chúng tôi tiếp tục kêu gọi tất cả các bên tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông tránh những hành động đơn phương, có thể làm thay đổi hiện trạng", một người phát ngôn nói.

Rủi ro

Ngoài những quan ngại về an ninh, các lò phản ứng hạt nhân nổi còn gây lo ngại về môi trường và an toàn, khi Biển Đông là khu vực thường xuyên hứng chịu những trận bão mạnh. Hiện chưa rõ những lò phản ứng nổi này sẽ có độ cơ động ra sao.

"Trung Quốc đã gây quá nhiều tổn hại cho môi trường biển khi ồ ạt xây đảo nhân tạo và phá hủy những rạn san hô không thể thay thế", Cronin nói. "Chúng ta không muốn có một tai nạn hạt nhân tại những khu vực là ngư trường đánh bắt cá cùng các tuyến hàng hải này".

Năm 2011, một sự cố tan chảy lõi lò phản ứng xảy ra năm 2011 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi của Nhật. Sự cố là hệ quả của việc sóng thần gây ngập nước các máy phát điện cho các hệ thống an toàn. Hiện chưa rõ lò phản ứng hạt nhân nổi có được trang bị tốt hơn để tránh sự cố mất điện, như từng xảy ra với các lò phản ứng trên cạn hay không, Dave Lochbaum, một chuyên gia an toàn hạt nhân cho biết.

Rủi ro xảy ra tan chảy hạt nhân trên biển, cho dù ở những nơi hẻo lánh, vẫn có thể để lại những hậu quả khó lường.

"Việc lõi của lò phản ứng bị hư hại không bao giờ là điều tốt lành, cho dù với lò phản ứng trên biển hay trên đất liền", ông Lochbaum cảnh báo. "Một vụ tan chảy hạt nhân khiến những nhiên liệu phóng xạ nóng chảy tràn ra khỏi vỏ tàu xuống biển sẽ đặc biệt đáng ngại".

Theo VnExpress