Châu Âu lần đầu "bật đèn vàng" với Trung Quốc về Biển Đông

Các nước phải được "tự do lưu thông tại Biển Đông". Ủy ban Châu Âu hôm 22/6 đã đưa ra cảnh báo ngoại giao đầu tiên với Bắc Kinh, sau vụ máy bay Trung Quốc ngăn chặn một máy bay quân sự Mỹ trên không phận Biển Đông tháng trước, RFI cho biết.
Một trong 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông
Một trong 7 đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông

Thông cáo của Ủy ban châu Âu nêu rõ: «Khối lượng lớn hàng hóa thương mại đường biển qua vùng này cho thấy tự do hàng hải và hàng không là điều quan trọng hàng đầu đối với EU. Liên hiệp châu Âu cần cổ vũ Trung Quốc đóng góp vào sự ổn định của khu vực…và ủng hộ trật tự quốc tế trên cơ sở luật pháp».

Ủy ban châu Âu tránh chỉ trích trực tiếp Bắc Kinh, đối tác thương mại chủ yếu của Liên hiệp châu Âu (EU), nhưng cảnh báo trong một văn bản mới về chính sách rằng châu Âu «phản đối các hành động đơn phương có thể phương hại đến nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng». Đây là dấu hiệu cho thấy sự quan ngại của châu Âu trước việc Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo trên Biển Đông.

Dự thảo chính sách đối với Trung Quốc trong 5 năm tới của Ủy ban châu Âu tuyên bố: «EU muốn rằng tự do hàng hải và hàng không phải được tôn trọng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông». Các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu sẽ phải thông qua dự thảo này.

Trong khi Liên hiệp châu Âu giữ thái độ trung lập trong vấn đề tranh chấp Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia Châu Á khác, Washington thúc giục Brusells lên tiếng phản đối việc Bắc Kinh yêu sách một cách ngang ngược và phi pháp đối với hầu như toàn bộ Biển Đông. Mỹ nói rằng Trung Quốc có hành vi cưỡng chiếm tuyến đường hàng hải huyết mạch đối với thương mại thế giới.

Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc về đường 9 đoạn do Bắc Kinh tự vẽ ra, dù Trung Quốc từ chối tham dự và nói rằng tòa án Liên Hợp Quốc không có thẩm quyền xét xử.

Tháng trước, hai chiến đấu cơ Trung Quốc đã bay chặn một máy bay trinh sát quân sự Mỹ trên Biển Đông, yêu cầu Washington chấm dứt giám sát gần Trung Quốc. Vụ này xảy ra một tuần sau khi khu trục hạm tên lửa dẫn đường USS William P.Laurence đi vào vùng 12 hải lý xung quanh đá Chữ Thập mà Bắc Kinh đang ra sức bồi lấp trái phép.

Liên hiệp châu Âu ngày càng quan ngại trước tình trạng căng thẳng hiện nay, và Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian hồi tháng 6/2016 đã kêu gọi châu Âu tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên tại Biển Đông.