Biển Đông: Trung Quốc dở chiêu bài thâm hiểm áp đặt chủ quyền

VietTimes -- Sau các chuyến bay dân sự gọi là để thử nghiệm trên Đá Chữ Thập, Trung Quốc vào ngày 15/1, đã tiến thêm một bước trong chiến lược có thể gọi là dùng thường dân để áp đặt chủ quyền trái phép trên vùng quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trung Quốc ngang nhiên thử nghiệm máy bay ở Đá Chữ Thập, gây bức xúc cho dư luận khu vực và quốc tế
Trung Quốc ngang nhiên thử nghiệm máy bay ở Đá Chữ Thập, gây bức xúc cho dư luận khu vực và quốc tế

Theo truyền thông Trung Quốc, một nhóm «du khách» đầu tiên đã được chở đến hòn đảo nhân tạo này, mới được bồi đắp trái phép, bất chấp luật pháp quốc tế.

Theo trang mạng thông tin Sina của Trung Quốc, một chiếc máy bay chở khách của hãng hàng không Hải Nam đã hạ cánh xuống sân bay của Đá Chữ Thập đã được Trung Quốc mở rộng, bồi lấp trái phép, chở theo thân nhân của binh sĩ Trung Quốc đồn trú tại đây. Trang mạng này đã đăng tải rất nhiều hình ảnh của lính Trung Quốc trong quân phục chụp hình với vợ con.

Việc đưa khách là thường dân đến Đá Chữ Thập là ý đổ thâm hiểm đã được tiến hành chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh đã lần lượt cho 3 chiếc máy bay dân sự không chở khách đến thử hạ cánh và cất cánh từ đường bay được xây trên đảo, trong các hoạt động thử nghiệm được báo chí chính thức Trung Quốc khoe là "thành công mỹ mãn".

Đúng vào lúc đoàn «du khách» được đưa tới Trường Sa, các quan chức phụ trách Thành phố Tam Sa được Bắc Kinh thành lập phi pháp để "quản lý" cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa, đã tiết lộ những ý đồ mới liên quan đến vùng Hoàng Sa mà Trung Quốc đã xâm chiếm bằng vũ lực của Việt Nam vào năm 1974, và từ đó đến nay không ngừng cải tạo, bồi đắp và xây dựng cơ sở trên đó.

Các ý đồ vừa được tiết lộ bao gồm việc kêu gọi tư nhân đầu tư vào các cơ sở hạ tầng trên các hòn đảo đang có tranh chấp nhưng được Bắc Kinh chiếm làm của riêng, và khởi động ngay trong năm nay các chuyến bay thường xuyên đến đảo Phú Lâm, nơi Trung Quốc đã từng xây dựng một sân bay.

Kế hoạch mở các chuyến bay thường xuyên đến đảo Phú Lâm, hòn đảo lớn nhất tại vùng quần đảo Hoàng Sa cũng là một bước mới trong chiến lược áp đặt chủ quyền Trung Quốc tại Biển Đông bằng cách tổ chức các tuyến du lịch đến vùng quần đảo này, bất chấp sự phản đối của các nước trong khu vực.

Ngay từ năm 2012, Bắc Kinh đã cho tổ chức các chuyến du lịch đến vùng Hoàng Sa, nhưng chỉ bằng tàu thủy mà thôi, với các điều kiện sinh hoạt không mấy tốt cho du khách, vì hành trình khá dài. Khi quyết định mở đường hàng không dân dụng thường xuyên, Trung Quốc hy vọng sẽ tăng cường lượng du khách đến Hoàng Sa, biến nơi này thành một điểm du lịch của Trung Quốc.

Ý đồ tạo nên một sự đã rồi có lợi cho Trung Quốc rất rõ ràng, và không loại trừ việc Trung Quốc sẽ áp dụng mô hình Hoàng Sa cho vùng Trường Sa đang ở trong tay họ, nhất là khi trong thời gian ngắn tới đây, Trung Quốc sẽ có đến ba đường băng thuộc loại lớn nhất ở Trường Sa (Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi) của Việt Nam.

Nhiều nhà phân tích cho rằng lá bài dùng dân sự để áp đặt chủ quyền đang được Bắc Kinh rốt ráo thực hiện nhằm đặt thế giới trước sự đã rồi, kể cả khi Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc vào giữa năm nay.

Cuối tháng 5/2015, khi trả lời hãng tin Anh Reuters, chuyên gia về Biển Đông Ian Storey đã vạch trần ý đồ của Trung Quốc khi ông cho rằng tăng cường sự hiện diện của thường dân trên các thực thể chiếm đóng sẽ cho phép «củng cố lập trường pháp lý... bởi vì sự hiện diện này nhấn mạnh đến tính chất quản lý thực thụ, không chỉ về quân sự, mà cả về dân sự».

Đối với chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore này «Đó sẽ là một yếu tố quan trọng trong trường hợp tranh chấp được đưa ra trước Tòa án Quốc tế».

T.H