Thất thu thuế vì chưa "quản" tốt thương mại điện tử

VietTimes -- Mua sắm trực tuyến trên nền tảng di động, Internet hiện đang trở thành thói quen của nhiều người dân nhưng loại hình kinh doanh này cũng khiến cơ quan nhà nước gặp không ít khó khăn trong việc quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý thuế.
Ảnh minh họa, nguồn internet
Ảnh minh họa, nguồn internet

Tại Hội nghị Chống gian lận thuế qua hoạt động chuyển giá và thương mại điện tử diễn ra ngày 1/12, Tổng Cục Thuế cho rằng, hiện nay, các đối tượng tham gia vào thương mại điện tử (TMĐT) gồm doanh nghiệp (DN) và cá nhân. Tuy nhiên, quản lý thuế cũng như hoạt động thương mại chỉ thực hiện được ở DN. Còn cá nhân chưa quản lý được. Do vậy, trên thực tế đang tồn tại tình trạng rất nhiều cá nhân cố tình trốn thuế, chuyển giá.

Theo bà Nguyễn Thị Hánh, Phó Vụ trưởng - Phó trưởng Ban Thường trực Ban Cải cách và hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện nay cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tại Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ là điều kiện phát triển TMĐT thuận lợi. Hiện cả nước đang có hơn 40 triệu người sử dụng Internet, có 130 triệu thuê bao di động. Lĩnh vực TMĐT hiện đang thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân tham gia.

Nhiều loại hình TMĐT xuất hiện như trò chơi trực tuyến, mua bán hàng hóa qua mạng, quảng cáo trực tuyến, nội dung số. Mua sắm trực tuyến đang trở thành thói quen của người dân. Doanh nghiệp đẩy mạnh giao dịch qua TMĐT để tiết giảm chi phí. Quảng cáo trực tuyến và kinh doanh trên sản phẩm số hóa, dịch vụ trực tuyến phát triển mạnh.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghệ số và đi cùng với nó là hoạt động TMĐT ngày càng sôi động đã và đang đặt ra những thách thức rất lớn với công tác quản lý.

Trong đó, phần lớn hoạt động giao dịch được thực hiện trên nền Internet nên giá trị gần như vô hình, khó xác định giá bán. Hoạt động kinh doanh TMĐT có nhiều điểm khác xa với thương mại truyền thống như không có kho chứa hàng, không cần dự trữ nhiều hàng hóa. Về mặt không gian, thời gian và vị trí địa lý cũng không bị giới hạn, có thể thực hiện giao dịch 24/24 giờ.

Ngoài ra, theo bà Hánh, do hoạt động giao dịch hàng hóa diễn ra trên nền tảng di động, Internet nên rất dễ để chủ giao dịch hàng hóa ẩn danh, nặc danh và xóa bỏ thông tin giao dịch trong trường hợp cảm thấy không an toàn hoặc có khả năng bị thanh tra, kiểm tra.

Bên cạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (thẻ tín dụng, séc…), các cá nhân, tổ chức hoàn toàn có thể thực hiện các giao dịch qua mạng Internet từ khâu đặt hàng cho đến khâu thanh toán, đặc biệt là đối với các giao dịch TMĐT xuyên biên giới. Chính vì vậy cho đến nay, ngành thuế cũng chưa thực hiện được một vụ thanh tra nào về giá chuyển nhượng trong lĩnh vực này, bà Hánh cho biết.

Về công tác quản lý, theo nhận xét của ông Hoàng Trần Hậu, Giám đốc Trường Bồi dưỡng cán (Bộ Tài chính), nước ta hiện nay công nghệ quản lý còn nhiều bất cập. Sự phối hợp và đồng bộ giữa các cơ quan thuế và các bộ ngành liên quan còn lỏng lẻo. Do vậy, rất khó khăn cho cơ quan quản lý thuế trong việc xác định doanh thu chi phí của doanh nghiệp hay cá nhân tham gia TMĐT.

Theo ông Hậu, mặc dù chưa có số liệu thống kê đầy đủ nhưng ngân sách nhà nước chắc chắn là thất thu không nhỏ, trong khi sự phối hợp giữa ngành thuế với các bộ, ngành liên quan để tăng cường hiệu quả quản lý thu ngân sách nhà nước đối với hoạt động TMĐT vẫn còn hạn chế.

Trước thực trạng này, Bộ Tài chính cùng với các cơ quan chức năng đang nghiên cứu nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhằm chống gian lận thuế qua hoạt động TMĐT và chuyển giá. tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về TMĐT để người dân hiểu rõ và sử dụng các tiện ích ưu việt của hoạt động TMĐT. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với hoạt động thực tiễn của TMĐT.