Thanh tra nhiều nhưng tham nhũng sao không giảm?

VietTimes -- Công tác thanh tra được xem là “thanh bảo kiếm” để kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng. Thế nhưng, dù lực lượng thanh tra được tổ chức chặt chẽ và bài bản từ Trung ương đến địa phương nhưng tham nhũng vẫn là vấn nạn ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế-xã hội đất nước và làm mất uy tín với nhân dân.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 với các địa phương.
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 với các địa phương.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu phát biểu rằng, trong năm 2018, tỉnh Hậu Giang tiếp tới 11 đoàn thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Do nhiều đoàn thực hiện nội dung thanh tra trùng lắp đã khiến địa phương mất rất nhiều công sức phục vụ.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu "tố" với Thủ tướng về tình trạng thanh tra nhiều, gây rối bận, mất thời gian.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu "tố" với Thủ tướng về tình trạng thanh tra nhiều, gây rối bận, mất thời gian.

Câu chuyện thanh tra nhiều, thanh tra trùng lặp vốn không phải hiếm xưa nay. Bởi nguyên nhân là do Luật Thanh tra và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành quy định, ngoài Thanh tra Chính phủ còn có thanh tra của các bộ, ngành, địa phương. Ở cơ sở (xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị) được gọi là thanh tra nhân dân.

Thế nhưng, điều đáng nói chưa phải nằm ở việc giảm tỷ lệ, không còn thanh tra nhiều, thanh tra trùng lắp và tốn thời gian phục vụ. Điều dư luận quan tâm hơn cả là tại sao thanh tra nhiều mà tham nhũng lớn, tham nhũng vặt không giảm? Hoặc dù đã có quy định nhằm bảo đảm cho công tác thanh tra không chồng chéo, trùng lặp thì hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng và kiểm soát quyền lực vẫn chưa tốt.

Ngược lại, công tác thanh tra nhiều còn bộc lộ những hạn chế như Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang “tố” với Thủ tướng Chính phủ.

Lâu nay, câu chuyện Đảng, Nhà nước có “chính sách” thì bộ, ngành, địa phương có “đối sách” đã không còn hiếm. Những chương trình, đề án, dự án... ở các lĩnh vực được Chính phủ, Nhà nước phê duyệt, bố trí ngân sách đã không được tiến hành tới nơi tới chốn. Kinh phí phục vụ cho chương trình, đề án, dự án bị rơi vãi và vào tay một số đối tượng khiến cho giá trị thực sự và mục đích ban đầu không đạt được.

Các dự án, đề án, chương trình thuộc quyền các bộ, ngành, địa phương phê duyệt, quản lý, tổ chức thực hiện có quy mô, giá trị kinh tế ít hơn so với của Nhà nước và Chính phủ thì cũng bị “cắt xén” nên không phát huy hiệu quả như đã định.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó phòng Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Xây dựng) làm Trưởng đoàn thanh tra tại huyện Vĩnh Tường bị khởi tố vì “vòi” tiền địa phương.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Phó phòng Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Xây dựng) làm Trưởng đoàn thanh tra tại huyện Vĩnh Tường bị khởi tố vì “vòi” tiền địa phương.

Có thể lấy ra rất nhiều dẫn chứng, chứng minh cho nhận định trên, nhất là đối với nhưng thất thoát ở các dự án do doanh nghiệp Nhà nước làm chủ đầu tư và triển khai, thực hiện. Tuy nhiên, có một thực tế là, chỉ khi nào người dân phản ảnh, báo chí điều tra, phản ánh mạnh mẽ thì mới có kết quả thanh tra tường tận, được công bố rộng rãi trên truyền thông. Điều này xem ra thật khó lý giải khi mà rất nhiều cuộc thanh tra vẫn diễn ra đúng kế hoạch.

Không thể phủ nhận công lao của lực lượng thanh tra đã thực hiện trong thời gian qua. Song để nó phát huy hết hiểu quả và để đạt được như kỳ vọng của nhân dân, nhất là trong kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng thì chưa chắc.

Ông Nguyễn Thanh Quất ở Hà Lý (Hùng Dũng, Hưng Hà, Thái Bình) bình luận: Nguyên nhân dẫn đến hệ thống thanh tra không hiệu quả chỉ có thể lý giải là do năng lực yếu kém, hoặc chưa làm hết trách nhiệm và cũng có thể là do bị mua chuộc hoặc chủ động “vòi” tiền để bỏ qua sai phạm, như sự việc nổi cộm ở Thanh tra Bộ Xây dựng thời gian qua.

Như vậy, nếu cứ “đường thẳng mà nghĩ” thì rõ ràng việc dùng “đối sách” để xử lý “chính sách” đã đem lại lợi ích to, nhỏ khác nhau cho đội ngũ cán ở các cơ quan, đơn vị, địa phương, những người có quyền quyết và có thông tin cũng như luôn luôn chủ động về cách nghĩ, cách làm.

Thế nên, với những lợi ích nhìn thấy thì chẳng tội gì họ không có cách để làm cho những ông, bà “Bao Công” vốn là những người được kỳ vọng liêm khiết, chính trực trong những người liêm khiết cũng phải “im tiếng súng”. Lợi ích càng lớn, càng nhiều thì mức độ câu kết càng khăng khít, bền chặt và mưu mô chiếm đoạt lợi ích càng tinh vi. Đây là điều sẽ gây khó khăn rất lớn cho lực lượng thanh tra nhưng càng khó khăn hơn nếu như thanh tra cũng có “đối sách”.

Bài toán thanh tra nhiều không hiệu quả đã rõ nguyên nhân. Giải pháp ngăn chặn kịp thời và hiệu quả hiện tượng này có nhiều, trong đó vấn đề quan trọng là phải minh bạch, công khai trong công tác thanh tra. Tăng cường xây dựng lực lượng thanh tra trung thành, thanh liêm, trong sạch, giỏi nghiệp vụ. Kiên quyết xử lý những “con sâu” trong ngành thanh tra.

Nhà nước nên xây dựng cơ chế thanh tra đột xuất để hạn chế hiện tượng dùng “đối sách” thực hiện “chính sách” và tổ chức thanh tra theo tỷ lệ, trong đó lấy thanh tra tài chính là gốc để phát hiện các sai phạm của cấp dưới.