Thanh Hóa: Hơn 10.000 hợp đồng lao động ngoài cho phép

VietTimes -- Theo Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa, từ năm 2014 đến nay, tỉnh này đã áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình tổ chức, giám sát thi tuyển công chức (CC) đảm bảo nghiêm túc, khách quan, công bằng và đúng quy định... Tuy nhiên, hiện tỉnh vẫn có hơn 10.000 hợp đồng lao động ngoài cho phép
Sở Y tế 3.012 người ký hợp đồng lao động ngoài biên chế làm chuyên môn, nghiệp vụ
Sở Y tế 3.012 người ký hợp đồng lao động ngoài biên chế làm chuyên môn, nghiệp vụ

Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ phê duyệt hoặc cho phép các sở, cơ quan ngang sở, có 3.456 người trong hợp đồng lao động nhưng thực tế, số lao động hợp đồng của toàn tỉnh Thanh Hóa đang là 13.667 người.

Số hợp đồng lao động ngoài biên chế này được giám đốc các sở, thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện hoặc thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc ký hợp đồng có thời hạn nhiều lần, không đúng quy định tại Khoản 2, Điều 22, Bộ Luật lao động năm 2012, quy định về các loại HĐLĐ.

Mức chi trả tiền lương đối với số LĐHĐ do các đơn vị tự ký khác nhau, có đơn vị trả theo mức lương cơ sở, có đơn vị trả áp dụng tương ứng theo ngạch bậc của trình độ đào tạo, có đơn vị khoán theo một mức cố định và không được tăng lương, không được đóng BHXH, BHYT...

Điều này đã thể hiện việc sử dụng lao động tại một số đơn vị chưa nghiêm túc, thực hiện công tác quản lý biên chế, tuyển dụng cán bộ (CB), viên chức (VC), CC còn bộc lộ nhiều yếu kém, khuyết điểm; việc tuyển dụng CC, VC, đặc biệt đối với VC chưa dựa trên nhu cầu thực tế của cơ quan, đơn vị; một số đơn vị tuyển dụng VC vượt quá quy định và không theo quy trình tuyển dụng của pháp luật, thiếu công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng. Điển hình như: Sở Y tế, UBND huyện Yên Định, UBND huyện Vĩnh Lộc, UBND huyện Thiệu Hóa...

Theo Sở Nội vụ Thanh Hóa thì nguyên nhân chính thuộc về trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị thực hiện việc tuyển dụng, ký HĐLĐ không xuất phát từ yêu cầu công việc, vị trí việc làm, chỉ tiêu biên chế được giao; chưa thực hiện nghiêm quy định phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy và CB, CC, người đứng đầu và sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa; hệ thống cơ quan tham mưu về công tác quản lý CB, CC, VC chưa thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh và thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong tuyển dụng.

Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khách quan đối với các phòng chuyên môn thuộc sở, UBND cấp huyện là do quá trình tổ chức thi tuyển CC hàng năm của tỉnh diễn ra nghiêm túc nên không tuyển đủ số CC theo yêu cầu của vị trí việc làm còn thiếu so với chỉ tiêu biên chế được giao nên đã thực hiện LĐHĐ; các đơn vị có nguồn thu cao, có số biên chế được giao thấp, trong khi yêu cầu thực tế do khối lượng công việc lớn, cần bổ sung viên chức nhưng không thực hiện xây dựng kế hoạch, đề án vị trí việc làm trình cấp thẩm quyền phê duyệt để thực hiện số biên chế tăng thêm.

Ngoài ra còn có trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tham mưu, đôn đốc, hướng dẫn và công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát thực hiện HĐLĐ tại các cơ quan, đơn vị chưa kịp thời; chưa đề xuất được việc xử lý các tổ chức, cá nhân thực hiện việc HĐLĐ ngoài chỉ tiêu biên chế được giao, trái quy định; việc giám sát, quản lý về sử dụng kinh phí chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho HĐLĐ còn nhiều hạn chế.