Trung Quốc điều tên lửa áp sát biên giới, Ấn Độ tuyên bố “chiến thắng bất cứ kẻ thù nào“

VietTimes -- Trung Quốc và Ấn Độ tiếp tục triển khai nhiều lực lượng, vũ khí trang bị ở khu vực biên giới, tình hình căng thẳng tiếp tục leo thang. Thủ tướng Ấn Độ tuyên bố Ấn Độ có thể chiến thắng bất cứ kẻ thù nào.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố cứng rắn trong ngày Độc lập. Ảnh: AFP.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố cứng rắn trong ngày Độc lập. Ảnh: AFP.

Trung Quốc tăng cường bố trí vũ khí ở Tây Tạng

Theo trang tin Sina Trung Quốc ngày 15/8, đối đầu biên giới Trung - Ấn hiện nay đang tiếp diễn. Trong bối cảnh này, có hình ảnh cho thấy Trung Quốc đã sử dụng tàu hỏa chở hệ thống tên lửa phòng không tầm gần HQ-17, loại tên lửa được cho là “sát thủ trực thăng vũ trang” đến Tây Tạng.

Báo Trung Quốc khoe rằng, HQ-17 là một hệ thống phòng không cơ động dã chiến “tiên tiến nhất thế giới” hiện nay, chủ yếu trang bị cho lực lượng bộ binh cơ giới hóa và lực lượng thiết giáp. Tên lửa này là sản phẩm được Trung Quốc phát triển trên nền tảng tên lửa đất đối không Tor-M1 của Nga.

HQ-17 tích hợp radar, tên lửa và dẫn đường trên cùng một xe bọc thép, mặc dù nhìn hình dáng rất lớn, nhưng tính cơ động rất mạnh. Hơn nữa, có hệ thống ăng-ten radar tự động và ổn định, có thể tiến hành tìm kiếm mục tiêu trong đêm, một khi nhận được lệnh tấn công thì có thể nhanh chóng chuyển từ trạng thái chạy sang trạng thái phóng chỉ mất có 5 giây, có thể hoạt động bình thường trên cao nguyên cách mặt nước biển 3.000 m trở lên.

Tài liệu công khai cho biết HQ-17 được phóng thẳng đứng, có thể đối phó với các mục tiêu trên không bay với tốc độ 700 m/giây, khoảng cách tấn công là 12 km. Mỗi xe có 2 mô đun tên lửa, mỗi mô đun tên lửa có 1 hộp phóng và 4 quả tên lửa 9M331. Độ bắn chính xác đối với tên lửa hành trình đạt 56 - 99%, đối với máy bay chiến đấu đạt 45 - 93%, đối với máy bay trực thăng vũ trang đạt 82 - 98%.

Mặc dù ngoại hình tổng thể rất giống Tor-M1, nhưng về radar, HQ-17 đã có sự cải tiến rất lớn, đã đổi sang radar mảng pha có khả năng chống nhiễu mạnh hơn, đồng thời nâng cấp radar điều khiển hỏa lực, có khả năng mạnh hơn trong việc đối phó với nhiều mục tiêu.

Trung Quốc vận chuyển hệ thống tên lửa phòng không tầm gần HQ-17 và tầm trung HQ-16 đến khu vực Tây Tạng bằng đường sắt. Ảnh: Sina.
Trung Quốc vận chuyển hệ thống tên lửa phòng không tầm gần HQ-17 và tầm trung HQ-16 đến khu vực Tây Tạng bằng đường sắt. Ảnh: Sina.

Trong khi đó, tờ Hindustan Times Ấn Độ dẫn một nguồn tin từ lục quân Ấn Độ ngày 10/6 tiết lộ, lục quân nước này đã lần đầu tiên triển khai phi đội 10 máy bay trực thăng vũ trang hạng nhẹ Dhruv ở khu vực biên giới Trung - Ấn. Việc Trung Quốc triển khai hệ thống tên lửa HQ-17 ở Tây Tạng vào lúc này rõ ràng là để đối phó với các mục tiêu như trực thăng Dhruv Ấn Độ.

Máy bay trực thăng vũ trang Dhruv đã trang bị pháo 20 mm, đồng thời có thể trang bị rocket, tên lửa không đối không và tên lửa không đối đất, có thể dùng để chi viện đường không cự ly gần và các chiến dịch ở khu vực cao so với mặt nước biển.

Đứng trước cuộc đối đầu biên giới tiếp tục giằng co, quân đội Trung Quốc vẫn kiên trì đòi quân đội Ấn Độ phải rút hết khỏi khu vực Doklam, đồng thời cũng không ngừng tiết lộ thông tin triển khai các loại vũ khí ở Tây Tạng, hiển nhiên nhằm đối phó Ấn Độ.

Theo tờ Nhật báo Kinh tế Hồng Kông, việc triển khai hệ thống tên lửa phòng không tầm gần HQ-17 ở Tây Tạng cho thấy đối đầu biên giới Trung - Ấn đang leo thang.

Ngoài ra, theo trang tin NOW ngày 15/8, trước đó, quân đội Trung Quốc còn lần lượt tiến hành tập trận bắn đạn thật ở các khu vực cao nguyên như Tây Tạng. Gần đây lại có nguồn tin cho rằng Trung Quốc đã vận chuyển một lô khoảng 28 hệ thống tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 cùng các trang bị khác đến khu vực Tây Tạng.

HQ-16 là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung thế hệ thứ ba do Trung Quốc tự nghiên cứu phát triển, có khả năng tấn công nhiều mục tiêu như máy bay, tên lửa chống hạm.

Máy  bay trực thăng vũ trang hạng nhẹ Dhruv Ấn Độ. Ảnh: Sina.
Máy bay trực thăng vũ trang hạng nhẹ Dhruv Ấn Độ. Ảnh: Sina.

Narendra Modi: "Ấn Độ có thể chiến thắng bất cứ kẻ thù nào"

Trong lễ kỷ niệm tròn 70 năm ngày độc lập (ngày 15/8) của Ấn Độ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh, mối quan tâm đến an ninh quốc gia là một phần tự nhiên của Ấn Độ. Mỗi khi thực hiện nhiệm vụ, lực lượng an ninh của Ấn Độ đều chứng minh được năng lực của mình. Bất kể chủ nghĩa khủng bố hay những kẻ thâm nhập, lực lượng an ninh của Ấn Độ đều sẵn sàng hy sinh bất cứ lúc nào.

Ông Narendra Modi tuyên bố, quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị tốt cho việc đối mặt với bất cứ thách thức nào, bảo vệ an ninh quốc gia là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Khi tiến hành tấn công theo kiểu phẫu thuật ngoại khoa, năng lực của Ấn Độ được cả thế giới biết đến.

Thủ tướng Ấn Độ khẳng định: “Bất kể ở trên biển hay trên biên giới, trong không gian mạng hay vũ trụ, Ấn Độ đều có năng lực trong mọi phạm vi, cũng đủ mạnh để chiến thắng những kẻ nào tìm cách đối đầu với đất nước chúng ta”.

Khi đề cập đến vấn đề Jammu và Kashmir, ông Narendra Modi nói: “Chúng ta phải có các nỗ lực cho sự tiến triển của vấn đề Jammu và Kashmir. Lên án và xỉ vả không thể giải quyết được vấn đề Kashmir, mở rộng vòng tay với người Kashmir mới có thể giải quyết vấn đề”.

Những phát biểu trên của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi diễn ra trong bối cảnh tranh chấp một khu vực quan trọng chiến lược giữa Bắc Kinh và New Delhi đã bước vào tháng thứ hai, với hàng trăm binh sĩ đang mặt đối mặt ở khu vực biên giới.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm gần HQ-17 Trung Quốc. Ảnh: Ifeng.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm gần HQ-17 Trung Quốc. Ảnh: Ifeng.

Trước đây, Ấn Độ đều tận dụng cơ hội ngày độc lập để tổ chức hội nghị biên phòng Trung - Ấn ở khu vực Ladakh. Nhưng báo chí Ấn Độ cho hay quân đội Trung Quốc đã không phản hồi với lời mời của Ấn Độ.

Để đối phó với nhiều động thái triển khai quân sự của Trung Quốc, Ấn Độ cũng tích cực triển khai lực lượng quân sự ở khu vực biên giới, trong đó đã triển khai rất nhiều máy bay chiến đấu tiên tiến như Su-30MKI.