Tàu sân bay Trung Quốc "không có cửa thắng" trước quân Nhật, Mỹ

VietTimes -- Bất kể là tàu sân bay Liêu Ninh hay tàu sân bay nội đang chế tạo ở Đại Liên đều sẽ bị F-35 áp chế ở biển Hoa Đông, không thể tiến ra Thái Bình Dương.
Thử nghiệm máy bay J-15 trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.
Thử nghiệm máy bay J-15 trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc.

Tờ Phượng Hoàng Hồng Kông ngày 28/8 cho hay chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35A đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản đã bay lần đầu tiên thành công ở nhà máy Fort Worth của Công ty Lockherd Martin.

Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản có kế hoạch nhập khẩu 42 máy bay chiến đấu F-35A, 4 chiếc do Công ty Lockheed Martin Mỹ sản xuất, 38 chiếc còn lại do nhà máy của Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi ở Aichi Nhật Bản tiến hành sản xuất.

Máy bay chiến đấu F-35 phiên bản tự sản xuất hiện đã bắt đầu được sản xuất, chiếc đầu tiên loại này sẽ bắt đầu hoàn thành vào năm 2017. F-35 khi đó đã có khả năng tác chiến ban đầu, có thể bắn tên lửa đối không AIM-120 để tiến hành không chiến. Trong tương lai sẽ có khả năng tấn công chính xác đối đất, đối hải hoàn chỉnh.

F-35 là máy bay chiến đấu chủ lực tương lai của Quân đội Mỹ và quân đội các nước đồng minh, được phát triển từ chương trình máy bay chiến đấu tấn công liên hợp JSF.

Trung tuần tháng 8/2016, chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản được chế tạo xong. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.
Trung tuần tháng 8/2016, chiếc máy bay chiến đấu tàng hình F-35 đầu tiên của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản được chế tạo xong. Ảnh: Tin tức Tham khảo, Trung Quốc.

Vị thế của F-35 tương đương với máy bay chiến đấu F-16 hiện nay và F-5 trước kia, thuộc máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm thông dụng với ba phiên bản dùng cho cả không quân (F-35A), thủy quân lục chiến (F-35B) và hải quân (F-35C).

Hiện nay, đã có 11 nước đồng minh đặt mua loại máy bay này. So với các máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như F-22 và J-20, máy bay F-35 hoàn toàn không nổi bật về tính năng không chiến. Nhưng, nó có ưu thế tác chiến hơn hẳn so với bất cứ máy bay chiến đấu nào thế hệ 4+.

Ưu thế này không phải ở thiết bị điện tử hàng không tiên tiến, cũng không phải ở hệ thống hoàn chỉnh, càng không phải do có kinh nghiệm chiến đấu thực tế hay không. Ưu thế thực sự của F-35 là tính tiên tiến của kết cấu thân máy bay.

Giả thiết trong trường hợp hệ thống chi viện và khả năng nhận biết độc lập (khả năng dò tìm hồng ngoại và radar) ngang nhau, F-35 chỉ dựa vào ưu thế của khả năng tàng hình chính diện là có thể dẫn trước đối thủ ít nhất gấp đôi cự ly phát hiện và ngắm bắn, ung dung tiến hành cơ động chiếm vị trí và phóng tên lửa.

Máy bay chiến đấu F-35B Mỹ (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu F-35B Mỹ (ảnh tư liệu)

Khi đối mặt với tên lửa tấn công, đối thủ chỉ có thể tiến hành 2 việc: Bất chấp mạng sống của mình tiến theo hướng tấn công, nhưng sẵn sàng trước khi bị bắn trúng có thể phát hiện F-35 ở cự ly gần hoặc tiến hành cơ động phòng thủ, vứt bỏ tất cả đạn dược treo ngoài, thoát ra ngoài phạm vi sát thương của tên lửa AIM120.

Giả thiết nêu trên chỉ là trạng thái lý tưởng, lực lượng trên không cùng kỳ có thể sở hữu hệ thống chi viện chiến trường mạnh như Quân đội Mỹ cơ bản không tìm thấy trên thế giới. Trong khi đó trình độ điện tử hàng không của máy bay chiến đấu chủ lực hiện có của các nước cũng không thể sánh ngang với Quân đội Mỹ.

Duy nhất có hy vọng có thể chiếm ưu thế trong cuộc so tài này là J-20, loại máy bay chiến đấu vẫn chưa được Trung Quốc đưa vào hoạt động chính thức.

Nếu lấy biển gần Trung Quốc làm bối cảnh, hai bên đều có máy bay cảnh báo sớm và radar cảnh báo sớm tầm xa mặt đất để loại bỏ lá chắn tàng hình của máy bay chiến đấu tàng hình, dẫn đường cho máy bay chiến đấu của mình đánh chặn đối phương. Nhưng, độ chính xác trong dẫn đường hoàn toàn không đủ để chi viện cho tên lửa tấn công ở cự ly xa.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-35A cất cánh ở căn cứ không quân Eglin, bang Florida, Mỹ. Ảnh: Ibtimes.co.uk
Máy bay chiến đấu tàng hình F-35A cất cánh ở căn cứ không quân Eglin, bang Florida, Mỹ. Ảnh: Ibtimes.co.uk

Cần có máy bay chiến đấu sử dụng bộ cảm biến của bản thân tiến hành tranh chấp. Đòi hỏi máy bay chiến đấu J-20 phải có tính năng bay và khả năng tàng hình "tốt hơn" F-35, từ đó phóng tên lửa trước F-35. Ưu thế khi đó không còn thuộc về F-35.

Nếu không có sự bảo vệ của J-20 mà đến Thái Bình Dương, F-35 lại có được ưu thế. Độc lập dựa vào tàu Aegis thì không thể ngăn chặn được F-35. Bất kể là tàu khu trục Arleigh Burke của Mỹ hay tàu khu trục Type 052D của Trung Quốc đều sẽ đối mặt với hạn chế tỷ lệ cong của Trái đất.

Máy bay chiến đấu F-35 bay siêu thấp có thể khẩn cấp vọt lên bắn tên lửa chống hạm, sau đó lại quay lại đường chân trời. Sử dụng radar của tàu Aegis để quan sát còn xa hơn nữa, cũng không thể phát hiện được máy bay chiến đấu ở khu vực "mù" trong tầm nhìn, chỉ có thể tiêu hao đạn dược để đối kháng với từng đợt tên lửa chống hạm, cuối cùng sẽ không còn viên đạn nào.

Đối mặt với chiến thuật như vậy của F-35, các đơn vị trên mặt đất/mặt biển phải dựa vào máy bay cảnh báo sớm để hỗ trợ.

Phương thức tác chiến tương tự như tư duy thiết kế tên lửa phòng không SM-6 của Quân đội Mỹ: Dưới sự dẫn đường của máy bay cảnh báo sớm, phóng tới khu vực mục tiêu ở đường chân trời, sau đó dựa vào tên lửa để tấn công mục tiêu. Mất đi sự hỗ trợ của máy bay cảnh báo sớm thì hoàn toàn rơi vào tình cảnh khó khăn bị tấn công một cách bị động.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc. Ảnh: Sina

Tàu Aegis không thể dựa vào, máy bay trên tàu chiến cũng bị đơn phương áp chế, F-35 đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tác chiến liên hợp của Mỹ và Nhật Bản.

Trong khi đó, đối với hạm đội Trung Quốc muốn chọc thủng chuỗi đảo thứ hai, trong tình hình cách xa lãnh thổ, lực lượng đường không mặt đất bắt đầu ngoài tầm tay với và khó mà cung cấp chi viện trong mọi điều kiện thời tiết. F-35 Nhật Bản hoàn toàn ở trong môi trường có ưu thế tác chiến tại sân nhà.

Trong 10 năm tới, bất kể là máy bay chiến đấu tàng hình trên tàu chiến hay máy bay cảnh báo sớm trên tàu chiến đều khó có thể xuất hiện trên tàu sân bay Trung Quốc.

Hiện nay, Trung Quốc vừa không có máy bay thử nghiệm công nghệ loại này đang bay thử (J-20 là chương trình không quân, phiên bản hải quân còn xa vời, FC-31 là chương trình xuất khẩu), cũng không có dấu hiệu huấn luyện thích ứng mặt đất và lắp ráp máy phóng.

Vì vậy, Hải quân Trung Quốc vẫn cần sự yểm trợ của lực lượng đường không mặt đất mới có thể bảo đảm an toàn. Bất kể là tàu sân bay Liêu Ninh hay tàu sân bay nội đang chế tạo ở Đại Liên đều sẽ bị F-35 áp chế ở biển Hoa Đông, không thể tiến ra Thái Bình Dương.

Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Tờ Phượng Hoàng cuối cùng bày tỏ hy vọng nói rằng Trung Quốc có thể sớm sở hữu biên đội tàu sân bay hạng nặng có sức chiến đấu hoàn chỉnh, thực hiện con đường hải quân tầm xa.