Tăng viện phí: Câu chuyện lý thuyết và thực tế

Từ ngày 1/3, giá của 1.887 dịch vụ được điều chỉnh tăng. Động thái này tuy không quá bất ngờ do việc tăng viện phí nằm trong lộ trình tính đủ các yếu tố giá dịch vụ y tế. Tuy nhiên, người dân vẫn còn nhiều băn khoăn trong việc thực hiện các quyền lợi chính đáng.
Tăng viện phí: Câu chuyện lý thuyết và thực tế

Trong lần tăng viện phí lần này, giá của 1.887 dịch vụ thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo hướng tăng do tính thêm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù vào cơ cấu giá. Do viện phí tăng chủ yếu liên quan đến phần bảo hiểm y tế chi trả nên về nguyên tắc, động thái này không ảnh hưởng trực tiếp đến “túi tiền” của người dân có bảo hiểm y tế.

Theo lộ trình của Bộ Y tế, việc tăng viện phí sẽ còn tiếp tục, bởi hiện tại, nếu tính cả đợt tăng lần này, thì viện phí cũng mới chỉ bao gồm 5 trong 7 yếu tố cấu thành giá viện phí. Dự kiến, từ năm 2018 trở đi, giá dịch vụ y tế công lập sẽ được tính đủ các yếu tố chi phí, bao gồm cả chi phí trực tiếp, tiền lương, khấu hao nhà cửa, trang thiết bị, đào tạo, nghiên cứu khoa học...

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, việc tăng viện phí theo lộ trình tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế nhằm hướng tới việc xóa bỏ bao cấp từ Nhà nước trực tiếp cho các bệnh viện. Theo đó, để đảm bảo quyền lợi người dân, thì việc hỗ trợ sẽ thực hiện thông qua chính sách bảo hiểm y tế. Hay nói một cách khác, số tiền ngân sách Nhà nước trợ giá cho các bệnh viện trước đây đang được chuyển dần sang hỗ trợ thông qua bảo hiểm y tế. Cơ chế này cũng có tác dụng khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế, thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân. Trong thời gian qua, diện bao phủ bảo hiểm y tế được mở rộng từ 60,9% năm 2010 lên 75,3% năm 2015. Cùng với việc mở rộng độ bao phủ dân số có bảo hiểm y tế, mức đồng chi trả đã được điều chỉnh giảm đối với một số nhóm. Theo Bộ Y tế, tính trung bình, một người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám chữa bệnh 2,1 lần/năm 2015 tăng 8,5% so với năm 2010.

Ngoài việc hướng người dân tham gia bảo hiểm y tế, lộ trình tăng viện phí của Bộ Y tế cũng nhắm tới mục đích tạo bình đẳng hơn trong việc cung cấp dịch vụ y tế giữa khu vực Nhà nước và khu vực tư nhân, qua đó thu hút nguồn lực xã hội đầu tư vào y tế.

Tại khu vực y tế công lập, nhiều bệnh viện tuyến trung ương luôn diễn ra tình trạng quá tải thì diễn biến ngược lại lại xảy ra ở nhiều bệnh viện tư nhân. Hiện nay, chưa tới 10% số bệnh viện có tần suất sử dụng giường bệnh đạt 100%, trong khi đó, phần lớn bệnh viện tư nhân có tần suất sử dụng giường bệnh rất thấp, dưới 60%.

Lý do các bệnh viện tư còn bị người dân “lạnh nhạt” là do có sự chênh lệch khá lớn về giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa khu vực tư nhân và khu vực công lập vì các yếu tố cấu thành giá hiện chưa được tính đầy đủ vào giá tại khu vực y tế công lập. Theo đó, để tạo sự bình đẳng hơn giữa khu vực công và và khu vực tư, ngoài lộ trình tăng viện phí tại khu vực y tế công lập thì Bộ Y tế đang thực hiện xếp hạng bệnh viện. Theo đó, hiện tại các bệnh viện tư nhân cũng đã thực hiện khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế và giá dịch vụ y tế sẽ được phân loại theo hạng bệnh viện.

Như vậy, có thể thấy rằng, việc tăng viện phí theo hướng tính đủ các yếu tố cấu thành giá, về mặt lý thuyết có thể coi là một mũi tên bắn trúng 2 mục tiêu: vừa tạo cơ chế khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế vừa mở rộng cánh cửa thu hút vốn từ xã hội đầu tư vào y tế.

Tuy nhiên, trên thực tế, hiện tại người dân vẫn còn nhiều băn khoăn, trong đó, việc thực thi các chính sách bảo hiểm y tế, các thủ tục khi khám chữa bệnh, các quyền lợi chính đáng cho người dân có bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh... vẫn là những nỗi lo không nhỏ trong quần chúng nhân dân.

Theo Đầu tư