Tân Chủ tịch LienVietPostBank: Tham vọng Ví Việt và “ngân hàng không chi nhánh“

VietTimes -- Nếu nói chủ tịch một ngân hàng là người giàu hay tài thì chuyện chả có gì lạ, nhưng tân chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng cuốn hút người khác chính ở nguồn năng lượng luôn hừng hực như núi lửa phun trào và những ý tưởng tỷ đô khá dị hay tham vọng nghe có vẻ kỳ quặc như xây dựng một ngân hàng không chi nhánh…
Ông Nguyễn Đình Thắng
Ông Nguyễn Đình Thắng

Không đi tiên phong đừng mong giàu

Người ta bảo “giàu tham việc” cấm có sai, câu này vận vào có vẻ lại càng đúng với ông Thắng “Hồng Cơ”. Trước khi được bầu làm chủ tịch HĐQT LienVietPostBank, ông Thắng vẫn cùng lúc nắm giữ ghế chủ chốt tại 14 doanh nghiệp và đơn vị khác.

Khá choáng khi biết ông đang đảm đương hàng loạt chức vụ như Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Công nghệ Hồng Cơ – nơi ông bắt tay gây dựng thương hiệu riêng của cá nhân mình; Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Viễn thông Việt Nhất (VNCTC); Chủ tịch HĐQTV Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Đan Phong; Thành viên HĐQT CTCP Tập đoàn Liên Việt; Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Trường Thọ; Phó Chủ tịch HĐQT CTCP HQT Việt Nam; Chủ tịch CTCP Nông nghiệp Xanh 3 LỢI; Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Công nghiệp Vinh; Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Vùng đất mới; Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội phần mềm Việt Nam…

Hỏi ông lấy đâu thời gian xử lý từng ấy công việc khi phải phân thân nhiều vai như vậy, ông cười hề hề bảo một ngày mình chỉ ngủ khoảng 4 tiếng thôi, còn lại là công việc và…làm thơ.

Ấy vậy nhưng chớ lầm tưởng tân chủ tịch LienVietPostBank có tâm hồn văn chương nên là người mơ mộng, lãng đãng. Vốn là dân công nghệ gộc, có thâm niên cả chục năm làm trưởng phòng của hãng IBM Việt Nam từ những năm 1980 nên ông Thắng xử lý công việc ào ào theo cách lính tráng ở nhà băng gọi đùa là “siêu máy tính”. Nhân viên dưới quyền ngán ra mặt khi làm việc với ông Thắng vì khi vào việc làm đến đầu đến đũa, cho kỳ xong mới thôi, bất kể giờ giấc, mà là phải xong đẹp chứ không lơ tơ mơ với ông được. Ông Thắng có thói quen toàn check mail, trả lời rồi chỉ đạo công việc ban đêm. Những lúc có việc gấp, không ít nhân viên bị dựng dậy lúc nửa đêm về sáng, có khi xong dự án rồi lăn ra ốm.

Thương lính và cũng để cho nhanh, thành ra chuyện “huấn luyện viên nhảy vào đá như cầu thủ” xảy ra như cơm bữa. Ông Thắng chia sẻ: “Khoảng 500 văn bản mang tính pháp quy của LienVietPostBank đều qua tay tôi cả đấy. Không ai hiểu việc hơn  mình mà chuyện quy định, luật lệ nó tỉ mẩn, công phu, phức tạp lắm. Không kỹ lưỡng, cẩn thận là không xong”.

Đại gia thực sự đáng mặt ở Việt Nam cũng có nhiều loại, nhưng ngẫm kỹ chả ai bỗng dưng một ngày đẹp giờ trở nên giàu có một cách ngẫu nhiên hay của nả từ trên trời tự rơi xuống nhà họ cả. Sau khi Forbes công bố danh sách 4 tỷ phú Việt Nam 2018, có ý kiến cho là số tỷ phú đô la trên thực tế ở Việt Nam chắc chắn phải nhiều hơn con số đó, bởi không hiếm những người giàu ngầm không đong đếm được, thậm chí có cả người giàu “lộ thiên” trên sàn chứng khoán nhưng cạy cục năn nỉ mãi mà Forbes cũng chả chịu “duyệt” vào danh sách tỷ phú của họ. Xin miễn bàn chuyện ấy vì nó khá tế nhị, song dân tình cũng cảm thấy có nét mới vì mặc dù chưa có các tỷ phú trong lĩnh vực công nghệ, nhưng nhà giàu Việt hiện nay không chỉ còn là tỷ phú bất động sản mà bắt đầu đã chớm sang giai đoạn xuất hiện những tỷ phú đi lên từ khu vực sản xuất, chế tạo và dịch vụ…

Bao giờ Việt Nam mới có tỷ phú đô la trong lĩnh vực công nghệ như Bill Gates, Mark Zuckerberg, Jeff Bezos, Elon Musk hay Jack Ma? Vị “thuyền trưởng” mới của LienVietPostBank say sưa kể về những “ý tưởng tỷ đô” mà ông đang ấp ủ cùng với các cộng sự trẻ ở Silicon Valey và Singapore. Ông bảo: “Ông biết không, cha đẻ của thuyết IOT (Internet vạn vật) đã đúc kết rồi. Tôi đọc cả cuốn sách dày của ông ấy để rút ra rằng IOT có 5 lớp: Things (Vạn vật), Connect (Kết nối), Collect (thu nạp), Learn (Học hỏi)  và Do (Hành động). Sau đó cứ quẳng sách đi và thực hành thôi. Giàu hay không trước hết phải có ý tưởng khác biệt và khả năng biến ý tưởng ấy thành tiền. Nếu anh không có ý tưởng khác người, kể cả hơi điên rồ một chút và dám làm những việc kẻ khác không dám, không đi trước thiên hạ, không làm điều chưa ai làm thì đừng bao giờ mong giàu”.

Tham vọng “Ngân hàng không chi nhánh”

Ít ai biết ông Thắng khởi nghiệp với vốn liếng ban đầu chỉ vỏn vẹn 1.000 USD. Chính start-up này đã tạo dựng tên tuổi Thắng "Hồng Cơ”. Ông Thắng từng được đánh giá là chuyên gia phần mềm có số có má tại Việt Nam một thời và công ty Hồng Cơ xuất hiện cùng thời với FPT của ông Trương Gia Bình. Hai người là chỗ bạn bè và đều là những “soái ca” trong lĩnh vực tin học phần mềm.

Ông Thắng trong một buổi giới thiệu ứng dụng Ví Việt
Ông Thắng trong một buổi giới thiệu ứng dụng Ví Việt

Đang ngon lành ở mảng công nghệ thông tin, đùng cái ông Thắng lại gây bất ngờ khi gia nhập LienVietPostBank vào năm 2008.  Ông kể: “Lúc đó tiền kiếm cũng đủ giàu rồi nên mấy anh em muốn thử lĩnh vực mới. Các sáng lập viên bọn tôi như anh Minh (Dương Công Minh – Him Lam), Nguyễn Đức Hưởng (vừa nghỉ chủ tịch LienVietPostBank vì lý do sức khỏe)…ngồi họp lại với nhau. Anh Minh bảo ông nào đồng ý mỗi năm bớt lãi lờ đi, dành một khoản để làm việc thiện thì ở lại. Không thì xin mời đi ra…”.

Vốn là dân công nghệ lại ăm ắp ý tưởng nên ông Thắng đề xuất và trực tiếp “lĩnh ấn tiên phong” xây dựng và phát triển ứng dụng Ví Việt – sản phẩm thanh toán online mang tính đột phá của Liên Việt, với tham vọng xây dựng cơ sở cho ngân hàng số trong tương lai.

Ông Thắng hào hứng mở ngay Ví Việt khoe với tôi bí quyết làm cho App này chỉ trong một thời gian ngắn đã phát triển lên tới 2,1 triệu tài khoản và mỗi ngày lại có hàng ngàn đăng ký mới. Ứng dụng này rất thành công nhờ đi tiên phong và xây dựng được một hệ sinh thái hấp dẫn xoay quanh và theo cha đẻ của nó tiết lộ, cứ một thời gian đội ngũ phát triển lại thêm nhiều tiện ích mới để người dùng không thể cưỡng lại. Ông cười: “Hãy hình dung một nhà hàng xuất hiện trên này, thông tin sẽ được đồng thời gửi tới hàng triệu khách hàng cùng lúc, chưa kể các giá trị gia tăng kèm theo cũng như các thông tin hữu ích như tư vấn cho họ. Trước kia, lúc mới khai sinh chúng tôi phải cất công mời chào họ tham gia, giờ thì đảo chiều ngược lại rồi”.

Được biết, nhóm công nghệ của ông Thắng vừa vượt qua nhiều đối thủ mạnh để ẵm giải thưởng ở Trung Quốc và đang hợp tác với đối tác Nhật để phát triển sản phẩm mới. Mặc dù vậy, ông thừa nhận cảm thấy choáng khi tới trụ sở WeChat ở Trung Quốc, chứng kiến hàng ngàn nhân viên chỉ ngồi một chỗ nhưng thao tác, xử lý tất cả mọi việc trên khắp đất nước rộng lớn thông qua công nghệ. “Họ chẳng cần có chi nhánh nào cả mà công việc chạy băng băng. Cứ xem một bà nông dân Trung Quốc cũng dùng điện thoại di động để mua bán trên mạng là đủ biết tương lai ngân hàng sẽ thế nào. Sắp tới không dùng tiền mặt thì thẻ ATM cũng trở nên vô dụng như những bốt điện thoại công cộng ngày trước mà thôi”, ông Thắng chia sẻ.

Thế nên, viễn cảnh một nhà băng như LienVietPostBank vốn rất tự hào với sự phát triển thần tốc và mạng lưới chi nhánh rộng khắp trên toàn quốc với hệ thống bưu điện đầy quyền uy một thời, sắp tới lại có thể sẽ không tồn tại các chi nhánh nữa nghe có vẻ kỳ quặc và khó tin. Nhưng ông Thắng “Hồng Cơ” tin rằng ngày ấy có lẽ không còn xa nữa vì thực tế đã và đang diễn ra một cuộc đua xây dựng ngân hàng số trong giới nhà băng Việt. Người Liên Việt rõ ràng đặt niềm tin ở vận của ông sẽ tiếp tục “hồng” vì ông đủ tri thức, sự khôn ngoan và cả bản lĩnh để nắm được “cơ” dù thế sự cứ liên tục xoay vần, lắm cái hôm qua vẫn đúng nay áp dụng lại có thể trở thành sai…

Ông Thắng tâm sự dù bận trăm công ngàn việc nhưng vẫn dứt khoát không bỏ cái nghiệp giáo dục. Ông bảo: “Ông nội tôi là quan Đốc học xứ Thanh thời xưa. Cụ từng viết chung mấy cuốn từ điển với học giả Đào Duy Anh đấy. Tôi được như ngày nay là nhờ thừa hưởng gien học của gia đình nên mình muốn dốc nhiều tâm sức vào đấy”.

Tân Chủ tịch LienVietPostBank Nguyễn Đình Thắng sinh ngày 02/11/1957 tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đây chính là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi phát tích các đời chúa Trịnh. Ông Thắng tốt nghiệp cử nhân Kinh tế, ngành Xử lý thông tin kinh tế bằng máy tính điện tử trường Đại học Kinh tế Quốc dân năm 1979. Ông được giữ lại làm giảng viên Đại học Kinh tế Kế hoạch tại trường này. Sau đó, ông Thắng xung phong đi bộ đội và từng trải qua quân ngũ từ 1980 đến 1983, là hạ sĩ quan Sư đoàn 354, trợ lý kế hoạch, phòng tham mưu binh đoàn 600-QK7.