Tại sao Biển Đông cần sự hiện diện của hải quân Nhật Bản?

VietTimes -- Không lâu sau phán quyết của Tòa án trọng tài thường trực quốc tế La Hay, bộ trưởng Bộ quốc phòng Trung Quốc Thượng Vạn Toàn kêu gọi sẵn sàng cho một cuộc chiến tranh trên Biển Đông. 
Tàu ngầm và khu trục hạm Nhật Bản thăm Philipines
Tàu ngầm và khu trục hạm Nhật Bản thăm Philipines

Đây là thách thức mới mà Mỹ và đồng minh, đối tác phải có hành động nhằm đảm bảo an ninh, tự do hàng hải khu vực.

25 năm sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Lực lượng phòng vệ Hải quân Nhật Bản (Maritime Self-Defense Force - JMSDF) vẫn là một lực lượng hải quân thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Giáo sư  James Holmes của Đại học Hải quân Mỹ cho rằng lực lượng JMSDF được xây dựng, tổ chức và biên chế để lấp khoảng trống cụ thể trong mối quan hệ liên minh quân sự với Mỹ trong cuộc chiến chống lại các nguy cơ đe dọa bắt nguồn từ Liên Xô.

Chính vì vậy, hải quân Nhật Bản có những kỹ năng chiến thuật đặc biệt thành thạo trong chiến tranh chống ngầm và rà phá mìn đáy biển, thủy lôi. Nhưng đã đến thời điểm lực lượng phòng vệ Hải quân Nhật Bản (JMSDF) phải tự thay đổi nhận thức về mục đích, yêu cầu và sứ mệnh mới, hoàn thành vai trò đảm bảo an ninh trong khu vực và trên thế giới tương tự như các đồng minh của Mỹ.

Mục đích và yêu cầu của JMSDF trong liên minh với Mỹ phải phù hợp như tư tưởng chính trị trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản là "Chủ động đóng góp cho hòa bình".

Trong thế kỷ 21, những điều kiện an ninh chính trị trên thế giới đã có những thay đổi lớn, cách tiếp cận an ninh thực tế nhất cho Phòng vệ hải quân Nhật Bản liên quan nhiều đến các "sứ mệnh quân sự phi chiến đấu" (NCMO), điển hình là các hoạt động hỗ trợ nhân đạo / cứu trợ thiên tai và chống hải tặc trên các vùng nước ở Châu Á Thái Bình Dương, phối kết hợp chặt chẽ với Hải quân Mỹ.

Khu vực hoạt động mới: Biển Đông

Sĩ quan Hải quân Nhật Bản tuyên bố sẽ triển khai chiến hạm tuần tiễu Biển Đông

Hải quân Mỹ và Lực lượng phòng vệ Hải quân Nhật Bản (JMSDF) thực tế đang đứng trên tuyến đầu đối mặt với nhưng thách thức an ninh hàng hải ngày càng tăng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Trung Quốc gia tăng mạnh mẽ chi tiêu quân sự, phát triển và đưa vào thực tế học thuyết chống xâm nhập / ngăn chặn tiếp cận 2A/AD, hình thành một khu vực an ninh của riêng mình nhằm ngăn chặn lực lượng Hải quân Mỹ có thể thâm nhập vào vùng biển gần theo quan điểm tự đặt ra của Bắc Kinh. Khái niệm “vùng biển chủ quyền lịch sử” đã trở thành mối đe dọa đối với các nước láng giềng ven biển Hoa Đông (ECS) và Biển Đông.

Biển Đông phục vụ như khu vực tập kết lớn cho việc triển khai sức mạnh hải quân của Trung Quốc vào vùng nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Khi vị thế chủ động chiến lược của Trung Quốc trong vùng biển này được khẳng định, Bắc Kinh có thể hành động quả quyết, mạnh mẽ hơn trên hai đại dương.

Tư duy chiến lược của Bắc Kinh đặt ra một câu hỏi cơ bản: Khi Trung Quốc sử dụng sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế đang phát triển hướng vào mục đích đòi hỏi lợi ích phi pháp của quốc gia, bỏ qua các chuẩn mực quốc tế, điều gì sẽ xảy ra với an ninh khu vực Tây Thái Bình Dương, liệu Bắc Kinh có đặt ra những yêu cầu mới cho các quốc gia liên quan đến Biển Đông, biển Hoa Đông về vấn đề tự do không phận và hàng hải?

Yêu sách đòi hỏi "chủ quyền" phi pháp của Trung Quốc

Những vấn đề mà Trung Quốc đã tiến hành trên Biển Đông - bồi đắp các đảo nhân tạo và bác bỏ phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế, khăng khăng tuyên bố cái gọi là “chủ quyền lịch sử” đối với hầu hết Biển Đông là một thách thức lớn với các hoạt động tự do hàng hải dựa trên các quy tắc và chuẩn mực quốc tế.

Trung Quốc, tất nhiên, luôn tuyên truyền lấy được rằng những ý định và hành động của họ là "hòa bình và mang tính xây dựng" dù bản chất và thực tế hoàn toàn ngược lại.

Thủ tướng  Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đưa ra một đề nghị có năm gạch đầu dòng nhằm duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Trung Quốc lần thứ XVIII tại Malaysia vào tháng 05. 2015.

Điểm thú vị là đề nghị này tuyên bố một cách rõ ràng rằng các quốc gia bên ngoài khu vực (ví dụ, Mỹ) phải cam kết tôn trọng và ủng hộ những nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm mục đích duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông (có nghĩa là ủng hộ những gì Trung Quốc đạt với các nước láng giềng bằng những biện pháp nào đó).

Cũng tại hội nghị thượng đỉnh này, Mỹ và Nhật Bản thực sự đưa ra các quan ngại về Biển Đông, các tuyến đường vận chuyển thương mại quốc tế có trị giá đến 5000 tỷ USD sẽ được bảo vệ theo chế định nào, các các mỏ dầu và khí đốt dưới dưới đáy biển có thể được khai thác sử dụng theo nguyên tắc hay quy chuẩn pháp lý quốc tế nào? Đặc biệt, Washington và Tokyo đều đưa ra những nhận định về các mối đe dọa tự do hàng hải mà Trung Quốc có thể đặt ra bằng các hành động của mình.

Các nước trong khu vực không muốn có một láng giềng lớn hung hăng và quyết liệt như Trung Quốc đặc biệt khi Bắc Kinh nhất quyết theo đuổi những lợi ích riêng bất chấp những tuyên bố chủ quyền của các quốc gia liên quan.

Những nước láng giềng của Trung Quốc ở Biển Đông phản ứng ngày càng cứng rắn với những gì Bắc Kinh đang thực hiện, tiến hành những hoạt động chuẩn bị nhằm bảo vệ những tuyên bố đòi hỏi chủ quyền, duy trì những quy định hiện hành về những hoạt động trên biển lớn, bao gồm quyền tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế.

Một số nhà phê bình từ Hoa lục và một số quốc gia khác cho rằng: Mỹ và Nhật Bản phải đứng ngoài các tranh chấp, không can thiệp vào những vấn đề khu vực này, như "quốc gia bên ngoài" đối với Biển Đông.

Nhưng Mỹ đã và đang là một phần của sự cân bằng lực lượng trên Thái Bình Dương, đã có trách nhiệm thúc đẩy hòa bình khu vực và sự ổn định trong nhiều thập kỷ, mối quan hệ liên minh Mỹ-Nhật Bản là trụ cột của sự ổn định trên toàn bộ khu vực.

Với vị thế là đồng minh của sự cân bằng lực lượng trên Thái Bình Dường, JMSDF cần phải đóng một vai trò lớn hơn cùng các đồng minh Mỹ trong khu vực châu Á. Là một cường quốc khu vực, Nhật Bản cần tìm kiếm các giải pháp sáng tạo nhằm đối phó với những thách thức mà Mỹ và các quốc gia đồng minh, đối tác đang phải đối mặt trên Biển Đông.

Lực lượng phòng vệ hải quân Nhật Bản -  JMSDF cần phải nghiên cứu gánh vác những sứ mệnh nặng nề mà Tokyo chuẩn bị đảm nhận nhằm duy trì trật tự quốc tế và hòa bình ổn định khu vực, vì đó chính là lợi ích sống còn của Nhật Bản.

Những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Mỹ, bao gồm cả Tổng thống Obama cần được hiểu một cách nghiêm túc, Mỹ không có trách nhiệm làm cảnh sát của thế giới, do đó để đảm báo công lý được thực thi và luật pháp quốc tế được tôn trong, các quốc gia trong khu vực, trong đó có Nhật Bản đều phải có một sứ mệnh chung.

Tầm quan trọng mới của sức mạnh hải quân

Những lời nói và việc làm của ông Tập Cận Bình cho thấy một sự thực hiển nhiên. Chủ tịch Tập cho rằng Trung Quốc nên chủ động trong mối quan hệ với các quốc gia láng giềng. Thực tế những hành động gần đây cho thấy, PLA đang nỗ lực thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa lực lượng vũ trang, tăng cường sức mạnh hải quân trên biển, liên tục tiến hành các cuôc diễn tập trên các vùng nước tranh chấp. Một sự thật không thể tranh cãi, Bắc Kinh đang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến tranh cục bộ trong điều kiện xã hội thông tin.

Khi Trung Quốc đang trỗi dậy và ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn, Bắc Kinh sẽ muốn thống trị khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tư tưởng "Một vành đai, Một đường" của chủ tịch Tập Cận Bình đã hình thành một học thuyết hải dương mới. Trung Quốc, như một sức mạnh châu lục, đang nỗ lực mở rộng và củng cố ảnh hưởng bằng sức mạnh quân sự và tiềm lực kinh tế trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ảnh hưởng này cho phép Bắc Kinh để chủ động trong việc thiết lập những chính sách đối ngoại và những quy định của riêng mình trong khu vực. Điển hình đơn giản nhất là hải quân Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tể có thể ngăn chặn ngư dân Philipines đánh bắt trong ngư trường truyền thống của họ hoặc ngang nhiên mang ra "đấu thầu quốc tế" quyền khai thác dầu mỏ trên vùng thềm lục địa EEZ của các quốc gia láng giềng.

Những tình huống đã nêu đã, đang và sẽ tiếp tục xảy ra đòi hỏi Mỹ và Nhật Bản phải giải quyết những thách thức trực tiếp mà Trung Quốc gây ra đối với an ninh Biển Đông.

(Còn tiếp)

 TTB