Syria và những vấn đề dang dở

Nếu cuộc đàm phán hòa bình Syria lần thứ nhất đã giải quyết vấn đề nguyên tắc đàm phán, thì cuộc hòa đàm thứ hai dự kiến diễn ra ngày 9/4 tới tại Geneva (Thụy Sĩ) tập trung thảo luận quá trình chuyển tiếp chính trị. 
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura (trái) gặp Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini (phải) ngày 23/3 tại Geneva. Ảnh:AFP/TTXVN
Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura (trái) gặp Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini (phải) ngày 23/3 tại Geneva. Ảnh:AFP/TTXVN

Nói cách khác, các bên sẽ cùng bàn thảo quy chế nhà nước cũng như thành phần chính phủ mới. Trong khi hai vấn đề trên đều đang vấp phải những bất đồng trước thềm đàm phán, câu hỏi gai góc nhất vẫn là số phận của Tổng thống Bashar al-Assad trong chính quyền mới.

Kết thúc vòng đàm phán thứ nhất hôm 24/3, các bên đã thông qua một văn kiện 12 điểm được Đặc phái viên Liên hợp quốc về Syria Staffan de Mistura đề xuất, trong đó xác định những nguyên tắc chỉ đạo các cuộc đàm phán. Ông Mistura cho biết hai bên tham gia đàm phán của Syria đã không từ chối văn kiện mà ông soạn thảo, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng vòng đàm phán sắp tới sẽ bắt đầu tập trung vào tiến trình chính trị. Như vậy, các bên tham gia đàm phán sẽ cùng bàn thảo để đi đến nhất trí về quy chế nhà nước (liên bang hóa hay không) và về việc chính phủ mới sẽ là chính phủ đoàn kết dân tộc (có ông al-Assad) hay là chính phủ lâm thời chuyển tiếp (loại trừ ông al-Assad).

Những vấn đề gai góc

Việc thành lập một cơ quan hành pháp tối cao dẫn dắt Syria trước khi tiến hành các cuộc bầu cử, mà Liên hợp quốc dự kiến diễn ra trong vòng 18 tháng nữa, là một trong những mâu thuẫn then chốt giữa hai phía. Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Nga RIA gần đây, Tổng thống al-Assad nhận định các bên có thể đi đến thống nhất về việc xây dựng một chính quyền mới gồm các nhân vật từ phe đối lập, các chính trị gia độc lập và trung thành với chính quyền Damascus hiện nay. Tất nhiên, các vị trí cụ thể và nhiều vấn đề liên quan sẽ được đưa ra bàn thảo trong hội nghị hòa bình ở Geneva sắp tới, nhưng ông cho rằng “đây không phải là những câu hỏi khó”. Trong khi đó, Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện cho liên minh gồm nhiều nhóm đối lập ở Syria - khẳng định chỉ có thể đạt được giải pháp chính trị bằng cách thành lập một chính quyền lâm thời chuyển tiếp với đầy đủ chức năng và quyền lực, chứ không phải một chính quyền khác dưới trướng al-Assad. 

Tương lai của Tổng thống al-Assad đang là rào cản lớn khiến cuộc hòa đàm Syria sắp tới khó đạt đột phá. Đây cũng từng là nguyên nhân chính dẫn tới sự thất bại của những vòng đàm phán do LHQ chủ trì năm 2012 và 2014. Dù Mỹ và Nga gần đây đã nhất trí quan điểm rằng tương lai của Tổng thống al-Assad không nên được đưa ra thảo luận vào thời điểm hiện nay, nhưng dường như mọi chủ đề bàn thảo sắp tới sẽ đều xoay quanh câu hỏi hóc búa đó.

Thực tế là nếu trước đây Mỹ coi việc lật đổ chế độ al-Assad là ưu tiên số một khi can thiệp vào Syria, thì trong những tháng gần đây, đặc biệt kể từ sau khi đạt thỏa thuận ngừng bắn ngày 27/2, Mỹ đã không đề cập nhiều đến việc tương lai của Syria có gắn với ông al-Assad hay không. Giới chuyên gia nhận định các nhà lãnh đạo phương Tây đã thay đổi thái độ, không còn khăng khăng đòi tổng thong Syria đương nhiệm phải từ chức, là do sự trỗi dậy của tổ chức cực đoan “Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. Trên thực tế, ưu thế đang thuộc về Tổng thống al-Assad sau khi quân đội Damascus giành lại quyền kiểm soát thành phố cổ Palmyra từ tay IS với sự hậu thuẫn của máy bay Nga và lực lượng đặc biệt trên bộ. Sẽ không ngạc nhiên nếu chính phủ Syria muốn tận dụng chiến thắng này để nhấn mạnh quan điểm rằng họ là một đối tác không thể thiếu trong cuộc chiến chống IS và củng cố vị thế của mình trong các cuộc đàm phán sắp tới.

Bên cạnh những bất đồng dai dẳng trên, một “ẩn số” khác đã xuất hiện trong quá trình tìm giải pháp cho vấn đề Syria, đó là việc chính phủ Syria đề nghị lùi cuộc đàm phán cho tới sau khi nước này tiến hành bầu cử quốc hội mà ông al-Assad đã ấn định vào ngày 13/4 tới. Trưởng đoàn đàm phán Syria khẳng định phái đoàn Syria sẽ không sẵn sàng tham gia đàm phán trước tổng tuyển cử. Kết quả cuộc bỏ phiếu tới (nếu diễn ra trước cuộc đàm phán) chắc chắn sẽ tạo ra những nhân tố làm ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc thương lượng ở Geneva. Chính phủ của ông al-Assad dường như đang cố tìm thêm sự ủng hộ “hợp pháp” cho mình trước khi ngồi vào bàn đàm phán.

Hướng đi mới

Với sự chia rẽ sắc tộc và phe phái phức tạp hiện nay ở Syria, trước thềm hội nghị tại Geneva, một kịch bản được đề cập nhiều lần là thiết lập một nhà nước Syria liên bang với 3 vùng tự trị, gồm phía Bắc của người Kurd; phía Nam với thủ đô Damascus là của người Alawite, người Cơ đốc giáo, người Druze; và miền Trung của người Sunni. Mỗi bang có nghị viện và chính quyền bang riêng. Đây sẽ là giải pháp không chỉ ảnh hưởng tới một bộ phận mà toàn xã hội Syria, và đang vấp phải sự bất đồng lớn giữa các bên. 

Damascus tuyên bố loại trừ ý tưởng liên bang hóa, đồng thời bác bỏ việc thương thảo trực tiếp với phe đối lập chính về vấn đề này. Mỹ lại cho rằng phân chia Syria có thể là một trong những lựa chọn tốt nhất nếu các giải pháp quân sự, ngoại giao như hiện nay tiếp tục bế tắc. Nga chưa tỏ rõ quan điểm do không muốn đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara phản đối kịch liệt vì theo họ, một bang tự trị của người Kurd ở Syria sẽ khiến cộng đồng người Kurd ở miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ có động lực đòi Ankara cũng phải công nhận quyền tự trị hoặc có xu hướng muốn cùng với người Kurd Syria thành lập một quốc gia riêng của người Kurd. Trong khi đó, Saudi Arabia ủng hộ một khu vực tự trị người Sunni ở Syria, nhưng Iran và Iraq phản đối. Chính quyền Damascus lo ngại một khi Syria được liên bang hóa, Saudi Arabia, Mỹ và phương Tây sẽ hậu thuẫn cho khu vực tự trị của người Sunni, khiến Damascus không thể kiểm soát được khu vực này nữa.

Về lý thuyết, việc “vẽ lại bản đồ” Syria là hoàn toàn khả thi bởi 3 khu vực trên có sự khác biệt tương đối về mặt dân tộc và địa lý. Trong lịch sử, Syria cũng đã từng trải qua những giai đoạn phân chia tương tự vào những năm 1920, khi Pháp chia Syria thành nhiều khu vực với quyền tự trị riêng cho vùng Damascus, vùng Aleppo, khu tự trị cho người Alawite và khu tự trị cho người Druze. Tuy nhiên, tại một nơi bất ổn như Trung Đông, việc Syria bị chia nhỏ cũng không đảm bảo được rằng các khu vực mới này sẽ ổn định, giống như ở Yemen hay Libya, khi các bang tiếp tục ở trong tình trạng bị lôi kéo vào cuộc cạnh tranh địa chiến lược mới giữa các cường quốc (Nga-Mỹ) và các quốc gia tầm trung trong khu vực (Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Saudi Arabia).

Syria sẽ đi về đâu, số phận Tổng thống al-Assad sẽ thế nào, bao giờ sẽ khép lại những hồ sơ dang dở… tất cả những câu hỏi này đều chưa thể có câu trả lời trong một sớm một chiều. Chỉ biết rằng hơn 5 năm xung đột đã cướp đi sinh mạng của hơn 250.000 người và gây ra một cuộc khủng hoảng tị nạn tồi tệ nhất trong lịch sử ở khu vực Trung Đông. Và nếu cuộc chiến này tiếp diễn, chỉ những người dân Syria vô tội là nạn nhân, trong khi đất nước bị san phẳng, gần như không còn tồn tại.

Theo Tin tức