Sự thật: Người nói tiếng Anh bản xứ là những người truyền đạt kém nhất thế giới

 VietTimes -- “Nhiều người bản địa hạnh phúc vì Tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu và họ không phải mất thời gian đi học một ngôn ngữ khác. Nhưng thường thường, khi bạn ở trong một phòng họp chỉ gồm những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau giao tiếp bằng Tiếng Anh và mọi người đều hiểu nhau thì đột nhiên, một người Anh hoặc một người Mỹ bước vào và chẳng ai hiểu họ nói gì.”
Người nói tiếng Anh bản xứ là những người truyền đạt kém nhất thế giới
Người nói tiếng Anh bản xứ là những người truyền đạt kém nhất thế giới

Chỉ một từ trong một email nhưng lại gây ra thiệt hại tài chính lớn cho một công ty đa quốc gia.

Email đó được viết bằng Tiếng Anh và được một người bản địa gửi cho một đồng nghiệp, người chỉ nói Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai.

Khi không rõ nghĩa về một từ, người đó đã tra từ điển và tìm ra hai nghĩa trái ngược với nhau, và anh ta đã chọn nghĩa không phù hợp.

Nhiều tháng sau, quản lý cấp cao điều tra tại sao dự án lại thất bại, tiêu tốn mất hàng trăm nghìn USD. “Tất cả đều bắt nguồn từ một từ này”, bà Chia Suan Chong, một chuyên gia đào tạo kỹ năng truyền thông và liên văn hóa ở Anh, bà không chịu tiết lộ từ này vì nó đi quá chi tiết vào ngành công nghiệp và có thể nhận ra. “Mọi thứ vượt ra khỏi tầm kiểm soát vì cả hai bên đều nghĩ về những điều trái ngược nhau.”

Khi hiểu nhầm như vậy xảy ra, người bản địa thường đổ lỗi cho nhau. Trớ trêu thay, họ đều là những người chẳng lấy gì làm giỏi giang trong việc truyền tải thông điệp hơn những người chỉ sử dụng Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ ba, bà Chong cho hay.

Bà Chong cũng dẫn ra một sự thật rằng “Nhiều người bản địa thấy hạnh phúc vì Tiếng Anh đã trở thành ngôn ngữ toàn cầu và họ không phải mất thời gian đi học một ngôn ngữ khác. Nhưng thường thường, khi bạn ở trong một phòng họp chỉ gồm những người đến từ nhiều quốc gia khác nhau giao tiếp bằng Tiếng Anh và mọi người đều hiểu nhau thì đột nhiên, một người Anh hoặc một người Mỹ bước vào và chẳng ai hiểu họ nói gì.”

Những người không phải người bản địa hóa ra khi nói Tiếng Anh lại có mục đích và nói cẩn thận hơn, đó là đặc điểm của những người nói Tiếng Anh như một ngôn ngữ thứ hai hoặc thứ ba. Mặt khác, người Anh lại nói quá nhanh khiến người khác khó bắt kịp và thường nói đùa, nói từ lóng và nói những điều quá thiên về văn hóa của họ. Khi viết email, họ sử dụng những từ viết tắt khó hiểu như “OOO” thay vì nói rằng họ đang không ở văn phòng.

Bà Song còn nói thêm rằng: “Những người nói tiếng Anh bản địa là người duy nhất cảm thấy không cần thiết phải thích ứng với những người khác.”

Hòa mình với người nghe

Vì có quá nhiều người nói Tiếng Anh trên thế giới  không phải người bản địa nên người Anh cần phải bước vào cuộc chơi.

“Những người bản địa ở trong tình thế bất lợi khi khi bạn ở trong một tình huống mọi người dùng chung một ngôn ngữ”, nơi mà Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ chung của tất cả, bà Jennifer Jenkins, giáo sư về các loại Tiếng Anh trên toàn cầu ở Đại học Southampton ở Anh cho hay. “Người nói tiếng Anh bản địa đang gặp khó khăn trong việc truyền đạt và thấu hiểu người khác.”

Người nước ngoài khi nói tiếng Anh thường sử dụng nhiều từ vựng quen thuộc và những biểu ngữ đơn giản và ít tiếng lóng hay những từ hoa mỹ. Vì thế, họ hiểu nhau ngay lập tức. Ví dụ, những sinh viên quốc tế ở đại học ở Anh rất dễ hiểu nhau khi giao tiếp bằng Tiếng Anh và nhanh chóng thích nghi với việc giúp đỡ các sinh viên khác nói kém trôi chảy hơn trong nhóm.

ETA là gì?

Tiếng mẹ đẻ của ông Michael Blattner ở Zurich là tiếng Đức (Thụy Sĩ) nhưng ông lại giao tiếp chủ yếu bằng Tiếng Anh. Ông hiện là người đứng đầu về đào tạo và đề xuất tại IP Operations tại Tập đoàn bảo hiểm Zurich. Ông nói rằng: “Tôi thường nghe các đồng nghiệp không phải người bản địa nói rằng họ hiểu tôi nói gì hơn là người bản ngữ nói.”

Viết tắt là một trong những vấn đề gây khó khăn.

“Lần đầu tiên khi tôi làm việc trong một môi trường đa quốc gia, ai đó đã nói với tôi rằng “Eta 16h53’ và tôi nghĩ “ETA là cái quái gì vậy”. Thêm vào đó, một vài từ viết tắt trong tiếng Anh-Anh rất khác so với tiếng Anh-Mỹ,” Blattner nói.

Và tiếp đến và văn hóa. Khi một người Anh phản ứng trước một lời đề nghị bằng cách nói “Thật là thú vị đấy” thì người đồng nghiệp người Anh có thể nhận ra đó là lời nói giảm nói tránh của câu “Thật là rác rưởi”, nhưng đồng nghiệp đến từ các nước khác thì lại hiểu đó là một lời khen, Blattner lấy ví dụ.

Những từ ngữ không thông dụng, tốc độ nói và việc lầm bầm cũng là vấn đề, đặc biệt là khi kết nối điện thoại hoặc video kém. “Bạn bắt đầu tách ra và làm việc khác vì bạn chẳng hiểu gì cả”. Trong các cuộc họp, ông Blattner cho rằng: “những người bản địa nói đến 90% thời gian nhưng những người khác cũng cần được nói vì họ cũng được mời đến.”

Dale Coulter, chủ nhiệm ban Tiếng Anh của nhà phân phối các khóa học ngôn ngữ TLC International House ở Baden, Thụy Sĩ, cũng đồng tình rằng: “Người Anh nếu không biết thêm một ngôn ngữ khác thường không biết cách nói Tiếng Anh một cách quốc tế.”

Tại Berlin, ông Coulter nhìn thấy nhân viên người Đức của công ty Fortune 500 được giới thiệu ngắn gọn trên một link video HQ của Carlifornia. Cho dù thạo Tiếng Anh thì người Đức cũng chỉ hiểu ý chính mà giám đốc dự án người Mỹ nói. Do đó những người Đức tự hiểu theo một phiên bản khác, tuy nhiên có thể không phải là những gì mà bên California muốn nói.

“Và rất nhiều thông tin bị nhầm lẫn”, ông Coulter nói.

Càng đơn giản càng tốt

Người bản địa thường bị bỏ lỡ khi chốt thỏa thuận, ông Jean-Paul Nerriere, một người Pháp nguyên là người quản lý marketing quốc tế cao cấp tại IBM.

“Quá nhiều người không phải người Anh, đặc biệt là người châu Á và người Pháp không muốn bị mất thể diện và luôn gật đầu tán thưởng dù chẳng hiểu gì,” ông Nerriere cho  hay. Đó là lí do vì sao ông Nerriere đã nghĩ ra Globish, một hình thức tiếng Anh chỉ gồm 1500 từ và những cấu trúc đơn giản nhưng chuẩn mực. “Đó không phải là ngôn ngữ, đó chỉ là một công cụ”, ông Nerriere phát biểu. Kể từ khi giới thiệu Globish vào năm 2004, ông đã bán được hơn 200 000 cuốn giáo trình này trên 18 ngôn ngữ khác nhau.

“Nếu bạn có thể giao tiếp hiệu quả chỉ với một loại ngôn ngữ đơn giản và ít ỏi, bạn sẽ tiết kiệm được thời gian, tránh được hiểu nhầm và không gặp lỗi trong giao tiếp,” Nerriere nói.

Là một người Anh đã nỗ lực học tiếng Pháp, ông Rob Steggles, giám đốc marketing cao cấp cho Châu Âu tại tập đoàn viễn thông khổng lồ NTT Communications đã đưa ra lời khuyên cho người Anh. Steggles nói rằng: “Bạn cần nói ngắn gọn, rõ ràng, trực tiếp và đơn giản hóa mọi thứ. Nhưng phải biết cách tách biệt giữa việc làm như vậy với việc ra vẻ bề trên. Nó khó như việc đi trên dây vậy,” Steggles bộc bạch.

Cho người khác một cơ hội

Khi cố giao tiếp bằng Tiếng Anh với một nhóm người có khả năng tiếng Anh khác nhau, quan trọng là phải biết đón nhận và thích nghi, lắng nghe mọi cách sử dụng tiếng Anh khác nhau, bà Jenkins khuyên nhủ.

“Những người học các ngôn ngữ khác làm điều này rất dễ, nhưng người nói tiếng Anh bản địa lại chỉ biết mỗi tiếng Anh và không giỏi khi phải bắt sóng với sự đa dạng ngôn ngữ,” bà Jenkins nhận định.

Trong các cuộc họp, người Anh có xu hướng nói với tốc độ họ cho là bình thường và thường nói nhanh để lấp chỗ trống trong khi đối thoại, ông Steggles cho hay.

“Có thể là người nước ngoài đang cố gắng để hình thành câu. Bạn chỉ cần đợi một nhịp và cho họ cơ hội nói hết. Còn không, sau cuộc họp, họ sẽ lại nói “Tất cả những điều này nói về cái gì vậy?” hoặc là họ sẽ bước đi và chẳng có gì xảy ra vì họ chẳng hề hiểu gì.”

Ông Steggles cũng gợi ý nên thử đưa ra quan điểm bằng một vài cách khác nhau và xem xét phản ứng hay hành động sau đó.

Steggles cảnh báo: “Nếu không hòa nhập cùng người nghe, bạn sẽ không biết được rằng liệu họ có hiểu bạn hay không.”