Sơn chống đạn và câu chuyện đổi mới sáng tạo Việt

Sơn nano composite được làm từ vỏ trấu có khả năng chống đạn của tập đoàn sơn Kova tuy không phải mới, nhưng xung quanh sản phẩm sáng tạo này có những câu chuyện thú vị không hẳn ai cũng biết.
Sơn nano composite được làm từ vỏ trấu có khả năng chống đạn của tập đoàn sơn Kova tuy không phải mới, nhưng xung quanh sản phẩm sáng tạo này có những câu chuyện thú vị không hẳn ai cũng biết.
Sơn nano composite được làm từ vỏ trấu có khả năng chống đạn của tập đoàn sơn Kova tuy không phải mới, nhưng xung quanh sản phẩm sáng tạo này có những câu chuyện thú vị không hẳn ai cũng biết.

Sơn nano composite được làm từ vỏ trấu có khả năng chống đạn của tập đoàn sơn Kova tuy không phải mới, nhưng xung quanh sản phẩm sáng tạo này có những câu chuyện thú vị không hẳn ai cũng biết.

Đầu tiên là việc thử đạn để kiểm tra khả năng chống đạn xuyên thủng của áo. Mặc dù sản phẩm được nghiên cứu và chế tạo tại Việt Nam, nhưng việc thử đạn tại trường bắn lại được tiến hành bên Campuchia. Chi tiết này được Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Hòe, chủ tịch Tập đoàn sơn Kova, chia sẻ trong hội thảo “Những điểm sáng đổi mới sáng tạo trước thách thức hội nhập” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) tổ chức chiều ngày 26-4 tại trường Đại học Bách Khoa TPHCM.

Tại sao có chuyện lạ như vậy? PGS. Nguyễn Thị Hòe cho biết lúc đầu bà liên hệ với các cơ quan chức năng nhưng qui trình quá phức tạp và chi phí cho toàn bộ quá trình kiểm tra mất cả chục nghìn đô la Mỹ. “Chúng tôi làm gì có tiền chi. Thế là Kova chuyển hướng sang Campuchia và chỉ mất 2 thùng nước suối để thử đạn ở trường bắn”, PGS. Nguyễn Thị Hòe kể.

Áo chống đạn thông dụng được chế tạo từ 20 – 40 lớp sợi vải Kevlar nên có khối lượng rất nặng. Nhưng nếu bên trong lớp vải Kevlar có những lớp sơn nano đặc biệt thì sẽ giúp tăng độ cứng của lớp vải, giảm số lượng lớp vải sử dụng và do đó sẽ giảm khối lượng đáng kể của áo chống đạn.

Cụ thể, theo PGS. Hòe, việc áp dụng công nghệ sơn nano composite từ vỏ trấu mà Kova phát minh có thể giúp một chiếc áo chống đạn ban đầu từ sợi Kevla nặng 20 kg giảm xuống chỉ còn 5 – 6 kg. "Với ưu điểm đó, phía Mỹ muốn chúng tôi chuyển giao công nghệ cho họ, còn Bộ Quốc phòng thì đề nghị chúng tôi hợp tác cùng sản xuất và bán lại cho Mỹ", vị Chủ tịch Kova chia sẻ.

Vậy Kova sẽ chuyển giao công nghệ hay chỉ bán sản phẩm? Kova đang cân nhắc các yếu tố bởi tập đoàn cần phải cân đối kinh tế để trả lương cho 3.000 nhân viên tại chín nhà máy ở sáu quốc gia khác nhau, PGS. Hòe nói.

Ngoài sơn chống đạn, tại hội thảo, PGS. Nguyễn Thị Hòe còn giới thiệu nhiều sản phẩm đổi mới sáng tạo khác như sơn chống cháy, sơn diệt khuẩn, sơn giao thông …

Chuyện phân bón thông minh

Bên cạnh các dòng sơn của Kova thì phân bón thông minh của công ty Rynan Technologies từ Trà Vinh cũng là một sản phẩm đổi mới sáng tạo đáng chú ý được giới thiệu tại hội thảo.

Rynan có thể là một cái tên hoàn toàn mới trong ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng ông Nguyễn Thanh Mỹ, người đứng đầu công ty kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan Group, lại là một cái tên không hề xa lạ trong giới doanh nghiệp khoa học công nghệ Việt Nam.

Vậy phân bón của Rynan thông minh như thế nào? Phát biểu tại hội thảo, ông Mỹ giải thích, về cơ bản, phân bón thông minh có thành phần cơ bản từ phân bón thông dụng được bán trên thị trường nhưng điểm khác là chúng được bao ngoài bởi một lớp polymer.

Nếu không có lớp vỏ bọc, phân sau khi bón, một phần sẽ được cây hấp thụ, một phần thấm vào đất, một phần bị rửa trôi gây ô nhiễm nguồn nước, một phần sẽ bị chuyển hóa thành chất khí gây hiệu ứng nhà kính và bốc hơi vào môi trường, gây thất thoát, giảm hiệu quả sử dụng phân.

Với phân bón thông minh mà Rynan sản xuất, chính lớp polymer bao ngoài sẽ giúp phân phân giải từ từ theo tiến trình phát triển và hấp thụ của cây trồng. Điều này, theo ông Mỹ, giúp tăng hiệu quả sử dụng phân bón, giảm lượng phân sử dụng, giảm ô nhiễm nguồn nước, giảm khí thải nhà kính …

Sản phẩm này được ông Mỹ ấp ủ trong nhiều năm nay, được chính thức nghiên cứu sản xuất từ đầu năm 2016 và sản phẩm hiện đang được thử nghiệm với các hộ nông dân ở huyện Tam Nông, Đồng Tháp.

Dĩ nhiên là một công ty ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, Rynan không chỉ dừng ở phân bón. Đơn vị này còn nghiên cứu cung cấp các dịch vụ khác như ứng dụng Internet kết nối vạn vật và điện toán đám mây trong nông nghiệp thông minh; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đóng gói bao bì sản phẩm với công nghệ màng đa lớp…

Kết thúc phần tham luận của mình, ông Mỹ nhắn nhủ với các doanh nghiệp cũng như giới nghiên cứu rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội để đưa ứng dụng khoa học công nghệ vào làm mới nông nghiệp. Mọi công nghệ đều có sẵn và không có gì mới cả. Cái cần làm là kết hợp lại để đưa ra ứng dụng cho những nhu cầu hiện nay trong nông nghiệp mà thôi.

Đổi mới sáng tạo: DN ít quan tâm đến sự hỗ trợ của nhà nước?

Tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Lan, Phó Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ thuộc Bộ Khoa học Công nghệ, đưa ra con số nghiên cứu cho thấy chỉ có khoảng 13% doanh nghiệp có nhu cầu đổi mới công nghệ sau khi khảo sát gần 500 doanh nghiệp.

Kết quả này làm nhiều người ngạc nhiên. Vậy có thật là doanh nghiệp không quan tâm, không cần đến sự hỗ trợ của Nhà nước để đổi mới công nghệ?

Ông Thái Quốc Huy, đại diện Doanh nghiệp Thảo Hương đến từ An Giang, cho biết ông từng một lần nhận hỗ trợ từ cơ quan chính quyền tỉnh để đổi mới sản xuất nhưng lần kế tiếp công ty quyết định tự thực hiện cho khỏe vì thủ tục hỗ trợ quá nhiêu khê.

Thủ tục nhiêu khê chỉ là một yếu tố; hai yếu tố khác được ông Nguyễn Thanh Mỹ kể thêm từ chính trải nghiệm của mình ở tỉnh Trà Vinh là câu chuyện trình độ cán bộ kiểm định chưa cao, còn sự nhiệt tình lại quá thấp. Chính điều này làm doanh nghiệp cảm thấy chán nản và quyết định tự làm thay vì tìm đến Sở Khoa học Công nghệ của tỉnh.

Từ góc nhìn của người làm nghiên cứu khoa học, PGS – TS. Mai Thanh Phong, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa TPHCM, bổ sung rằng các Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp từ Nhà nước thường mắc căn bệnh ban phát. Họ nghĩ họ đang ban phát cho doanh nghiệp chứ không phải làm công việc hỗ trợ, phục vụ. Điều này dễ dẫn đến những vặn vẹo, hạch sách khi kiểm định hồ sơ.

Nói đi cũng phải nói lại. Theo PGS. Phong, ngoài những doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo, hiện cũng có không ít các doanh nghiệp chưa có sự quan tâm đầy đủ đến vấn đề này và đó là lý do lý giải thích con số 13% nêu trên.

BSA hợp tác với Bộ Khoa học Công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo hội nhập

Ngay tại hội thảo, BSA và BộKhoa học Công nghệ chính thức công bố thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2 nhằm mục đích xây dựng, triển khai chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sáng tạo hội nhập.

Một phần của chương trình này bao gồm xây dựng giải thưởng "Doanh nghiệp sáng tạo hội nhập" để khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh.

Theo TBKTSG