Số liệu thống kê nhất định không được qua “chế biến”

Các đại biểu quốc hội nhìn nhận, hoạt động thống kê cần được quy định chặt chẽ hơn bởi các điều luật tạo sự minh bạch và tin cậy hơn về số liệu.
Số liệu thống kê nhất định không được qua “chế biến”

Luật Thống kê năm 2003 sau nhiều năm áp dụng đã bộc lộ không ít những quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Sửa đổi Luật Thống kê là việc làm cần thiết nhằm khắc phục những bất cập của Luật Thống kê hiện hành về chất lượng, độ tin cậy của số liệu thống kê; giảm chênh lệch số liệu thống kê giữa Trung ương và địa phương…

Số liệu thống kê vẫn còn sai lệch

Thảo luận ở tổ về Dự án Luật thống kê (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, khi nghiên cứu văn bản, đọc những số liệu thống kê, tổng hợp trong báo cáo kinh tế xã hội, nếu so sánh với những chỉ tiêu thống kê của Bộ, ngành vẫn thấy có khá nhiều những chỉ số bị sai lệch.

Thực tế hiện nay, việc thống kê và sử dụng dữ liệu thống kê của các đơn vị bên ngoài nhà nước đã trở nên khá phổ biến. Đại biểu Hường cho rằng, việc bổ sung hoạt động thống kê ngoài nhà nước vào quy định của luật, tạo điều kiện pháp lý khá đầy đủ cho việc phát triển hoạt động thống kê, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của cá nhân và các tổ chức theo đúng quy định của Hiến pháp 2013.

Với việc phân cấp hệ thống thông tin thống kê nhà nước đưa thành 4 cấp độ cùng mối quan hệ giữa những cấp độ này đã cụ thể hóa nhiều nội dung về chỉ tiêu thống kê; đảm bảo thông tin thống kê nhà nước không bị mâu thuẫn, chồng chéo và có độ tin cậy. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hoạch định chính sách.

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường cho biết, dự thảo luận còn chưa nói rõ đến hoạt động hướng dẫn hoạt động thống kê cho cấp phường, xã. Luật quy định thống kê nhà nước thẩm định mọi hoạt động liên quan đến công tác thống kê, nhưng nhiều bộ ngành với những số liệu khác nhau, nếu chờ thẩm định sẽ dẫn đến quá tải, gây ảnh hưởng đến tiến độ thống kê của các bộ ngành và các địa phương.

Hơn nữa, khi số liệu giữa thống kê nhà nước với thống kê bộ, ngành địa phương có sự sai lệch hiện luật chưa có quy định xử lý. Đại biểu Hường đề nghị lịch công bố thông tin thống kê cả nước phải thống nhất, đúng kì và cần được ấn định trong luật tạo sự minh bạch thống nhất, thuận lợi khi sử dụng.

Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, “con số thật” là đòi hỏi luôn luôn cấp thiết trong công tác thống kê. Số liệu thống kê qua “chế biến” dẫn đến sai lệnh sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến việc hoạch định ngân sách, chính sách của nền kinh tế mỗi quốc gia. Do vậy hoạt động thống kê cũng như bộ luật quy định hoạt động này phải đảm bảo làm sao có được số liệu đầy đủ, hoàn toàn khách quan, minh bạch.

Cơ quan thống kê “vừa đá bóng vừa thổi còi”?

Bày tỏ tầm quan trọng của số liệu thống kê, Đại biểu Trịnh Thế Khiết, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho rằng, số liệu thống kê phải mang tính độc lập, không liên quan đến sự chỉ đạo của đơn vị nào và phải thể hiện một cách ngẫu nhiên. “Nhưng trong lâu nay có những số liệu không mang tính độc lập, hoặc không đáp ứng được yêu cầu, nhiều khi số liệu không mang tính khách quan. Nếu làm tốt được tính độc lập trong thống kê sẽ phản ánh được sự thật, giúp các nhà hoạch định và các nhà lãnh đạo điều chỉnh hoạt động tốt hơn”, Đại biểu Khiết cho biết.

Cũng theo đại biểu Khiết, hiện nay quy mô thống kê còn bất cập ở chỗ, Bộ KH&ĐT vừa hoạch định chính sách nhưng vừa thống kê toàn bộ hoạt động chính sách đó, như vậy là “vừa đá bóng vừa thổi còi” nên tính độc lập và khách quan của số liệu thống kê khó có thể đáp ứng được.

Từ đó có thể thấy, quy mô, cấp độ thông tin thống kê vẫn mang tính hành chính, không mang tính thị trường dẫn đến tính khoa học bị hạn chế dẫn khiến việc cập nhật thông tin chưa kịp thời. Do đó, đại biểu đề xuất, để khách quan nhất đên đưa cơ quan thống kê về Chính phủ quản lý trực tiếp, không thể chuyển về Quốc hội vì Quốc hội không phải cơ quan hành chính, không mang tính hệ thống được xác lập theo luật pháp.

Đồng tình với quy mô và cấp độ hoạt động, Đại biểu Bùi Thị An, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội thì lại cho rằng, nếu đưa được cơ quan thống kê độc lập thành cơ quan của Quốc hội, tương tự như kiểm toán thì những điều khoản trong dự thảo luật sẽ thực hiện được, nếu vẫn giữ ở Bộ KH&ĐT như hiện nay sẽ rất khó cho thống kê.

Bà An khẳng định rõ số liệu thống kê của một đất nước, một địa phương như các chỉ số sức khỏe của một con người do vậy cần phải chuẩn xác. Việc xử lý số liệu thống kê hiện nay được thực hiện theo cơ sở phương pháp nào là cần có những điều khoản đưa vào luật.

Ngoài ra, nên quy định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan thống kê, kể cả tư nhân lẫn nhà nước đều fải chịu trách nhiệm về số liệu liệu thống kê. Số liệu thống kê phải hết sức trung thực, nếu sai lệch sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách./.

Theo VOV