Sở hữu ngân hàng: Không nên khống chế tỷ lệ với nhà đầu tư ngoại

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cho rằng thông tin nới tỷ lệ bán cổ phần ngân hàng trên 30% có thể hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài. 
Nhà đầu tư nước ngoài kêu khó trong việc tiếp cận ngân hàng để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần
Nhà đầu tư nước ngoài kêu khó trong việc tiếp cận ngân hàng để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần

Nhưng tốt nhất là không nên khống chế cổ phần bán mà để ngân hàng và nhà đầu tư nước ngoài tự thoả thuận tỷ lệ và giá bán theo nhu cầu và năng lực của mình.

Mặc dù rất nhiều ngân hàng lên kế hoạch bán cổ phần cho đối tác nước ngoài như BIDV, HDBank, MB, SHB, Sacombank…, tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, hầu như chưa có một thương vụ nào mới trong việc mua cổ phần ngân hàng nội của đối tác nước ngoài.

“Tại anh” hay “tại ả”?

Tại Đại hội đồng cổ đông diễn ra mới đây của những ngân hàng này, nhiều cổ đông đã hỏi về việc tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài tại sao lâu thế mà vẫn chưa có kết quả.

Hầu hết lãnh đạo các ngân hàng này đều thừa nhận đối tác chiến lược nước ngoài rất nhiều nhưng để tìm được nhà đầu tư là tập đoàn tài chính mạnh, có năng lực tài chính, mạnh về công nghệ cũng như hỗ trợ cho ngân hàng trong hoạt động, phát triển dịch vụ, đặc biệt là đi đường dài cùng với ngân hàng thì hơi khó.

Thậm chí, MB còn khóa cả room nhà đầu tư nước ngoài trên sàn niêm yết để tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài để bán 10 – 15% cổ phần, nhưng 3 năm qua vẫn chưa tìm thấy…

Trong khi các ngân hàng nội vẫn đang “đỏ mắt” tìm đối tác nước ngoài, thì nhiều nhà đầu tư ngoại kêu khó tiếp cận để nâng tỷ lệ sở hữu vì lo ngại rủi ro pháp lý khi nắm lượng cổ phần nhỏ ở các ngân hàng.

Tại Diễn đàn Mùa xuân do Ủy ban Kinh tế Quốc hội vừa mới tổ chức giữa tháng 4 vừa qua, cơ quan này bày tỏ quan ngại về những rủi ro pháp lý tiêu cực khi sở hữu một lượng cổ phiếu nhỏ đối với các đối tượng nước ngoài.

Theo Ủy ban kinh tế Quốc hội, Việt Nam nên tăng giới hạn sở hữu nước ngoài để mang lại khả năng kiểm soát vốn có hiệu quả. Thêm vào đó, việc tăng mức sở hữu có thể là một bước tiến trong quản lý ngân hàng và sẽ giúp tăng cường hoạt động và sự hiện diện của ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Bình luận về việc kêu khó của các nhà đầu tư nước ngoài, ông Hiếu cho biết hiện nay, những nhà đầu tư nước ngoài đang kêu khó chủ yếu đang ở Việt Nam chứ không phải những nhà đầu tư chưa vào hoặc sắp vào.

“Điều đó cho thấy lĩnh vực ngân hàng chưa đủ hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài mới vì những rủi ro pháp lý hiện nay. Bằng chứng là mấy năm qua, nhiều ngân hàng trong nước vẫn không tìm được nhà đầu tư nước ngoài nào để bán cổ phần và việc tăng vốn của họ cũng rất khó khăn. Hầu như không ngân hàng nào thực hiện tăng vốn thành công”, ông Hiếu nhận định.

Theo ông Hiếu, việc khống chế tỷ lệ 30% khiến nhà đầu tư nước ngoài cảm thấy không mặn mà. Một lý do nữa khiến nhà đầu tư nước ngoài mới không để ý đến ngân hàng nội vì những ông chủ ngân hàng trong nước không mặn mà với việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ cao mà không chế ở mức thấp. Ví như MB chỉ bán 10-15%, HDBank và SHB không nói tỷ lệ muốn bán.

“Lý do vì họ lo ngại nhà đầu tư nước ngoài vào thì sẽ bị mất quyền làm chủ của mình. Việc lo ngại như vậy và không muốn bán cho nhà đầu tư nước ngoài là không hợp với xu hướng hiện nay. Các ngân hàng cần vốn nhưng không muốn bán tỷ lệ cao cho nhà đầu tư nước ngoài thì rất khó thu hút được nguồn lực. Như vậy họ chỉ có thể huy động nguồn lực trong nước.

Nếu nguồn lực trong nước mà không có thì họ sẽ không thể tăng được vốn, điều này sẽ làm giảm năng lực cạnh tranh của ngân hàng và tụt hậu bởi xu hướng hiện nay là sáp nhập và lớn mạnh bằng các nguồn lực”, ông Hiếu bình luận.

Nhà đầu tư thận trọng

Đáp ứng nhu cầu này, tại cuộc họp Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cho biết sẽ ban hành một Nghị định về tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với ngân hàng lên trên 30%.

Thực tế, quy định này đã được xem xét trước đó vào năm 2013 và không thay đổi gì kể từ thời điểm đó ngoại trừ với trường hợp ngoại lệ. Trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém, Thủ tướng có thể cho phép mức nắm giữ của khối ngoại vượt quá 30%. Từ trước đến nay, chưa có ví dụ thực tế nào của trường hợp ngoại lệ này.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là thông tin ban đầu, hiện vẫn chưa có thông tin chi tiết về nghị định này cũng những quy định cụ thể. Nhà đầu tư ngoại vẫn còn xem đây là động thái để mở rộng với mọi đối tượng nhà đầu tư nước ngoai hay đơn giản chỉ cho phép nhà đầu tư chiến lượng năm giữ mức cổ phần cao hơn.

Đánh giá về thông tin này, giới chuyên gia cho rằng việc tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài với ngân hàng là cần thiết, nhất là trong bối cảnh cần thiết phải tăng vốn. Nhu cầu tăng vốn trong giai đoạn 2015-2018 rất cao bởi đây là thời điểm ngân hàng đẩy mạnh dự phòng và sẽ cần nhiều vốn hơn để có thể hoạt động ổn định mà vẫn đáp ứng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn (CAR).

Theo một chuyên gia tài chính, thông điệp nới tỷ lệ sở hữu đối với nhà đầu tư nước ngoài có ba phương án: nới room cho các nhà đầu tư chiến lược lên 49% với mức độ tối đa cho một nhà đầu tư riêng lẻ là 30% từ mức 15 -20% hiện tại và áp dụng tùy từng trường hợp;

Nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 49% đối với cả nhà đầu tư tài chính và chiến lược nhưng vẫn giữ mức trần đối với một nhà đầu tư riêng lẻ là 30%;  

Nới room lên 49% mà không kèm theo bất kỳ hạn chế nào đối với tỷ lệ nắm giữ tối đa của một nhà đầu tư riêng lẻ.

“Các phương án sẽ có những tác động khác nhau và tôi cho rằng phương án 1 và 2 sẽ khả dĩ hơn vì ngành ngân hàng có đội nhạy cảm cao đối với toàn bộ nền kinh tế. Với phương án 1, nhiều nhà đầu tư chiến lược sẽ sẵn sàng mua vào cổ phần của các ngân hàng nội”, vị này bình luận.

Trên thực tế, việc nới room ngành ngân hàng cũng giống với câu chuyện nới room nói chung. Đã có nhiều đề cập và thậm chí là cả thời gian thực hiện được đưa ra một cách mơ hồ nhưng cuối cùng vẫn không có thông tin chi tiết cụ thể được công bố. Do vậy, nhà đầu tư nước ngoài sẽ chờ xem nội dung cụ thể của nghị định và thông tư đi kèm trước khi có thái độ rõ ràng.

Theo Bizlive