Sẽ tăng nhiều mức phạt vi phạm về báo chí

Trong số những nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực báo chí, dự kiến tăng mức phạt ở nhiều hành vi vi phạm để phù hợp với tình hình thực tế, tính chất và mức độ vi phạm.
Toàn cảnh cuộc họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Trưởng Ban Soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013 của Chính phủ.
Toàn cảnh cuộc họp dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Trưởng Ban Soạn thảo Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013 của Chính phủ.

Chiều 23/5/2017, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo, Trưởng Ban Soạn thảo đã chủ trì cuộc họp Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản.

Tại cuộc họp, ông Đặng Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Bộ TT&TT, Tổ trưởng Tổ Biên tập cho biết: Một trong những căn cứ để xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013 là sau khi Nghị định số 159/2013 được ban hành, đã có nhiều quy định mới liên quan đến báo chí, xuất bản, in và phát hành như: Luật Báo chí năm 2016; Nghị định số 08/2017 quy định về lưu chiểu điện tử đối với loại hình báo nói, báo hình và báo điện tử độc lập với cơ quan báo chí; Nghị định số 09/2017 quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Nghị định số 195/2013 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản; Nghị định số 60/2014 quy định về hoạt động in...

Lúc đầu Bộ TT&TT chỉ đặt vấn đề xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 159/2013, nhưng sau khi bắt tay vào công việc thì gần như 100% các điều trong Nghị định số 159/2013 cần được sửa đổi, bổ sung. Do vậy, Bộ TT&TT đề xuất Văn phòng Chính phủ cho đổi tên thành Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013.

Cũng theo ông Đặng Anh Tuấn, riêng với nội dung xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí, dự kiến sửa đổi 12/13 điều, tăng mức phạt ở hầu hết các hành vi để phù hợp thực tế, tính chất mức độ vi phạm. 

Một số hành vi giữ nguyên mức phạt như: Sử dụng thẻ nhà báo của người khác hoặc sử dụng thẻ nhà báo giả để hoạt động báo chí; Sử dụng thẻ nhà báo đã bị sửa chữa, tẩy xóa, hết hạn sử dụng để hoạt động báo chí; Phóng viên nước ngoài hoạt động báo chí tại Việt Nam không có thẻ phóng viên nước ngoài hợp lệ do Bộ Ngoại giao cấp; Lợi dụng tư cách nhà báo, phóng viên để trục lợi; Không thực hiện lưu chiểu báo chí theo quy định; Không lưu giữ toàn bộ chương trình đã truyền dẫn phát sóng hoặc lưu giữ không đúng quy định về thời gian đối với báo nói, báo hình; không lưu trữ nguyên vẹn nội dung đã đăng, phát hoặc lưu giữ không đúng quy định về thời gian đối với báo điện tử.

Một số hành vi giảm mức phạt gồm: Thể hiện không chính xác, trung thực nội dung trả lời của người trả lời phỏng vấn; Không thực hiện yêu cầu xem lại nội dung trả lời của người trả lời phỏng vấn trước khi đăng, phát nội dung trả lời phỏng vấn trên báo chí; Cung cấp thông tin không trung thực, sai sự thật cho báo chí; Không cải chính, xin lỗi theo quy định; Không đăng, phát nội dung kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về nội dung sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân đã đăng, phát trên báo chí; Họp báo khi đã bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ; Bán sản phẩm báo chí nhập khẩu trái phép; Sửa chữa, tẩy xóa hoặc cho thuê, cho mượn giấy đăng ký thu tín hiệu truyền hình nước ngoài trực tiếp từ vệ tinh...

Ngoài ra, theo dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013, sẽ bỏ 2 biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi thẻ nhà báo và buộc thu hồi giấy phép, nhưng sẽ tăng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép từ 1 đến 24 tháng (bao gồm cả hành vi thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích ghi trong giấy phép hoạt động báo chí).

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá cao những ý kiến góp ý thẳng thắn của các thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013. Đồng thời đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tiếp tục phối hợp với Bộ TT& để quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật này đảm bảo đúng tiến độ và quy trình thủ tục, đảm bảo tính khả thi cho Nghị định sau khi được ban hành và đi vào cuộc sống.

Theo kế hoạch, đầu tháng 9/2017, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 159/2013.

Theo ICT News
http://ictnews.vn/thoi-su/du-kien-tang-nhieu-muc-phat-vi-pham-ve-bao-chi-153238.ict