Samsung “tự bắn vào chân mình” trước lễ ra mắt Galaxy S8

VietTimes -- Samsung buộc khách hàng phải ký vào một bản thỏa thuận không tiết lộ smartphone bị lỗi nếu họ muốn đổi sản phẩm mới. Động thái này dường như đang gây bất lợi với chính Samsung.
Galaxy S7 Edge là smartphone tốt nhất của Samsung tính đến thời điểm hiện tại
Galaxy S7 Edge là smartphone tốt nhất của Samsung tính đến thời điểm hiện tại

Một người đàn ông Singapore gần đây đã bị Samsung từ chối đổi sản phẩm Galaxy S7 Edge bị lỗi, trừ phi anh ta từ bỏ quyền công khai chỉ trích Samsung trên mạng xã hội. Dường như Samsung đang cố “nhào nặn” khách hàng nhằm tránh lặp lại “tai tiếng” Galaxy Note 7. Chỉ vài giờ nữa là người khổng lồ điện tử Hàn Quốc cho ra mắt bộ đôi smartphone mới, nhưng dường như Samsung đang tự “bắn vào chân mình” .

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 23/2, khi điện thoại Galaxy S7 Edge của một người đàn ông Singapore trở nên quá nóng và bị hỏng hoàn toàn chỉ sau 6 ngày sử dụng tính từ lúc mua mới. Tuy nhiên, khi mang điện thoại đến yêu cầu Samsung đổi trả, anh đã nhận được một bản thỏa thuận với nội dung chính như sau:

“Khi quý khách hàng chấp nhận thiết bị di động này đồng nghĩa với việc quý khách hàng đồng ý không phát tán, tiết lộ hay tạo lập ra bất cứ nội dung nào về sản phẩm Samsung trên các phương tiện truyền thông như Facebook, Twitter, hoặc bất cứ phương tiện nào khác trên Internet. Quý khách hàng không được đưa ra những phát ngôn, bình luận nhằm mục đích chỉ trích, hạ nhục danh tiếng của Samsung (bao gồm các sản phẩm, dịch vụ, nhân viên, đại lý hoặc ban điều hành của Samsung) cho bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào”.

Sau khi từ chối ký kết thỏa thuận này, người đàn ông đã bị Samsung từ chối đổi chiếc điện thoại hỏng. Anh ta đã viết email gửi lên cho Samsung và nhận được phản hồi sẽ xem xét trường hợp này, tuy nhiên sau đó hoàn toàn không có câu trả lời từ Samsung.

Một tháng sau, vào ngày 24/3, anh đã viết phàn nàn lên Facebook chính thức của Samsung Singapore, tuy nhiên câu trả lời từ phía Samsung là bản thỏa thuận đã “đúng tiêu chuẩn”.

“Hiệu ứng Streisand được dùng như một thuật ngữ đề cập đến những hậu quả không chủ ý khi cố gắng tìm cách che dấu, loại bỏ, ngăn chặn hoặc kiểm duyệt thông tin, nhưng càng làm công chúng chú ý hơn, thông tin bị công bố lan tỏa rộng rãi hơn, thường là qua Internet” – theo Wikipedia

Ngôn ngữ trong bản thỏa thuận này khá là hài hước, khi nó hàm ý việc đổi trả điện thoại bị lỗi là thiện chí từ phía Samsung, ngay cả khi chiếc điện thoại đó vẫn trong thời hạn bảo hành. Trong bất kỳ tình huống nào, rõ ràng động thái của Samsung là nhằm ngăn chặn “cơn bão truyền thông” giống như “cơn bão” đã bủa vây Galaxy Note 7. Nhưng có vẻ hiệu ứng Streisand đang ám vào chính Samsung. Hãng này đang phải trải qua một thời kỳ không mấy suôn sẻ

Thật kỳ lạ, đây là sự kiện thứ hai liên quan đến Samsung và Singapore. Trước đó là một cửa hàng của Samsung ở Singapore bị bốc cháy. Chưa rõ việc Samsung yêu cầu khách hàng ký bản thỏa thuận chỉ xảy ra ở Singapore hay còn ở quốc gia khác. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật tình hình sau khi tìm hiểu thêm.

Theo Phone Arena