Rúp Nga sụt giảm: Cú sốc chính trị của ông Putin?

VietTimes -
Tờ báo viết, Châu Âu có thể vui mừng cho sự hâm nóng địa chính trị trong khu vực biển Caraibe
Rúp Nga sụt giảm: Cú sốc chính trị của ông Putin?
Rúp Nga sụt giảm: Cú sốc chính trị của ông Putin?
Tình hình khủng hoảng đồng rúp Nga vẫn là phần tin thời sự quốc tế nổi cộm nhất trên các nhật báo, RFI cho biết. Le Figaro trong bài xã luận đề tựa "Từ Cuba đến Moscow" cảnh cáo Châu Âu đừng vì sự xích lại gần lịch sử đó mà quên lãng một hồ sơ khác có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của cả khối.

Tờ báo viết, Châu Âu có thể vui mừng cho sự hâm nóng địa chính trị trong khu vực biển Caraibe, nhưng Châu Âu cũng chẳng hưởng được chút lợi ích gì từ sự kiện đó. Bởi vì Nga mới chính là mối bận tâm hàng đầu. Chính tại đây mà thị trường tài chính Châu Âu đang bị chao đảo.

Các lệnh trừng phạt đưa ra nhằm mục đích gây áp lực buộc Moscow phải chấm dứt các hành động can thiệp gây hấn vào Ukraine. Trong bối cảnh căng thẳng đó, mỗi bên đều chứng tỏ khả năng gây bất ổn của mình. Nhưng bài xã luận cho rằng giờ cũng không phải là lúc để gia tăng các lệnh trừng phạt như Hoa Kỳ vừa tuyên bố. Cách duy nhất để giúp Nga thoát khỏi bế tắc tại Ukraine và bảo vệ quyền lợi của mình là Châu Âu phải giang tay ra với Moscow.

Nếu như Cuba là một thành công ngoại giao của ông Obama, thì Châu Âu đang ở vào giây phút quan trọng trong quan hệ với Nga. Kinh tế Nga sụp đổ hay chế độ bị suy yếu đều đe dọa đến sự ổn định của cả châu lục trong những thập niên sắp tới. 

Thay vì ngoan ngoãn đi theo đồng minh Hoa Kỳ thông qua các lệnh trừng phạt mới, Châu Âu nên cho thấy hướng đi và cùng Moscow tiến đến việc dỡ bỏ lệnh cấm vận.

Đồng rúp mất giá, trách nhiệm thuộc về ông Putin

Ngược lại, nhật báo thiên tả Libération trong bài xã luận đề tựa "Sô-vanh" lại cho rằng chính Tổng thống Nga Vladimir Putin phải xem xét lại các đường lối chính sách của mình với các nước láng giềng.

Bài viết chắc chắn rằng nhờ vào uy tín được củng cố mạnh mẽ, như thường lệ trong buổi họp báo hôm 18/12 ông Putin lại sử dụng chiêu bài âm mưu quốc tế đe dọa nước Nga. … Nhưng đồng rúp mất giá lộ rõ cho thấy sự yếu kém của nền kinh tế Nga, một hệ thống lệ thuộc hoàn toàn vào dầu hỏa.

Cũng như Le Figaro, nhật báo thiên tả cho rằng Châu Âu chẳng có lợi gì khi có một nước Nga thù địch và suy yếu nằm ngay sát cạnh biên giới của mình. Nhưng ông Putin phải đo lường các hệ quả từ những chính sách do ông tiến hành chống lại các nước láng giềng.

Chính ông Putin phải xem xem ông thích hòa đồng cùng với các quốc gia khác hay là tiếp tục theo đuổi các cuộc chiến của mình dẫn đến nguy cơ làm sụp đổ đất nước và mất cả quyền lực.

Thị trường tài chính thế giới mất phương hướng

Về phần mình, Le Monde quan sát thấy "Khởi đầu hoảng loạn tại Moscow". Đồng rúp đã bị mất giá đến 20% vào ngày thứ Ba (16/12/2014) vừa qua. Người dân Nga đã ồ ạt đi mua sắm và trữ hàng do e sợ giá cả sẽ bị đội lên. 

Tại các hiệu đổi ngoại tệ, những hàng người dài dằng dặc để đổi lấy đồng đô-la hay euro do có những lúc đồng rúp tụt giảm mạnh đạt đến mức trần 100 rúp/đô-la. Các ngân hàng buộc phải giới hạn rút tiền bằng ngoại tệ ở mức 2000 euro/người.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải bán ra một số ít ngoại tệ dự trữ nhằm ổn định đồng nội tệ. Nhưng điều Le Monde quan tâm đến là tác động của cuộc khủng hoảng đồng rúp lên thị trường tài chính thế giới. Trên trang nhất phụ trương kinh tế, nhật báo đưa tít lớn "Bất ổn Nga làm kịch phát nỗi lo sợ của thị trường tài chính".