Quản lý cao tốc Hà Nội-Hải Phòng: Bạn làm gì bất thường, camera đều không bỏ sót!

VietTimes -- Với mục tiêu đưa cao tốc Hà Nội – Hải Phòng trở thành một tuyến đường cao tốc kiểu mẫu ở Việt Nam, chủ đầu tư cho biết, tất cả các hệ thống được lắp đặt, sử dụng trên dọc tuyến là những trang thiết bị tối tân nhất nhưng giá cả phải chăng và đạt hiệu suất sử dụng tốt nhất.
Hệ thống màn hình Wall Screen Map tại Trung tâm điều hành tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng
Hệ thống màn hình Wall Screen Map tại Trung tâm điều hành tuyến cao tốc Hà Nội – Hải Phòng

Hệ thống Giao thông Thông minh (lntelligent Transport System - ITS) là việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ, bao gồm các thiết bị cảm biến, điều khiển, điện tử, tin học và viễn thông trong lĩnh vực giao thông để điều hành và quản lý hệ thống giao thông vận tải.

Hiện ITS là công nghệ mới phát triển trên thế giới, được sử dụng để giải quyết các vấn đề của giao thông đường bộ, bao gồm tai nạn và ùn tắc giao thông.

ITS sử dụng các tiến bộ của công nghệ thông tin và viễn thông để liên kết giữa con người, hệ thống đường giao thông và phương tiện giao thông lưu thông trên đường thành một mạng lưới thông tin và viễn thông phục vụ cho việc lưu thông tối ưu trên đường cao tốc.

Tại cao tốc Hà Nội Hải Phòng, hệ thống ITS bao gồm 9 hệ thống riêng, được chia làm 3 mảng rõ rệt.

Cụ thể, mảng giám sát giao thông bao gồm hệ thống camera quay quét CCTV, camera dò xe VDS, hệ thống giám sát tải trọng xe, hệ thống biển báo GMS và Trung tâm điều hành tuyến.

Mảng tiếp theo là mảng thu phí gồm hệ thống thu phí khép kín, hệ thống điện thoại liên lạc nội bộ.

Cuối cùng là mảng phụ trợ bao gồm hệ thống truyền dẫn KTS, hệ thống cung cấp nguồn, và hệ thống bổ sung như loa phát thanh, camera giám sát cầu vượt.

Trong đó, quan trọng nhất là hệ thống dò xe VDF. Hệ thống này có thể tự động phát hiện những điểm bất thường trên đường như ùn tắc, tai nạn,… sau đó đối chiếu với các thông tin từ hệ thống camera CCTV truyền về, sẽ đưa ra các cảnh báo sớm cho kỹ thuật viên tại Trung Tâm điều hành tuyến các phương án xử lý.

Tại Trung tâm điều hành tuyến, sẽ luôn có 4 kỹ sư trực trước bức tường màn hình – map screen wall, nơi hiển thị thông tin từ nhận được từ hệ thống camera. Được biết, để quản lý 105km đường cao tốc này 24/24, Trung tâm có tất cả 12 kỹ sư chia làm 3 ca trực thường xuyên.

Về bức tường màn hình, gồm 32 màn hình LCD được ghép nối với nhau với khoảng cách mép nối không quá 1mm và cong 3 độ, cho phép hiển thị tất cả những thông số mà kỹ sư yêu cầu, từ thông tin của hệ thống camera đến thông số xe.

Các thông số này được hệ thống VDF dò tự động các loại xe lưu thông trên đường, đối chiếu với các thông số kỹ thuật của xe đăng ký tại Bộ GTVT để xác nhận thông tin.

Tất cả những thông tin được VDF xử lý được xuất ra tại 8 hệ thống biển báo GMS để thông tin đến những xe đang lưu thông trên đường.

Ngoài việc điều hành lưu thông trên tuyến đường, VDF còn tự động giám sát thu phí khép kín và hậu kiểm tại chỗ.

Hỗ trợ kết nối các hệ thống trên với nhau là hệ thống truyền dẫn dữ liệu  KTS bao gồm hơn 120km cáp quang dọc tuyến, có thể truyền tải được song song cả hàng chục cuộc gọi hotline, gọi nội bộ và truyền tải dữ liệu camera.

Ngoài ra, dọc 105km chiều dài tuyến, Vidifi đã lắp đặt 24 trạm biến áp để cung cấp nguồn điện cho hệ thống.

Đại diện Vidifi cho biết, Vidifi đang có chiến lược lắp thêm hệ thống pin năng lượng mặt trời để hỗ trợ cho 24 trạm biến áp này.