Putin "phá trận' Mỹ-phương Tây ra sao trong nhiệm kỳ thứ 4

VietTimes -- Ngày 7.5 vừa qua, ông Vladimir Putin đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ 4 trên cương vị tổng thống Liên bang Nga. Hiện tại, có rất nhiều thông tin và suy đoán về việc ông sẽ có những hành động gì trong nhiệm kỳ cuối của mình theo Hiến pháp Nga, National Interests cho biết. 
Tuần vừa qua Moscow đã có 2 ngày lễ lớn. Ngày 7.5, ông Vladimir Putin đã làm lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 4 tại điện Kremlin, ông đã mô tả nước Nga là "một đất nước của những chiến thắng vĩ đại và các thành tựu", ông thề sẽ "làm tất cả để xây dựng sức mạnh, sự thịnh vượng và vinh quang của nước Nga".
Vào ngày 9.5, Nga đã kỷ niệm chiến thắng phát xít trong "Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại" với một lễ duyệt binh lớn có sự tham gia của những tên lửa siêu thanh, xe tăng và máy bay không người lái. Trong bài diễn văn, ông Putin đã cảnh báo những ai muốn viết lại lịch sử hay tuyên bố những gì mang tính biệt lệ như phát xít từng làm.
Putin "phá trận' Mỹ-phương Tây ra sao trong nhiệm kỳ thứ 4  ảnh 1 Ngày 9.5, Nga tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 73 năm chiến thắng phát xít.
Những ngày lễ đã đi qua và hiện tại người ta đang mong chờ gì trong nhiệm kỳ thứ 4 của tổng thống Putin? Có nhiều dấu hiệu chỉ ra những kế hoạch liên tục cả về mặt nhân sự lẫn chính sách. Ông Dimitri Medvedev sẽ tiếp tục làm thủ tướng Nga - một sự sắp đặt rõ ràng theo ý của ông Putin. Sẽ có sự cải tổ lại các vị trí trong chính phủ. Có rất nhiều tin đồn xung quanh sự việc này nhưng rất ít quan chức trong hệ thống của ông Putin từng bị cho thôi việc, họ chỉ chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Cũng có những tin đồn cho rằng Bộ Trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov đã sẵn sàng nghỉ hưu nhưng trong quá khứ ông cũng từng được thuyết phục ở lại vị trí của mình.
Cũng có tin ám chỉ ông Alexei Kudrin - người là Bộ trưởng Tài chính Nga 2000-2011 từng đạt danh hiệu Bộ trưởng Tài chính năm 2010 của Euromoney (trước khi ông có những bất đồng với ông Medvedev), có thể sẽ trở lại chức vụ này để củng cố quan hệ kinh tế với châu Âu và Mỹ. Ông Kudrin là một nhà kinh tế tự do, ông nhấn mạnh Nga cần đa dạng hóa và tái cấu trúc nền kinh tế và phải cải thiện quan hệ với phương Tây nếu muốn có sự thịnh vượng. Ông đã phê phán suy nghĩ ngắn hạn của chính phủ đã làm chậm tiến trình kinh tế. Cam kết của ông Putin để tái cơ cấu kinh tế vẫn chưa rõ ràng bởi những nỗ lực trong nhiệm kỳ trước hiện đang đuối dần.
Putin "phá trận' Mỹ-phương Tây ra sao trong nhiệm kỳ thứ 4  ảnh 2 Ngày 7.5, ông Putin tuyên thệ nhậm chức lần thứ 4.
Ông Putin đã đưa ra những gợi ý về chương trình trong nhiệm kỳ thứ 4 của ông trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang Nga ngày 1.3. Nửa đầu bài phát biểu là thảo luận về tình trạng nền kinh tế Nga, với những lời hứa sẽ giảm tỷ lệ nghèo đói, nâng cao mức sống trung bình, cung cấp thêm nhiều việc làm và tăng tỷ lệ tăng trưởng. Điều này đã được đưa ra ngày 7.5 trong Mệnh lệnh được chính phủ thông qua về những mục tiêu quốc gia và mục tiêu chiến lược cho tới năm 2024 của Nga. Nó bao gồm cả việc tăng tuổi thọ dự kiến của người dân Nga từ 72 tuổi thành 78 tuổi; cắt giảm nghèo đói xuống còn một nửa; thúc đẩy công nghệ số; đưa Nga trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới với tỷ lệ tăng trước vượt qua tỷ lệ tăng trưởng quốc tế. Ông Putin cũng nói rằng Nga sẽ trở thành nước đi đầu về trí tuệ nhân tạo.
Thực tế, những mục tiêu này đầy hoài bão và không dễ có thể đạt được. Nga đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2014-2015, khi giá dầu hạ thấp, cấu trúc kinh tế yếu kém và các lệnh trừng phạt của phương Tây tấn công mạnh vào nền kinh tế. Những chính sách khôn ngoan về tài chính và tác động tích cực khi Nga chống lại trừng phạt của châu Âu về nhập khẩu nông sản đã kích thích sự phát triển của nền nông nghiệp Nga, giúp cho kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Với việc giá dầu đang tăng trở lại, sự tăng trưởng sẽ tiếp tục. Nhưng chừng nào Nga vẫn còn dựa chủ yếu vào dầu khí và xuất khẩu nguyên liệu thô, khả năng hiện đại hóa của Nga sẽ bị hạn chế.
Những vũ khí xuất hiện trong lễ duyệt binh của Nga hôm 9.5 đã củng cố phát biểu của ông Putin ngày 1.3.
Nửa sau bài phát biểu của ông Putin cũng đưa ra những gì có thể là chính sách ngoại giao của ông trong nhiệm kỳ 4. Tổng thống Nga đã giới thiệu thế hệ vũ khí nguyên tử mới của Nga có thể hủy diệt nước Mỹ. Một đoạn video đã mô tả loại tên lửa đạn đạo liên lục địa ICBM được cải tiến có thể bắn từ Nga mà bay qua được Nam Cực, tránh khỏi hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, bay tới nam Florida và phóng ra nhiều đầu đạn vào các mục tiêu như Mar-A-Lago (nơi có resort của tổng thống Mỹ Donald Trump).
Ông Putin đã mô tả 4 loại siêu vũ khí mới mà Nga đã phát triển bao gồm tên lửa hành trình có động cơ năng lượng nguyên tử và một tàu ngầm không người lái liên lục địa. Lên án phương Tây xem thường Nga và cố tình phớt lờ những lợi ích của Nga, ông Putin đảm bảo với những khán giả của ông rằng Mỹ sẽ không thể chiến thắng Nga trong một cuộc xung đột quân sự. Rõ ràng, những vũ khí xuất hiện hôm 9.5 là để củng cố cho thông điệp này. Viện dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia cùng Bản đánh giá chung về tình trạng hạt nhân mới của Mỹ, cả hai đều coi Nga là kẻ thù và cam kết Mỹ phải hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, tổng thống Nga đã đưa ra tín hiệu rõ ràng rằng Nga có ý định tiếp tục nâng cao khả năng về quân sự.
Trong nhiệm kỳ thứ 4, tổng thống Nga sẽ tập trung vào mối quan hệ giữa Nga với Trung Quốc - một đối tác chính của Nga trên toàn cầu. Sau sự kiện Crimea, đẩy mạnh quan hệ đối tác với Bắc Kinh là một thành công lớn của ông Putin trong nhiệm kỳ 3. Nga cũng sẽ tìm cách củng cố vị thế như một quyền lực tuyệt đối tại Trung Đông - Nơi mà các nước Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shia và Israel coi là một "tay chơi" duy nhất có thể nói chuyện với tất cả các phe và không đưa ý thức hệ vào trong khu vực. Nga sẽ có mối bận tâm cả về việc đàm phán để tìm cách kết thúc cuộc chiến tại Syria cũng như tìm đối tác để tái thiết lại đất nước này sau chiến tranh. Ông Putin rõ ràng sẽ tìm cách tăng vị thế của Nga tại Trung Đông khi chính quyền của ông Trump đang giảm sự hiện diện của Mỹ trong khu vực.
Nga thử tên lửa ICBM Sarmat.
Quan hệ của Nga với những nước hàng xóm cũng sẽ được ưu tiên. Cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang năm thứ 4 và vẫn chưa rõ liệu Moscow có ý định nghiêm túc giải quyết nó không nhưng các cuộc đàm phán vẫn đang tiếp tục. Việc Kremlin kiềm chế phản ứng lại "cuộc cách mạng nhung" mới đây tại Armenia cho thấy Nga sẽ khoan thứ cho những cuộc động loạn tại nước đồng minh hàng xóm miễn là Yerevan không tìm cách quay sang với phương Tây. Sự kế vị tiếp theo tại Kazakhstan (nơi có 1/3 dân số là người Slavic) trong nhiệm kỳ thứ 4 của tổng thống Putin cũng có thể tạo ra những sự căng thẳng không lường trước được giữa Nga và các đối tác gần gũi khác trong khu vực.
Quan hệ của Nga với châu Âu và Mỹ sẽ tiếp tục căng thẳng khi cuộc xung đột Ukraine vẫn chưa kết thúc và các chính phủ phương Tây cáo buộc Nga can thiệp vào chính trị nội địa của họ. Việc gọi phương Tây là kẻ thù chính làm suy yếu nước Nga đã giúp ông Putin có được sự ủng hộ của quần chúng và việc này sẽ được tiếp tục trừ phi có những mối lợi thiết thực hơn để từ bỏ nó. Nhưng năm ngoái cũng có những dấu hiệu rằng Kremlin đang mở ra "đường thoát" với Mỹ và ông Putin thường kiềm chế phê bình tổng thống Trump khi ông chỉ trích các chính sách của Mỹ.
Ông Putin đang bắt đầu nhiệm kỳ thứ 4 và là nhiệm kỳ cuối cùng theo Hiến pháp Nga. Vấn đề kế tục sau khi ông hết nhiệm kỳ vẫn chưa được giải quyết. Khi kết thúc nhiệm kỳ thứ 4, ông sẽ là người đứng đầu nước Nga trong 1/4 thế kỷ. Ông đã chứng kiến nhiều tổng thống Mỹ và các lãnh đạo thế giới đến rồi đi. Liệu ông có bắt đầu lựa chọn người kế nhiệm? Hay Hiến pháp Nga sẽ được thay đổi để cho phép ông nắm quyền sau năm 2024? Nga đã chứng kiến 3 lần chuyển giao quyền lực: năm 1991 từ ông Yeltsin sang ông Putin, từ ông Putin sang ông Medvedev và từ ông Medvedev về lại cho ông Putin. Và bước đi tiếp theo của tổng thống Nga với vấn đề này sẽ tiếp tục là chủ đề được nhiều người suy đoán khi ông bắt đầu nhiệm kỳ mới.